Nỗi lo từ những con đường giao thông huyết mạch qua Tây Nguyên

Thứ Ba, 10/12/2013, 19:29
Gia Lai và cả Tây Nguyên không có đường sắt để lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đường hàng không hạn chế, quốc lộ 14 và 19 là hai tuyến giao thông huyết mạch có ý nghĩa to lớn nhiều mặt về kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng… Việc Chính phủ sớm có chủ trương cho đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến đường quốc lộ 14 và 19 là một chính sách hợp lý, cần thiết và được người dân hết lòng mong đợi. Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư, xây dựng, quản lý những con đường này cũng còn nhiều chuyện đáng bàn…

Đã nhiều tháng nay, mỗi khi đi Tây Nguyên qua quốc lộ 14 và 19 ai cũng thấy đau lòng. Đường hư hỏng ngày càng trầm trọng thêm nhiều đoạn gây khó khăn cho phương tiện lưu thông... Đặc biệt các đoạn quốc lộ 19 và 14 qua Gia Lai nhiều điểm tan nát ổ voi, ổ gà chằng chịt, nguy hiểm tai nạn rình rập…Bà Hồng ở Đak Pơ, Gia Lai cho biết, tuyến quốc lộ 19 qua địa phương có nhiều đoạn xe cộ qua lại hết sức khó khăn, nhất là ban đêm nhiều người xe máy bị ngã chổng quèo…

Theo lý giải phía Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ Gia Lai thì do các dự án đang khởi công nâng cấp nên nguồn vốn sửa chữa chỉ tạm thời, hạn hẹp không thể đáp ứng được yêu cầu do đường hư hỏng quá nhiều, nhất là sau đợt mưa bão vừa qua. Tuy nhiên, để khắc phục khó khăn, từ sau cơn bão 15 vừa qua, đơn vị sữa chữa đường bộ đã tập trung khắc phục những điểm “nóng” hư hỏng để giảm thiểu tai nạn, hạn chế ách tắc giao thông.

Quốc lộ 14 qua Gia Lai hư hỏng.

Về việc thực hiện đầu tư nâng cấp mở rộng quốc lộ 14 đoạn từ Hàm Rồng, TP Pleiku đến cầu 110 với chiều dài dự án thực hiện 57,6 km thuộc địa phận tỉnh Gia Lai. Tuyến đường sẽ được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với tốc độ thiết kế cho xe cơ giới 80km/h. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức hợp đồng đầu tư BOT. Để hoàn vốn cho dự án, nhà đầu tư được phép thu phí  giao thông từ tháng 1/2016  trên 2 trạm  thu phí tại Km 1610+800 và Km 1667+470. Thời gian thu phí 22 năm 1 tháng. Mức thu phí bằng 3,5 lần mức cơ bản quy định tại Thông tư số 90/2004 của Bộ Tài chính.

Đây là công trình có tầm quan trọng đặc biệt với sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của các tỉnh Tây Nguyên, nhưng người dân lo ngại và cũng băn khoăn khi chỉ có 1 đoạn đường chưa tới 70 km đã phải đặt 2 trạm thu phí. Trong khi đó theo quy định của Nhà nước, mỗi trạm thu phí phải đặt cách nhau tối thiểu là 70km.

Mặt khác, cũng trên địa phận Gia Lai, dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 19 đang dự kiến khởi công vào cuối năm nay với ½ nguồn vốn đầu tư 2.000/4.000 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT. Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai cho biết, tỉnh đã có chủ trương đồng ý cho nhà đầu tư vị trí đặt lại một trạm thu phí mới trên đoạn quốc lộ 19 qua địa phận xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Theo dự án hợp đồng BOT, nhà đầu tư tuyến quốc lộ 19 phải thu phí 23 năm 7 tháng để hoàn vốn. Như vậy đến đầu năm 2016, trên địa phận tỉnh Gia Lai được đặt tổng cộng 3 trạm thu phí đường bộ, trong đó có trạm khoảng cách gần hơn quy định tối thiểu của Nhà nước đã đặt ra. Trong khi chủ sở hữu phương tiện đã phải đóng phí đường bộ trên từng phương tiện, nhưng mỗi khi qua một tỉnh nghèo miền núi như Gia Lai phải tiếp tục gánh thêm 3 trạm thu phí khác nữa là một điều hết sức băn khoăn.

Ông Võ Văn Văn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai cho biết, việc đặt 2 trạm thu phí trên một đoạn đường ngắn chưa tới 70km ở quốc lộ 14 qua Gia Lai là một bất hợp lý đã được đơn vị kiến nghị lên Bộ Giao thông- Vận tải nhưng không được xem xét

Ngọc Như
.
.
.