Nỗi đau vùng tâm lũ

Thứ Ba, 12/08/2008, 09:03
Thôn Tùng Chỉn 1, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (Lào Cai) có 19 hộ, 93 nhân khẩu nhưng bị lũ cướp đi 20 người. Trong số 20 người chết mới chỉ có 2 người được tìm thấy thi thể, còn lại 18 người đang nằm lại đâu đó giữa hàng nghìn khối đất đá, hoặc còn bị cuốn đi theo dòng nước lũ.
>> Lực lượng Công an giúp dân vượt qua lũ lụt

Đêm 8/8, đã trở thành thời khắc đen tối nhất đối với người dân thôn Tùng Chỉn 1, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (Lào Cai). Trận lũ quét kinh hoàng diễn ra trong chốc lát đã xóa đi hoàn toàn dấu tích của một bản nhỏ bình yên - nơi 19 hộ gia đình người Dao sinh sống.

Đêm kinh hoàng

Anh Tẩn Phù Sèo - người may mắn thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" bàng hoàng mô tả lại: "Trời đen như mực, mưa kéo dài từ mấy hôm trước cứ mỗi lúc một to. Nhà ngay bờ suối nên mình thấp thỏm không sao ngủ được. Khoảng quá nửa đêm thì nghe suối gầm gào như động đất, mình chỉ kịp bế vội đứa con, la lên "chết rồi" và lao thẳng ra ngoài".

Gia đình anh Tẩn Phù Sèo có lẽ là may mắn nhất thôn vì sáng hôm sau, anh tìm thấy người vợ và đứa con trai lớn trên khu ruộng bậc thang gần nhà. Cả hai đều bị thương nhiều chỗ trên người do đá đập và kiệt sức vì mệt. Tiếng kêu "Chết rồi" theo bản năng của anh đã đánh thức đứa con trai và may sao nó cũng kịp kéo mẹ chạy ra ngoài.

Cả thôn Tùng Chỉn 1 chỉ có vài nhà may mắn như thế, còn lại nhà nào cũng mất người thân. Trận lũ kinh hoàng đã cướp đi 20 mạng sống, từ trẻ em, người già đến thanh niên trai tráng. Gia đình anh Phìn Duần Sèo có 7 người, vậy mà chỉ sau một đêm, chỉ còn anh và một đứa con sống sót. Cạn nước mắt vì khóc vợ, khóc con, khóc cho đứa cháu mới lọt lòng, anh ngồi hàng giờ bên bờ suối, nhìn dòng lũ đã bớt dữ dằn hơn, miệng lầm rầm những lời cầu khấn của người Dao như một kẻ điên dại.

Tùng Chỉn 1 có 19 hộ, 93 nhân khẩu. 73 người thoát nạn nhưng hình như hồn vía chưa về. Hầu hết họ ai cũng bị thương do đá đập, nước xô, kiệt sức và hoảng loạn vì vật lộn suốt đêm với dòng nước dữ. Cơn lũ không chỉ cướp mất của họ người thân, mà còn mang theo toàn bộ nhà cửa, tài sản của người dân, khiến tất cả trở thành tay trắng.

Sau 2 ngày bị cô lập hoàn toàn, trưa 10/8, những đơn vị cứu hộ đầu tiên mới mở đường, băng đèo, vượt suối để vào được Tùng Chỉn. Người ta chỉ có thể nhận ra vị trí của thôn nhờ gốc của vài khóm chuối còn sót lại, mấy con gia súc vô chủ và những cây kèo cột nhà nằm lẫn giữa ngổn ngang gỗ rừng và đất đá.

Trong số 20 người chết mới chỉ có 2 người được tìm thấy thi thể, còn lại 18 người đang nằm lại đâu đó giữa hàng nghìn khối đất đá, hoặc còn bị cuốn đi theo dòng nước lũ. 73 người còn sống đều đã được đưa về Đồn Biên phòng Trịnh Tường sống tạm, để lại Tùng Chỉn 1 hoang lạnh như một vùng đất chết.

Chung tay khắc phục nỗi đau

Gần 2 ngày sau lũ, chính quyền địa phương và các lực lượng cứu hộ từ bên ngoài mới có thể tiếp cận được với vùng tâm lũ Tùng Chỉn 1. Khoảng thời gian đó tưởng quá dài, nhưng phải theo chân những người suốt đêm đào đất, đắp đá để thông đường từ Bát Xát vào Trịnh Tường, rồi từ Trịnh Tường vào Tùng Chỉn, mới thấy được đó là khoảng thời gian của nỗ lực phi thường, của những tấm lòng hướng về người hoạn nạn.

Thậm chí vào sáng 10/8, dù chỉ còn cách tâm lũ Tùng Chỉn 1 vài trăm mét, nhưng hầu hết lực lượng cứu hộ và người dân địa phương cũng chỉ biết hướng vọng về thôn, bất lực trước dòng nước lũ ngầu đỏ vẫn còn dữ dằn uy hiếp.

Nhìn những chiến sỹ Quân đội, Biên phòng, Công an, các vị lãnh đạo tỉnh Lào Cai kết tay nhau thành một khối để vượt qua dòng suối lũ - lối duy nhất tiếp cận vào thôn mới thấy tình cảm và trách nhiệm của họ đối với người dân hoạn nạn quả thật lớn lao. Người này ngã, người kia kéo, có người bị đá đập đến rách toạc, thâm tím cả chân.

Tôi nhớ mãi hình ảnh ông Bùi Quang Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai khi ông cố ngăn các phóng viên lại vì nguy hiểm quá, còn ông thì gồng mình cùng 2 đồng chí bộ đội qua suối để vào chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả sau lũ.

Hôm nay, ngày mai và có lẽ phải nhiều ngày sau nữa, khi cơn thịnh nộ của thiên nhiên đã bớt dữ dằn, các lực lượng cứu hộ mới có thể đào xới, tìm kiếm ngày đêm để mong sao tìm thấy thi thể của 18 người dân lâm nạn.

Cả nước cũng đang hướng về miền núi phía Bắc, về Lào Cai, Bát Xát, Tùng Chỉn… Những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên, những khoản tiền hỗ trợ đầu tiên chỉ sau 2 ngày đã đến được với người dân Tùng Chỉn.

Trung tướng Trần Đại Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cùng đoàn công tác của Bộ đã về tận Trịnh Tường để chuyển hàng cứu trợ và tiền cho nhân dân. Quân khu 2 gửi lên 10 tấn gạo và một Tiểu đoàn bộ binh. Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam đang tổ chức giải thưởng Sao Vàng miền núi phía Bắc ở Lào Cai cũng lặn lội vào tận nơi trao mấy trăm thùng mì tôm và 200 triệu đồng với mong muốn đồng bào không ai bị đói. Tỉnh Lào Cai cũng quyết định hỗ trợ khẩn cấp 3 triệu đồng cho mỗi người chết để gia đình lo hậu sự, một triệu đồng cho người bị thương để bồi dưỡng sức khỏe, chi phí thuốc men…

Cả nước vẫn đang hướng về người dân những vùng thiên tai ở miền núi phía Bắc, sát cánh cùng đồng bào trong cơn hoạn nạn, cùng với lời nguyện cầu: Tai họa sẽ qua đi, nỗi đau sẽ lắng xuống

Lê Trường Giang
.
.
.