Người dân cả nước lo lắng về hỏa hoạn cuối năm

Thứ Tư, 04/02/2015, 22:58
Hoả hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu nếu như công tác PCCC bị buông lỏng, PCCC tại chỗ là vô cùng cần thiết.
>> Ngày 6/2 sẽ có kết luận điều tra vụ tàu cháy trên vịnh Hạ Long

Hỏa hoạn liên tiếp "hỏi thăm" chung cư, cửa hàng

Khoảng 9h30 ngày 4/2 một vụ cháy đã xảy ra tại cầu thang tầng 1, dãy nhà tập thể A3, Thành Công, quận Ba Đình (Hà Nội).

Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Đống Đa đã điều 4 xe cứu hỏa cùng hàng chục cán bộ chiến sỹ (CBCS) đến hiện trường. Theo một nhân chứng, khi khói đen bốc lên nghi ngút kèm mùi khét lẹt, một số người dân ở tầng cao của nhà tập thể mới phát hiện cháy ở căn phòng rộng khoảng 20m2, được cơi nới dưới gầm cầu thang.

Thời điểm này, căn phòng đã bị cô lập bởi khói, lửa... Các CBCS PCCC nhanh chóng dùng vòi rồng phun nước vào đám cháy. Sau gần nửa giờ, ngọn lửa được dập tắt trước khi lửa lan sang một nhà dân bên cạnh. Tại hiện trường, toàn bộ đồ dùng sinh hoạt cá nhân, bàn ghế và 2 chiếc xe máy của gia đình ông Vũ Quốc Khánh đã bị lửa thiêu rụi, chỉ còn trơ khung sắt. Rất may không có ai bị thương vong.

Trước đó, khoảng 21h45 ngày 3/2, một vụ hỏa hoạn bất ngờ xảy ra tại tiệm bán sofa ở 997 phố Đê La Thành. Phòng Cảnh sát PCCC Đống Đa đã cử 5 xe cứu hỏa đến  kịp thời xử lý chữa cháy. Vào thời điểm xảy ra cháy, cửa khóa kín không có người ở bên trong. Do lửa bén cháy nhanh, toàn bộ tầng 1 và tầng 2 của ngôi nhà 6 tầng bị lửa thiêu rụi, cửa cuốn của ngôi nhà cũng bị sập.

Cảnh sát PCCC khẩn trương dập tắt đám cháy tại tiệm bán sofa trên đường Đê La Thành, TP Hà Nội.

Theo chủ cửa hàng, ước tính thiệt hại tài sản của gia đình khoảng 350 triệu đồng. Chiều 4/2, Phòng Cảnh sát PCCC Đống Đa phối hợp với các đơn vị chức năng đang khám nghiệm hiện trường 2 vụ cháy trên. Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân cháy có thể là do chập điện.

Vào lúc 0h cùng ngày (3/2), tại cửa hàng cặp, túi xách, số 59 phố Đinh Tiên Hoàng (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm), đã xảy ra một vụ hỏa hoạn tại tầng 1 cửa hàng (ngôi nhà có 1 tầng và gác xép).

Theo Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm, lửa xuất phát từ phía ngoài ngôi nhà và nhanh chóng lan vào bên trong. Sau khoảng 20 phút, CBCS PCCC nhanh chóng khống chế ngọn lửa, không cho cháy lan sang đền Bà Kiệu... CBCS PCCC đã kịp thời đưa bà chủ nhà là Nguyễn Thị Hợi (68 tuổi) đang ngủ ra khỏi đám cháy. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 9 triệu đồng.

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định là do chập điện tại bóng đèn tuýp ở trước cửa chính của ngôi nhà. Vào hồi 18h35 (ngày 3/2), một vụ cháy cũng đã xảy ra tại chợ Đồng Xa, đường Lê Đức Thọ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Nhận được tin báo cháy, Cảnh sát PCCC quận Cầu Giấy nhanh chóng điều 2 xe chữa cháy đến hiện trường triển khai công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Gần 19h, đám cháy đã được dật tắt hoàn toàn. Vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng làm cháy 3 ki-ốt kinh doanh quần áo là chất dễ cháy với tổng diện tích 12m2...

Cháy tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long

Vào hồi 20h10 ngày 3/2, tàu du lịch QN2566 của Công ty TNHH Hạ Long Biển Ngọc bị cháy tại khu vực nghỉ đêm 587 Nhà Lát, trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Khi xảy ra cháy trên tàu chở 16 du khách nước ngoài, 1 hướng dẫn viên, 1 nhân viên phục vụ và thuỷ thủ đoàn 7 người.

Ngay sau khi phát hiện cháy, thuyền viên trên tàu đã liên lạc với lực lượng chức năng kịp thời sơ tán toàn bộ du khách và các thuyền viên trên tàu cùng tài sản di chuyển vào trú tại đảo Titop. Cảng vụ thuỷ nội địa, Cảnh sát giao thông thuỷ, Cảnh sát PCCC và các lực lượng chức năng của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tiếp cận hiện trường thực hiện công tác cứu hộ.

Đến sáng 4/2 tàu QN 2566 đã được đưa về khu sửa chữa tàu thuyền Cái Lân để phục vụ cho công tác điều tra của cơ quan chức năng. Toàn bộ buồng lái, khoang chở khách của tàu đã bị lửa thiêu rụi, những thanh thép trần, khoang tàu bị lửa uốn cong.

Vụ cháy xảy ra khi tàu đang đỗ tại nơi nghỉ đêm, các tàu đỗ trong khu vực phát hiện đã kịp thời đưa Ten-đơ tới ứng cứu nên rất may đã không xảy ra thiệt hại về người. Anh Nguyễn Thế Duyên, người được cử trông coi tàu tại bến Cái Lân cho biết, tàu QN 2566 đã được đại tu từ năm 2012 và quay trở lại hoạt động được một thời gian, lúc xảy ra cháy tàu đang đỗ tại điểm nghỉ đêm, mọi người đang ngồi ăn cơm tại tầng một thì xảy ra cháy trên tầng hai của tàu vì vậy công tác chữa cháy gặp khó khăn. Hiện, các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra để làm rõ nguyên nhân cháy.

Trao đổi với chúng tôi anh Vũ Ngọc, thuyền trưởng tàu Bảo Ngọc, một trong những tàu chở khách du lịch nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long cho biết, thời gian gần đây các tàu chở khách du lịch trên Vịnh Hạ Long, đặc biệt là tàu chở khách nghỉ đêm đã được đầu tư nâng cấp và trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn. Các bếp nấu ăn thường được lát đá, bọc vật liệu chống cháy 2 bên và trên trần để tránh hoả hoạn.

Trường hợp xảy ra cháy tại tàu QN 2566, theo anh nguyên nhân có thể do chập điện. Thông thường khi tàu dùng Ten-đơ chở khách cập các điểm tham quan khi đi, về chuột từ trên bờ bò xuống Ten-đơ, chui vào tàu, khi nghỉ đêm tại điểm đỗ, các tàu thường chạy máy phát, bật điện sáng, chạy điều hoà phục vụ du khách ăn nghỉ, hát karaoke, nếu không kiểm tra cẩn thận, những điểm bị chuột cắn sẽ chập điện gây cháy.

Theo chúng tôi được biết, để đảm bảo an toàn cho du khách, thời gian gần đây ngoài việc tăng cường kiểm tra các trang thiết bị, ký cam kết, tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy đối với các phương tiện chở khách tham quan Vịnh Hạ Long, lực lượng PCCC Quảng Ninh còn thường xuyên tổ chức các buổi diễn tập PCCC, cứu hộ, cứu nạn cho các doanh nghiệp có phương tiện chở khách tham quan vịnh.

Theo các phương án này, các thuyền viên trên mỗi con tàu đều được phân công trách nhiệm cụ thể về công tác PCCC. Thuyền trưởng chịu trách nhiệm đôn đốc kiểm tra chung. Việc xảy ra cháy trên tàu QN 2566 có thể thấy công tác kiểm tra ở đây đã bị buông lỏng vì vậy trách nhiệm trước hết là của chủ tàu.

Được biết, năm 2014, trên Vịnh Hạ Long cũng đã xảy ra 2 vụ cháy tàu du lịch, trong đó có tàu QN 3736 bị cháy vào ngày 10/4, nhưng may mắn 17 khách đều được cứu thoát. Hoả hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu nếu như công tác PCCC bị buông lỏng, đặc biệt đối với các phương tiện chở khách tham quan du lịch trên Vịnh Hạ Long, PCCC tại chỗ là vô cùng cần thiết trong đó trách nhiệm của thuyền trưởng và các thành viên trên tàu luôn là yêu cầu bắt buộc. Bài học từ vụ cháy tàu QN 2566 không chỉ là bài học riêng của những người quản lý ở đây.

Chiều 4/2, trao đổi với phóng viên Báo CAND, Đại tá Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Quảng Ninh cho biết, liên quan đến vụ cháy tàu chở khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long mang biển kiểm soát QN 2566 của Công ty TNHH Hạ Long Biển Ngọc tại khu vực nghỉ đêm 587 Nhà Lát trên Vịnh Hạ Long, qua kiểm tra ban đầu, tàu có đủ hồ sơ giấy tờ đảm bảo đủ điều kiện chở khách tham quan nghỉ đêm trên vịnh.

 Tuy nhiên, hiện nay ngoài việc tiến hành khám nghiệm hiện trường để làm rõ nguyên nhân gây cháy, cơ quan chức năng còn phải tiến hành kiểm tra toàn bộ hồ sơ, giấy tờ xác nhận quá trình đóng mới và sửa chữa tàu để đối chiếu với các qui định về PCCC trên tàu, từ đó mới có kết luận chính xác.

Siết trách nhiệm lãnh đạo nếu để xảy ra cháy, nổ dịp Tết Nguyên đán 2015

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang vừa chủ trì hội nghị quán triệt về công tác PCCC&CHCN trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 và  triển khai nhiệm vụ tổ chức thực hiện đề án nâng cao năng lực PCCC và CHCN trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Tất Thành Cang, đã nghiêm khắc phê bình một số lãnh đạo quận, huyện không chú trọng công tác PCCC trên địa bàn, những báo cáo văn bản không thực tế còn mang tính đối phó.

Đồng thời yêu cầu Sở Xây dựng phải xử lý triệt để các trường hợp xây dựng, cải tạo làm thay đổi công năng công trình so với thiết kế đã được cấp phép.

 Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Cảnh sát PC&CC TP kiểm tra các bảng hiệu, quảng cáo, đèn chiếu sáng, các cơ sở vui chơi, giải trí, nơi tập trung đông người, karaoke, vũ trường, quán bar, những điểm tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội…

Hoàng Châu

M.Hiền – T.Xuân –Trịnh Mạnh
.
.
.