Nỗi niềm từ một cuộc đoàn tụ nhầm…

Thứ Tư, 04/03/2015, 04:04
“Bây giờ, tôi không còn mang tên Siu Chun nữa. Mọi giấy tờ tùy thân của tôi đều mang tên Nguyễn Bảo Chinh. Tiếc thay, tôi không phải là Bảo Chinh”. Nói đến đây, giọng người đàn ông chùng xuống. Không chỉ cái tên, cuộc đoàn tụ nhầm năm ấy đã khiến cuộc đời anh thay đổi…

Mất tên vì đoàn tụ nhầm

“Tôi tên thật là Siu Chun, sinh năm 1970, lớn lên tại xã Ia Hrú, huyện Chư sê, nay thuộc huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai”, anh Siu Chun bắt đầu câu chuyện của mình từ 20 năm trước.

Anh Siu Chun kể, năm 1995, ông Nguyễn Ngọc Xem (74 tuổi, trú thị trấn Đức Phổ, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đến trường phổ thông cấp 2 Ia Le, nơi anh làm việc, để tìm gặp anh. Trước đó, anh có nhờ Đài Truyền hình các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và bạn bè thông tin việc anh tìm cha mẹ ruột nên ông Xem đã biết được địa chỉ của anh và tìm đến.

Năm 1975, ông Xem thất lạc một người con trai sinh năm 1970 tại Gia Lai và sau khi gặp anh, ông khẳng định anh chính là người con trai ấy. Anh Siu Chun nói: “Hai đặc điểm của tôi khiến ông Xem nhận diện ra con của mình là vết thẹo trên trán và đôi vành tai nhỏ”… Và, sau khi đưa anh Siu Chun về Đức Phổ, gia đình ông Xem làm thủ tục chuyển đổi toàn bộ giấy tờ tùy thân của anh thành Nguyễn Bảo Chinh, tức là trở về đúng cái tên ông đã đặt cho người con trai thứ hai của mình.

Anh Siu Chun kể chuyện đoàn tụ nhầm.

Về phía Siu Chun, nhận được người cha đã 20 năm thất lạc, anh quá vui mừng mà bỏ ngang công việc ở Gia Lai để theo cha về sinh sống tại thị trấn Đức Phổ, Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sau một thời gian chung sống, tình cảm giữa anh Siu Chun và gia đình không được mặn nồng. Cả hai phía đều nhận ra họ có nhiều điểm rất khác biệt, khiến họ không thể hòa hợp. Rồi một ngày kia, người con gái đầu của cha mẹ nuôi Siu Chun tìm đến thăm em. Không bỏ qua dịp để điều tra lại lai lịch Siu Chun, bà Nguyễn Thị Thiên Phước (73 tuổi, vợ ông Xem) hỏi: “Cha mẹ con nhận nuôi Siu Chun trong hoàn cảnh thế nào?”. Người chị trả lời: “Cha mẹ nó chết, gửi nó trong cô nhi viện, cha con nhận về nuôi khi nó mới có mấy ngày tuổi”. Câu trả lời này đã khiến gia đình ông Xem càng khẳng định, Siu Chun không phải là con ruột của họ.

Đến lúc này, biết rằng cuộc đoàn tụ đã bị nhầm lẫn, Siu Chun muốn quay về quê cũ để trở lại cuộc sống trước kia. Thế nhưng, mọi việc đã trở nên quá khó khăn, vì tất cả mọi giấy tờ của anh đều đã mang tên Nguyễn Bảo Chinh, không còn dấu vết gì của Siu Chun ngày xưa nữa…

Bà Nguyễn Thị Thiên Phước cho biết, bà vẫn yêu thương Siu Chun như con của mình.

Trong vòng tay cộng đồng

Siu Chun nói rằng, khi anh được 10 tuổi, anh nghe dân làng ở xã Ia Hrú bảo, anh không phải là con ruột của ông Rah Lan Blông và bà Siu H Puăch, bởi nước da anh trắng, còn vợ chồng ông Blông và các anh, chị của anh đều có nước da ngăm đen đặc trưng của người dân tộc Gia Rai.

Mọi người còn khẳng định, anh là người Kinh. Tuy nhiên, Siu Chun không quan tâm lắm, phần vì chưa hiểu biết nhiều, phần vì được ông bà Blông yêu thương, bảo bọc giống như người anh và người chị cả. Anh được ông bà Blông tạo mọi điều kiện cho ăn học và kết quả học tập của anh rất tốt. Năm 1990, Siu Chun thi đỗ vào Trường Trung cấp Tài chính-Kế toán tỉnh Kon Tum. Tốt nghiệp ra trường, Siu Chun được nhận về công tác tại Trường cấp 2 Ia Le, huyện Chư Sê (nay thuộc huyện Chư Pưh), phụ trách kế toán.

Trong thời gian đi học trung cấp, được tiếp xúc với các phương tiện thông tin, Siu Chun càng ngày càng nghĩ về gốc gác của mình và trong lòng anh nảy sinh ý định đi tìm cha mẹ ruột. Tuy nhiên, vì sợ cha mẹ nuôi buồn nên anh chưa thực hiện ý định này. Sau khi Siu Chun tốt nghiệp và đi làm một thời gian thì cha mẹ nuôi qua đời. Năm 1994, Siu Chun bắt đầu hành trình đi tìm cội nguồn. Năm 1995, anh gặp được ông Xem và họ nhận nhau cha con…

Chuyện đoàn tụ nhầm không mong muốn ấy đã làm thay đổi hẳn cuộc đời của anh Siu Chun. Từ nhân viên kế toán đầy năng lực, anh trở thành người không có việc làm. Rồi nỗi nhớ mảnh đất bazan với những người dân Gia Rai thật thà, chất phác khiến Siu Chun hẫng hụt cả khoảng thời gian dài.

Dù vẫn được vợ chồng ông Xem đối xử tốt, nhưng nghĩ mình không phải là con ruột của ông bà Xem nên anh tìm cách tự lập, bươn chải mưu sinh. Anh mua một mảnh đất nhỏ sát cạnh đường tàu lửa ven sườn đồi, cách nhà ông bà Xem khoảng 1 cây số và xây dựng nhà ở, đưa vợ ra sống riêng. “Đó là khoảng thời gian cơ cực nhất của tôi. Với hai bàn tay trắng, vợ chồng tôi khai hoang thêm 4 sào đất để trồng lúa. Khi đứa con gái đầu được 4 tuổi, vợ tôi vào Sài Gòn làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Ban ngày tôi đi làm mướn cho người ta, ban đêm tôi lên núi đốn củi”.

Chị Thiều Thị Thu Thảo (42 tuổi, vợ anh Siu Chun) kể thêm, anh Siu Chun rất chăm chỉ nên được bà con lối xóm yêu thương, đùm bọc. Ai thuê làm gì, dù công việc nặng nhọc đến mấy anh cũng làm và làm hết sức mình. Lớn lên trong một gia đình ở vùng núi cao, nhưng anh rất ngăn nắp, sạch sẽ và những ngày chị đi vắng, anh luôn dọn dẹp nhà cửa tươm tất, gọn gàng. Hiện nay, chị làm thêm nghề bán chè dạo, các con của chị đều ngoan và học giỏi.

Anh Siu Chun tâm sự, cuộc trùng phùng tuy không mang đến cho anh niềm vui trọn vẹn, nhưng đã cho anh một gia đình hạnh phúc. Nhiều lúc anh tự nhủ, việc đoàn tụ nhầm đã khiến anh mất nhiều thứ, nhưng lại cho anh một thứ quý giá là gia đình. Chúng tôi hỏi, anh có tiếp tục đi tìm cha mẹ nữa hay không? Anh trả lời dè dặt, cuộc đoàn tụ nhầm đã khiến anh bị tổn thương. Nhưng đêm đêm, anh vẫn mơ về một ngôi nhà có những người ruột thịt của mình…

Phước Hiệp
.
.
.