Nỗi lo trên cây cầu hơn 100 tuổi

Thứ Tư, 15/06/2011, 15:10
Cầu Bình Lợi với kết cấu vòm thép, sàn gỗ có đường ray xe lửa đi ngang sông Sài Gòn, nối giữa quận Bình Thạnh và Thủ Đức, luôn trong tình trạng nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia lưu thông đường bộ lẫn đường thủy. Sự già nua, xuống cấp của cây cầu gần 110 năm tuổi khiến người dân hết sức quan ngại…

Cầu Bình Lợi dài 800m, do người Pháp xây dựng năm 1902, là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn và cũng là cây cầu duy nhất ở TP Hồ Chí Minh song hành tuyến đường ray dành cho tàu hỏa và đường phụ rộng gần 1,5m dành cho xe gắn máy lưu thông 2 chiều.

Ông Nguyễn Văn Chúc (nhân viên Khu đường sông) cho biết: "Ngày nào cũng vậy, khoảng từ 6h - 8h sáng, chiều từ 4h - 7h nhìn cây cầu mà tôi run chú à. Những lúc ấy vào giờ cao điểm, người điều khiển xe máy chật kín cầu, rồng rắn kéo dài, chen chúc nhau từng centimét. Có người để thoát khỏi đám đông hoặc để đi cho nhanh mà lao thẳng vào khu vực dành cho đường ray. Những lúc ấy cũng là thời điểm các đoàn tàu Bắc-Nam lại qua trên cầu, khoảng cách giữa đoàn tàu với người tham gia lưu thông chỉ cách nhau chưa đầy 0,5m".

Ông Hồ Bá Học, nhà ở khu vực đường dẫn lên cầu (địa phận quận Bình Thạnh) bỏ nhỏ rằng mỗi lần lưu thông trên cầu là mỗi lần ông đứng tim do lối đi dành cho người lưu thông chỉ vừa vặn 2 chiếc xe máy chạy ngược chiều sát vào nhau mới không bị vướng, nên đã xảy ra nhiều vụ va chạm làm rơi rớt túi xách, tư trang, cặp vở, thậm chí rơi người xuống sông. Cũng theo ông Học, do cây cầu quá cũ kỹ, già nua nên mỗi lần đoàn tàu lăn bánh, cầu rung bần bật: "Nếu chẳng may cầu bị gãy thì thương vong sẽ rất lớn bởi đoạn sông này nước chảy siết, nhiều vùng xoáy".

Để được đi nhanh, nhiều người liều mạng đi vào đường xe lửa.

Một công nhân quản lý cầu cho biết độ tĩnh không thông thuyền của cầu là 1,8m nhưng khi triều cường dâng cao thì độ tĩnh không giới hạn ở mức 1 - 1,2m, điều này gây nhiều khó khăn, trở ngại cho việc điều tiết phương tiện đường thủy. Chính giới hạn về độ tĩnh không mà các tàu thuyền, xà lan buộc phải neo đậu cận hai bên đầu cầu, chờ mực nước giật (triều cường xuống thấp) mới lưu thông.

Điều này đồng nghĩa với việc ách tắc giao thông đường thủy liên tục xảy ra. "Phổ biến nhất vẫn là các vụ xà lan đâm vào gầm cầu, mắc kẹt dưới gầm cầu. Năm ngoái hàng chục xà lan có tải trọng mỗi chiếc gần ngàn tấn mắc kẹt dưới gầm. Lúc đó dòng chảy mạnh xô đập khiến các xà lan va đập vào nhau và đập vào chân cầu, thành cầu, khiến cây cầu rung chuyển mạnh…" - ông Chúc cho biết.

Trước những hiểm nguy chết người rình rập và với quyết tâm giải quyết nạn ùn tắc liên quan đến cầu Bình Lợi, Sở GTVT TP HCM từng kiến nghị Cục Đường thủy nội địa và Cục Đường sắt phối hợp, triểu khai điều tiết giao thông đường thủy tại cầu đường sắt Bình Lợi. Đồng thời nghiên cứu phương án neo đậu tàu thuyền, xà lan chờ khi qua cầu. Tránh hiện tượng các phương tiện đậu quá sát hoặc nôn nóng vượt qua khi độ tĩnh không chưa cho phép gây va đập, vướng kẹt vào chân cầu, đội cầu.

Thực hiện giải pháp vĩ mô hơn, song song với việc triển khai xây dựng cầu Bình Lợi 2 (dài 975m với 8 làn xe, nằm trong dự án Tân Sơn Nhất - cầu Bình Lợi và đường vành đai ngoài, khởi công ngày 9/6/2008), từ giữa năm 2009, UBND TP HCM đã kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai việc nâng cao đoạn đường sắt qua cầu Bình Lợi nhưng điều đáng buồn là đến nay, những hiểm nguy vẫn rình rập cầu Bình Lợi với nạn ùn tắc, phương tiện mắc kẹt liên tục xảy ra.

Trước thực trạng ấy, giữa lúc mùa mưa bão đang đến gần và triều cường liên tục diễn ra, ở thời điểm những mối nguy ẩn họa quanh cầu Bình Lợi càng có nguy cơ cao trong việc gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản nên ngày 3/6 mới đây, UBND TP HCM có Công văn số 6003/UBND-ĐTMT tiếp tục đề nghị Bộ GTVT khẩn trương xem xét, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cầu Bình Lợi, nhất là công tác điều tiết giao thông đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn tại khu vực hai bên cầu (trước đó UBND TP HCM cũng đã có Văn bản số 6003/UBND-ĐTMT đề nghị Bộ GTVT lưu tâm đến vấn đề này).

Chẳng biết với đề nghị mới nhất này của UBND thành phố, liệu những hạn chế, bất cập liên quan đến cầu Bình Lợi có sớm được chấn chỉnh hay sẽ lại rơi vào tình trạng biết rồi… nói mãi!

Bích Kiều
.
.
.