Nỗi lo “bà hỏa” ở tầng hầm các tòa nhà cao tầng

Thứ Ba, 27/08/2013, 15:34
Thời gian gần đây, cùng với sự gia tăng các tòa nhà, chung cư cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội là sự phát triển mạnh về các hoạt động dịch vụ, điểm vui chơi tại tầng hầm các tòa nhà. Việc tận dụng tầng hầm để cung cấp dịch vụ, hạng mục vui chơi giải trí của chủ đầu tư đã góp phần giải quyết nhu cầu không nhỏ của người dân. Tuy nhiên, vấn đề cần được các cơ quan chức năng chú ý là công tác phòng chống cháy nổ.

Những ngày này, có mặt tại trung tâm thương mại ở Hà Nội, nhất là vào các ngày cuối tuần, dễ nhận thấy, hình ảnh người dân ra vào nườm nượp. Mọi người tới đây để vui chơi, giải trí, mua sắm. Những nơi có: Công viên nước, thế giới Games, rạp chiếu phim… trong khu quần thể trung tâm thương mại, giải trí luôn đông nghịt khách. Có thời điểm, số lượng khách hàng đến các trung tâm vui chơi, mua sắm lên đến cả vạn lượt người, nhất là tại một số tầng hầm của tòa nhà cao tầng như: Savico (Gia Thụy - quận Long Biên, Hà Nội), The Garden…

Trước thực tế, có đông người dân đổ về các tòa nhà cao tầng, sử dụng tầm hầm để cung cấp hoạt động dịch vụ, điểm vui chơi, mua sắm cho người dân trong thời gian qua cũng đã đặt ra vấn đề liên quan đến công tác phòng chống cháy nổ. Để làm tốt công tác phòng ngừa trong thời gian tới, Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Hà Nội.

PV: Đồng chí đánh giá khái quát về số lượng, quy mô khu nhà cao tầng, tổ hợp công trình thương mại hiện có các hoạt động dịch vụ, điểm vui chơi giải trí ở tầng hầm trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua? Công tác phòng, chữa cháy tại đây được thực hiện thế nào? Lỗi vi phạm thường thấy ở những nơi này?

Đại tá Nguyễn Văn Sơn: Theo số liệu thống kê của chúng tôi, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 716 nhà và công trình cao tầng, trong đó có 187 công trình đang thi công, 529 công trình đã đi vào hoạt động. Trong số này có một số nhà và công trình có từ 1 đến 5 tầng hầm, sử dụng cho mục đích để ôtô, xe máy và bố trí các phòng chứa thiết bị kỹ thuật của tòa nhà.

Đặc biệt có 4 công trình: Trung tâm Thương mại Garden, Parkson Keangnam, Savico và Royal City, bố trí tầng hầm để làm siêu thị, điểm hoạt động vui chơi giải trí. Các tòa nhà này đều đã bố trí hệ thống PCCC, hệ thống đường thoát nạn và các hệ thống thiết bị kỹ thuật khác đảm bảo an toàn PCCC cho công trình trong quá trình hoạt động như: Hệ thống báo cháy tự động; hệ thống chữa cháy vách tường, bình chữa cháy cục bộ; hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và hướng dẫn thoát nạn Exit – lối ra; hệ thống thông gió hút khói và điều áp thang… Toàn bộ hệ thống này được kết nối liên động với Tủ trung tâm báo cháy và đảm bảo luôn trong tình trạng hoạt động 24/24h.

Khu Trung tâm thương mại luôn thu hút đông người dân lui tới, công tác PCCC phải được đề cao. (Ảnh minh họa).

Trước khi xây dựng, các công trình này đều được Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an) hoặc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Hà Nội thẩm duyệt về PCCC. Sau khi xây dựng xong đều được nghiệm thu về PCCC theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, cơ quan Cảnh sát PCCC thường xuyên tiến hành kiểm tra hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ quản lý cơ sở, thành lập Ban chỉ huy PCCC, lực lượng PCCC tại chỗ, ban hành các nội quy an toàn về PCCC phù hợp cho từng khu vực, xây dựng phương án chữa cháy, tổ chức học và thực tập phương án chữa cháy, tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và kiến nghị chủ đầu tư thực hiện các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC, xử lý các hành vi vi phạm các quy định về an toàn PCCC trong quá trình kiểm tra.

Đối với các loại hình cơ sở này thì những lỗi vi phạm thường gặp là: để vật dụng cản trở lối thoát nạn, che chắn phương tiện PCCC, không định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện PCCC và thiết bị kỹ thuật theo quy định….

PV: Vậy liên quan đến các công trình có tầng hầm cung cấp dịch vụ, vui chơi giải trí trên, trong năm qua đã xảy ra vụ cháy nào chưa? Công tác chữa cháy của lực lượng chức năng ra sao?

Đại tá Nguyễn Văn Sơn: Từ năm 2012 tới nay, tại các công trình này chưa có vụ cháy nào xảy ra. Đối với các công trình có bố trí tầng hầm làm nơi trông giữ xe, và các hạng mục kỹ thuật khác thì đã có xảy ra một số vụ cháy, như: Ngày 2/7/2008 cháy tầng hầm để xe khu nhà A, chung cư 17 tầng thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm (Hà Nội) đã thiêu rụi 2 xe ôtô, làm 9 chiếc khác hỏng nặng; ngày 15/12/2012 cháy tầng hầm tại nhà EVN ở Cửa Bắc, Ba Đình (Hà Nội) làm cho 27 người bị thương phải nhập viện...

Công tác chữa cháy ở tầng hầm thường gặp rất nhiều khó khăn bởi đây là khu vực kín, khó thoát khói, nhiệt, thiếu ánh sáng phục vụ chữa cháy và tập trung nhiều chất dễ cháy, do vậy công tác tổ chức chữa cháy và thoát nạn là hết sức vất vả. Đặc biệt, khi các hệ thống kỹ thuật hỗ trợ không hoạt động hoặc hoạt động không đủ công suất, công tác cứu nạn, cứu hộ cũng gặp nhiều trở ngại bởi những yếu tố trên.

Khu Trung tâm thương mại luôn thu hút đông người dân lui tới, công tác PCCC phải được đề cao. (Ảnh minh họa).

PV: Đồng chí cho biết, khi để xảy ra cháy nổ ở các tầng hầm nhà cao tầng, trách nhiệm chính thuộc về ai? Để ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ xảy ra, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các đơn vị chức năng thì chính quyền địa phương, chủ đầu tư và cá nhân tham gia các hoạt động dịch vụ cần phải làm gì?

Đại tá Nguyễn Văn Sơn: Khi để xảy ra cháy, nổ thì trách nhiệm chính, đầu tiên thuộc về người trực tiếp gây ra cháy, nổ. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, trong tổ chức quản lý, kiểm tra việc thực hiện hoạt động PCCC tại cơ quan, tổ chức, cơ sở do họ quản lý. Nếu thiếu trách nhiệm mà để xảy ra cháy thì tùy theo tính chất mức độ thiệt hại mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mặt khác, để ngăn ngừa cháy nổ xảy ra, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các đơn vị chức năng thì chính quyền địa phương có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC ở địa phương mình được quy định theo Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 và Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 4/4/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Đặc biệt, chủ đầu tư phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra duy trì các điều kiện về an toàn PCCC theo Điều 9, Nghị định số 35/2003/ NĐ-CP; còn đối với các cá nhân khi tham gia hoạt động tại những địa điểm này phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình được quy định tại điều 5 của Nghị định này. Có như vậy mới đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về PCCC, góp phần đảm bảo an toàn PCCC cho các công trình và xã hội.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Trần Huy
.
.
.