Nỗi lo từ các lán trại công nhân

Thứ Năm, 22/09/2011, 13:45
Cao ốc mọc lên ngày càng nhiều tại Hà Nội, nhưng phía sau sự hoành tráng của chúng là những lán trại tạm dành cho công nhân xây dựng những khu nhà đó. Lúc công trình thi công ở đã chẳng đàng hoàng, đến khi khánh thành công trình, những lán trại đó bị bỏ hoang trông càng thêm nhếch nhác.

Thực địa một vòng từ Mỹ Đình sang đến Nam Trung Yên, Trung Hòa, không khu vực nào là không có những khu nhà tạm. Nhà hay nói đúng hơn là lán trại lợp bằng tấm tôn, phibrôximăng, nhiều nơi cả những tấm tranh. Xung quanh che chắn bằng những thanh tre, nứa; tấm cót ép, những tấm bạt, mảnh vải đã rách nát.

Ở khu vực Mỹ Đình còn lịch sự hơn là có nhà tôn. Vẫn trên cơ sở như nhà gỗ, cột xà bằng gỗ thịt, nhưng các ngôi nhà làm sau này không sử dụng gỗ dán, mà dùng tôn, quây kín và cũng trổ cửa sổ như những ngôi nhà thông thường. Nhà gỗ trước thì nhỏ và thấp, nhưng còn những ngôi nhà tôn này thì làm rộng rãi hơn, cao hơn, nhà nào cũng có... tầng 2. Cả xóm nhà tôn nằm trên một khu đất ruộng bên cạnh công trường xây dựng và một mương thoát nước, nằm san sát cách nhau có khi chỉ một con đường nhỏ. Đếm vội cũng được hơn chục nóc nhà nhưng tìm mãi mới thấy một khu vệ sinh, gồm 4 ngăn nhỏ, bệ xây thì có vẻ được làm khá “cẩn thận” nhưng “tường”, “mái” cũng bằng... tôn.

Tại khu Nam Trung Yên, đằng sau tòa nhà Keangnam là những căn nhà bằng gỗ mọc lên xem ra có vẻ “sầm uất” vì còn có một quán cà phê Mái Lá, những hàng quán để phục vụ cuộc sống vốn chẳng khấm khá gì của công nhân. Nhưng cũng tại khu vực này, khi Keangnam đã hoàn thành xong, một số lớn công nhân rút đi, để lại những căn nhà hoang, thi gan cùng mưa nắng và mất mỹ quan đô thị.

Những công nhân sống trong các lán trại này được gọi bằng một cái tên mỹ miều “người du mục trong thành phố”. Công trình tiếp nối công trình. Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hoa, đến từ Triệu Sơn, Thanh Hóa - cư dân lán công nhân khu Mỹ Đình được biết, nhà tôn này là do công ty xây dựng làm lán trại cho công nhân để ở. Lán trại của chị Hoa rộng chừng 20m2, có 2 tầng, là nơi cư trú của 20 công nhân cùng đến từ Thanh Hóa.

Theo chị Hoa, quanh đây phần lớn là công nhân của công trình nhà cao tầng cách đó khoảng 200m. Các đội thợ đến từ các tỉnh, nhận việc và được chủ đầu tư dựng cho những ngôi nhà tạm bợ như thế này để ở. Lán bên cạnh lại của một đội thợ đến từ tỉnh khác. Những ngày vừa qua, Hà Nội mưa nhiều nhưng phần lớn công nhân không được nghỉ mà vẫn phải làm đủ 3 ca để kịp tiến độ công trình. Những người ở nhà thường là phụ nữ có nhiệm vụ nấu cơm cho cả đội thợ.

Những khu nhà tạm cho công nhân vừa mất mỹ quan đô thị, vừa ảnh hưởng đến ANTT địa phương.

Đã là người “du mục”, cuộc sống không ổn định, ở trong nhà công nhân, họ luôn phải đối diện với 3 không: Không vệ sinh, không nước sinh hoạt và không điện. Hầu hết các lán trại cho công nhân đều là tạm bợ, điện thường câu móc lung tung từ đường dây xuống sử dụng. Chúng tôi đến một số nhà nhận thấy đường điện chạy lung tung trong những căn nhà, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ từ chập điện.

Bà Đỗ Thị Thao, nhà ở khu Nam Trung Yên cho biết, sáng nào cũng đi bộ qua những khu nhà này, khi có người ở thì mất vệ sinh, cái gì cũng thực hiện ngoài... thiên nhiên từ nấu nướng, tắm giặt đến vệ sinh. Khi không có người ở thì hoang tàn đổ nát, đi qua chỉ sợ gặp... nghiện.

Hà Nội đã phải rất vất vả mới giải quyết được khu xóm liều tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Những căn lán trại của công nhân xây dựng tuy chưa thành một tụ điểm như xóm liều, nhưng với tình hình như hiện nay, người đến ngày một đông đã trở thành gánh nặng cho lực lượng Công an địa phương. Sau khi kết thúc công trình, họ bỏ đi để lại đống hoang tàn đổ nát thì không nói, nhưng còn lán trại ăn sâu cắm chốt tại địa phương thì sẽ làm như thế nào.

Qua trao đổi với lực lượng Công an xã Mỹ Đình, chúng tôi được biết, các khu nhà tôn dựng lên cho công nhân đều là đất có chủ. Nhưng khi chúng tôi trong vai người đi thuê lán trại cho công nhân lại được biết, đây là do công ty xây dựng tự dựng lên cho công nhân ở chứ công nhân không phải thuê. Vậy thì với cách làm này, ai dám đảm bảo, sau nhiều năm nữa, những khu đất này từ vô chủ thành có chủ?

Đồng chí Lê Văn Hưng - Công an viên Công an xã Mỹ Đình cho biết: Cách đây vài ngày, qua phản ánh của quần chúng nhân dân, chúng tôi có đến kiểm tra nhà ông Nguyễn Văn Hạo ở thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, chủ của 2 nhà tôn đang được cho thuê. Cả hai nhà đều là nơi cư trú của công nhân xây dựng, một nhà có 17 người, một nhà có 60 người. Số lượng người lớn như vậy nhưng vẫn có người chưa làm thủ tục khai báo tạm trú tạm vắng, Công an xã đã nhắc nhở và yêu cầu thực hiện đúng việc khai báo tạm trú tạm vắng. Còn khu vực nhà tôn giáp ranh với tổ 48, phường Mai Dịch thì cơ quan chức năng chưa nhận được phản ánh của người dân nên chưa tiến hành kiểm tra. Nhưng trong thời gian tới đây, cũng sẽ rà soát, tiến hành kiểm tra các nhà tôn.

Có thể thấy cùng với sự mất mỹ quan đô thị, các khu lán trại tạm cho công nhân đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Thứ nhất có đông người cùng sinh sống trong một khu vực ắt sẽ phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ở khu Keangnam, trần nhà chăng đủ các loại dây thép, lều, bạt, bìa xốp. Dưới mặt đất, vứt chỏng chơ, bừa bộn đồ đạc xây dựng, dụng cụ bảo hộ lao động, các thanh gỗ, cọc luồng rồi cả nồi niêu, bát đũa. Gầm giường ẩm ướt, đất ủi cả lên, đôi chỗ vài cây dại đã mọc cao.

Thứ hai là mất an toàn cháy nổ, công tác phòng cháy chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Nếu không may chập điện, những lán trại bằng gỗ, bằng tôn cộng với sự “trợ giúp” của quần áo giăng mắc khắp nơi sẽ bị thiêu rụi trong chốc lát.

Thứ ba là an ninh trật tự. Có hàng trăm, hàng nghìn công nhân đang thi công trong mỗi tòa nhà. Việc khai báo tạm trú tạm vắng không đầy đủ và thường xuyên, có đối tượng xấu trà trộn vào các khu vực này cũng không ai biết. Lực lượng Công an phường, xã quản lý các khu vực có lán trại công nhân vốn đã vất vả lại thêm gánh nặng. Việc có quá nhiều người sinh sống trong một khu vực không đảm bảo sẽ gây nên những mâu thuẫn từ nhỏ đến lớn, đòi hỏi các cơ quan như Công an, chính quyền phải giải quyết

Thiên Bình
.
.
.