Nỗi lo an ninh trường học

Thứ Năm, 03/03/2011, 16:59
An ninh trường học đang thực sự gây hoang mang cho nhiều phụ huynh và học sinh ở vùng cát trắng Quảng Bình, khi chỉ trong năm qua đã có 2 học sinh bị bạn học đâm chết tại sân trường; nhiều học sinh thành lập băng, nhóm để đánh nhau với đủ loại hung khí nguy hiểm; nhiều học sinh gây ra hàng chục vụ trộm, cướp…

Khi dao, kiếm để chung với bút, vở

Trong báo cáo tổng kết công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2010 của Công an Quảng Bình ghi rõ: "An ninh trường học có nhiều diễn biến phức tạp hơn, tỷ lệ thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật tăng cao, có cả đối tượng liên quan đến ma túy. Đã xảy ra một số vụ học sinh dùng dao, kiếm đâm chém nhau trong trường học gây thương tích nặng, gây hậu quả chết người".

Trong những năm qua, lực lượng Công an Quảng Bình đã triển khai nhiều phương án để đảm bảo an ninh trường học (ANTH) nhưng nhiều vụ việc vi phạm pháp luật do học sinh gây ra vẫn gia tăng, nguyên nhân là do ngành Giáo dục, chính quyền địa phương ở Quảng Bình vẫn chưa thực sự quan tâm đến ANTH. Những vụ việc xâm phạm ANTH đang thực sự gây hoang mang cho các phụ huynh và học sinh. Nhiều bà mẹ đã đớn đau khi buổi sáng còn chuẩn bị bữa ăn, sách vở cho con đến trường, trưa nghe hung tin con đã bị đâm chết ở sân trường. Đó là nỗi đau không thể nguôi ngoai đối với gia đình em Võ Nhật Hoàn, học sinh lớp 10A4 Trường THPT Bán công Đồng Hới, Quảng Bình.

Chỉ vì những mâu thuẫn học trò, lúc 8h ngày 16/9/2010, ngay trong giờ ra chơi, Phạm Văn Hoàng, học sinh lớp 10A5 đã dùng dao đuổi đâm Võ Nhật Hoàn. Nhát dao đã cướp sinh mạng của em Hoàn trong tích tắc ở sân trường.

Cũng tại sân trường này, ngày 27/9/2010, em Võ Thành Đạt, lớp 11B6 đã bị bạn cùng trường dùng dao đâm hai nhát vào ngực chỉ vì mâu thuẫn nhỏ. Đạt phải vào cấp cứu ở Bệnh viện Trung ương Huế với vết thương tràn dịch màng phổi. Mới đây ngày 10/1, cũng chỉ vì mâu thuẫn trong giờ giải lao, Nguyễn Xuân Hoàng học sinh lớp 10A8 Trường THPT Tuyên Hóa, Quảng Bình đã dùng thước đánh em Lê Thanh Tuấn, học sinh lớp 10A9 cùng trường, hậu quả làm em Tuấn bị chết do tụ máu não.

Cần có biện pháp bảo vệ ANTH để học sinh an tâm đến trường.

Trước đó không lâu, chỉ vì bạn không cho nhìn bài trong kỳ thi học kỳ, Nguyễn Thế Dũng học sinh lớp 12 Trường THPT Đào Duy Từ, TP Đồng Hới đã dùng kiếm và nhị khúc đánh em Phạm Văn Chinh, lớp 12A1 ngay cổng trường. Chinh phải vào Bệnh viện Việt Nam - Cuba cấp cứu và bỏ lỡ một kỳ thi.

Hiện tượng học sinh mang theo dao, kiếm đến trường không còn là chuyện hiếm ở vùng cát trắng. Tiến hành kiểm tra bất ngờ trong vòng 2 tuần, các lực lượng Công an Quảng Bình đã thu được hơn 30 dao, kiếm các loại học sinh mang theo người. Khi bị hỏi về số dao, kiếm trên, các học sinh đều nói "mang theo để phòng thân".

Trước vấn nạn học sinh dùng hung khí hành xử theo kiểu côn đồ, tháng đầu tiên của năm học 2009-2010, Đoàn trường THPT Bán công Quảng Ninh đã mở cuộc vận động và thu giữ được 70 hung khí gồm dao, côn, mã tấu mà học sinh mang theo đến trường…

Cần có hành động cụ thể

Trong rất nhiều báo cáo của địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình như: Báo cáo tổng kết của ngành Giáo dục; báo cáo của Hội đồng nhân dân tỉnh, các huyện hằng năm… chúng tôi thấy rất ít đề cập đến vấn đề ANTH, hoặc chỉ nêu vấn đề, tuyệt nhiên chưa có một phân tích, đánh giá, tìm biện pháp để bảo vệ tốt ANTH. Mặc dù đây là vấn đề đang được rất nhiều người dân, học sinh quan tâm. Có trường học khi Phòng CSĐT tội phạm về ma túy đề nghị hợp tác vì liên quan đến học sinh của trường, Ban Giám hiệu nhà trường vẫn tỏ ra không hề biết học sinh của mình nghiện ngập.

Vì phong trào, vì thi đua, có trường còn giấu việc học sinh phạm pháp để bảo vệ thành tích. Một số lãnh đạo và giáo viên ở các trường có học sinh thường xuyên phạm pháp đã lãnh cảm với những học sinh cá biệt. Chính việc chọn giải pháp an toàn cho bản thân của giáo viên phần nào đã để mặc cho học sinh cá biệt dấn sâu vào con đường phạm pháp.

Bên cạnh đó, có những phụ huynh thường trực trong suy nghĩ: Con đến trường nên phó mặc cho trường quản lý. Chính vì thiếu sự quan tâm từ gia đình nên nhiều em bỏ bê học hành, tụ tập với bạn xấu thành lập băng, nhóm chuyên bỏ học và tìm cách gây sự với bạn đồng môn. Chính tâm lý nuông chiều con cái của một số bậc phụ huynh đã đẩy con mình vào con đường phạm tội. Khi các em dùng hung khí đánh nhau, nhiều phụ huynh cho rằng con mình luôn hiền lành, còn đánh nhau chỉ vì bồng bột nhất thời. Đào tạo kiến thức cho các em không thể để các em thiếu hụt về ý thức, đạo đức và trách nhiệm công dân, đó là trách nhiệm của các trường học và gia đình.

Suy nghĩ thật buồn của một số phụ huynh "Đầu năm họp phụ huynh là để bàn chuyện đóng góp tiền trường, tiền lớp, còn việc nâng cao đạo đức, lối sống cho học sinh thì chẳng thấy đề cập đến" cần phải sớm được xoá bỏ.

Tuổi học trò như trang giấy trắng, chọn lối nào cho các em là trách nhiệm rất lớn của gia đình - nhà trường và chính quyền địa phương. Thiết nghĩ lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cần có hành động cụ thể, kịp thời để bảo đảm ANTH, đó cũng là một trong những điều kiện quan trọng để bảo đảm an ninh trật tự, phát triển văn hoá xã hội tại địa phương

Dương Sông Lam
.
.
.