"Nới tay" chấm thi, lo "hai không" phá sản

Chủ Nhật, 26/06/2011, 03:54
Dù xì căng đan chấm thi ở 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tốn bao giấy mực của giới truyền thông suốt một tuần qua nhưng khi trả lời các báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển vẫn khẳng định, thi cử ngày càng nghiêm, "hai không" không phá sản! Phải chăng cách nhìn nhận thiếu biện chứng này là tác nhân quan trọng để kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng khó tiệm cận "hai không"?
>> Đỗ tốt nghiệp cao, chưa kịp vui đã buồn
Xì căng đan "con voi trong bọc"

Sự việc bắt đầu từ lá thư của một giám khảo chấm thi môn Văn ở Tiền Giang gửi cho một tòa soạn báo ở phía Nam. Tình cờ, giáo viên này được tiếp cận với biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 môn Ngữ văn (theo tinh thần cuộc họp triển khai đáp án của 11 tỉnh khu vực ĐBSCL ngày 5/6/2011 tại Cần Thơ). Khi đọc kỹ nội dung biên bản, giáo viên này không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ, thậm chí kinh hoàng khi nhiều chi tiết hướng dẫn chấm hoàn toàn thoát ly với hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT.

Trao đổi với các phóng viên, lãnh đạo các Sở GD&ĐT 11 tỉnh, thành ĐBSCL (An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long) đều cho biết, quả là có chuyện hội đồng chấm thi các tỉnh họp để thống nhất việc chấm thi của cả bốn bài thi tự luận (không chỉ riêng môn Văn). Tuy nhiên, sự việc không hoàn toàn như các báo đã nêu.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp giải thích, do tiền lệ đã có việc một số tỉnh chấm quá chặt gây thiệt thòi cho thí sinh tỉnh bạn nên việc thống nhất để chấm công bằng cho thí sinh tất cả các tỉnh trong khu vực là điều cần thiết.

Còn ông Nguyễn Quý Đôn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ cho rằng, báo chí chỉ phản ánh đúng một nửa sự thật: "Đúng là các tỉnh, thành ĐBSCL đã họp để thống nhất đáp án các môn tự luận sau khi được sự cho phép của Bộ GD&ĐT. Nhưng dư luận đã cường điệu sự việc". Theo ông Đôn, sở dĩ cần có sự thống nhất về cách chấm bài trên cơ sở hướng dẫn của Bộ là để tạo sự "đều tay" trong việc chấm bài của giám khảo 11 tỉnh. "Các hội đồng thi họp để thống nhất cách hiểu đáp án chứ không đi ngược lại hướng dẫn chấm của Bộ", ông Đôn khẳng định.

Các thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011.

Gần một tuần sau, ngày 24/6 Bộ GD&ĐT mới nêu quan điểm chính thức của Bộ về vụ việc. Trong công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành liên quan, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: "Việc làm này là trái với quy chế thi, không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đã gây ra sự lo lắng cho học sinh và gia đình, gây bức xúc trong xã hội. Đây là việc làm sai của một số lãnh đạo và cán bộ chấm thi của các hội đồng chấm thi trong vùng".

Điều dư luận đến nay vẫn băn khoăn ở chỗ: Sự thật được phát giác không nhỏ như cái kim, nó không phải là bí mật của một vài cá nhân, và càng không chỉ mới là âm mưu. Sự việc diễn ra đằng đẵng trong hai tuần, liên quan tới hội đồng chấm thi của 11 tỉnh, thành vùng ĐBSCL với số giám khảo khoảng 3.500 người.

Đặc biệt, nó được lãnh đạo 11 Sở GD&ĐT chủ động bàn bạc, thống nhất thực hiện, có sự "đồng lõa" của lực lượng thanh tra mà Bộ GD&ĐT ủy quyền đến giám sát việc chấm thi. Nhưng lãnh đạo Bộ GD&ĐT lại là những người biết cuối cùng, sau khi bàn dân thiên hạ đã đọc báo xong. Vậy còn bao nhiêu bí mật trong gần 44.500 phòng thi, cũng như trong hàng chục hội đồng chấm thi khác trên cả nước mà Bộ GD&ĐT chưa biết đến?

Xử lý sai phạm, Bộ là "người ngoài"

Dù quan điểm về vụ việc của Bộ GD&ĐT hiện đang gây nhiều tranh cãi nhưng riêng hướng giải quyết đối với kết quả làm bài thi của thí sinh được đông đảo dư luận đồng tình. Trao đổi với chúng tôi, hầu hết các ý kiến (của giáo viên cũng như phụ huynh) đều cho rằng, thí sinh không có lỗi, dù điểm thi các môn tự luận của các em có thể không thực chất so với bài làm nên việc chấm lại để điều chỉnh điểm thi của các em là không cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh gần đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Vì vậy, hướng xử lý sai phạm nhằm vào tập thể, cá nhân ngành GD&ĐT có vi phạm là điều được dư luận ủng hộ. Nhưng xử lý ai, xử lý như thế nào, đây là vấn đề dư luận rất quan tâm.

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ chỉ đạo về chuyên môn, còn tất cả những vấn đề liên quan tới việc xử lý cán bộ được phân cấp quản lý cho lãnh đạo các địa phương. Vì vậy, ngày 24/6, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Chủ tịch UBND 11 tỉnh, thành ĐBSCL, trong đó đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, theo thẩm quyền, chỉ đạo Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và Giám đốc Sở GD&ĐT tổ chức kiểm điểm, xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm và thông báo kết quả về Bộ GD&ĐT trước ngày 31/7/2011.

Trở lại vụ việc liên quan tới chỉ đạo chấm thi của các hội đồng chấm thi 11 tỉnh ĐBSCL, liệu Bộ GD&ĐT có tiếp tục đóng vai trò "thành viên quan sát" hay không khi các lãnh đạo địa phương ra phán quyết, hạ hồi phân giải! Nếu vụ việc được các địa phương xử lý theo hướng "dĩ hoà vi quý", liệu lãnh đạo Bộ GD&ĐT có đủ niềm tin vào tính đúng đắn của "hai không" (nói không với bệnh thành tích trong giáo dục, nói không với tiêu cực trong thi cử) để đấu tranh cho sự sống còn của cuộc vận động?

Thiếu quyết liệt sẽ tạo những tiền lệ xấu

Còn nhớ năm đầu tiên thực hiện "hai không", Một số địa phương tỉ lệ đỗ tốt nghiệp tụt xuống dưới mức 50%, trong đó có những nơi đã từng nổi tiếng vì truyền thống hiếu học, vì mặt bằng chất lượng giáo dục phổ thông cao (tỉ lệ thí sinh thi đỗ ĐH, CĐ hằng năm cũng cao). Mặt khác, trong hàng chục địa phương đạt tỉ lệ cao hơn mức bình quân cả nước, thậm chí đạt 80 - 90%, rất nhiều nơi vẫn được xem là khó khăn trong nâng cao chất lượng dạy và học.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tiến Hưng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ: "Nếu hồi đó Bộ GD&ĐT động viên những tỉnh như chúng tôi (năm 2007, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của Nghệ An là 45,2% - xếp thứ 56/64 tỉnh, thành trong cả nước - PV), kiểm tra gắt gao và có thái độ rõ ràng với những địa phương có tỉ lệ đỗ cao thì tôi nghĩ cuộc vận động "hai không" sẽ đi theo một chiều hướng khác bây giờ".

Tâm sự với chúng tôi, nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT các địa phương cho biết, dù tâm đắc với "hai không" của lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhưng họ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự chỉ đạo của lãnh đạo chính quyền địa phương.

Cách đây vài năm, lãnh đạo Sở GD&ĐT một tỉnh miền núi phía Bắc thừa nhận: "Tôi cho rằng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của tỉnh tôi tuy không cao nhưng nếu chất lượng dạy và học thực tế đạt được như tỉ lệ đó cũng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, trong một cuộc họp giao ban lãnh đạo các Sở, ban, ngành, có ý kiến chê trách chúng tôi là tại sao tỉnh X, Y, Z đỗ cao thế sao tỉnh mình chỉ đỗ có bấy nhiêu. Dù tỉ lệ đỗ tốt nghiệp không phải là một tiêu chí chính thức trong thi đua nhưng những nhận xét kiểu như thế gây áp lực rất lớn với những người làm trong ngành GD&ĐT địa phương".

Hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội cho rằng, dù dư luận xã hội có nhiều ý kiến về "hai không" nhưng đa số cán bộ, giáo viên ngành GD&ĐT vẫn nhận thấy thực hiện "hai không" thực sự có lợi cho ngành, cho học sinh, cho xã hội. "Nhiều người cho rằng, quan trọng là quá trình giáo dục, còn thi chỉ là một thời điểm, cứ cho các em đỗ cả, miễn là các em lên được lớp 12. Nhưng với chính sách phổ cập như hiện nay, liệu có mấy em lưu ban ở bậc học phổ thông? Hơn nữa, thi cử là một biện pháp hiệu quả tác động trở lại quá trình dạy học, thi cử nghiêm túc thì đánh giá mới chính xác, đánh giá chính xác mới giúp giáo viên - học sinh có động lực để dạy - học tốt hơn. Cách tổ chức thi cử như hiện nay là một cách làm việc thiếu trách nhiệm".

Trở lại với kỳ thi "hai không" năm nay, dư luận cho rằng bày tỏ quan điểm chưa đủ, điều quan trọng là Bộ GD&ĐT phải có hành động quyết liệt với những nơi làm vẩn đục "hai không", nếu không, cuộc vận động sẽ là một cỗ xe không phanh, chạy xuống dốc

Hoa Lâm
.
.
.