Nỗi đau của người mẹ xích con 24 năm

Thứ Tư, 30/04/2008, 17:30
Cô bé Lan xinh xắn ngày nào thường đưa cơm trưa cho cha bị vấp phải hố bom. Sau lần sống lại từ hố bom, chị lúc cười nói ngây ngô, lúc đập phá, chửi bới. Đã 24 năm chị bị xích chân, mọi sinh hoạt chỉ được giới hạn bởi sợi dây xích dài chưa đầy 1m. Cuộc đời gắn chết với một chữ "điên" mà lũ trẻ thường réo lên mỗi khi gặp mặt...

Những ngày cuối tháng 4, cơ quan đại diện Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh nhận được "những lời kêu cứu" từ ông Nguyễn Hồng Nga là Hội viên Hội Y học cổ truyền huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

Ông kêu cứu "hộ" một hoàn cảnh khó khăn cùng địa phương, đó là anh Nguyễn Văn Tuấn, người sau một tai nạn giao thông khủng khiếp đang có một phần hộp sọ gửi tại Trung tâm Cấy ghép mô TP Hồ Chí Minh chờ ngày cấy ghép.

Song khi tiếp xúc với bà Phùng Thị Đảm là mẹ nạn nhân thì chúng tôi còn phát hiện thêm một sự việc thương tâm hơn nữa, đó là gia đình này còn có một cô gái bị bệnh tâm thần và đang phải sống với sợi dây xích suốt 24 năm qua.

24 năm sống cùng dây xích

Năm 13 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Lan khi ấy còn là một cô bé xinh xắn chăm chỉ. Hằng ngày bé Lan đều đưa cơm cho cha là ông Nguyễn Văn Tuệ đi làm mướn trên rẫy cách nhà 3-4km. Một buổi trưa ông Tuệ đợi mãi vẫn không thấy con gái mang cơm ra nên đành trở về nhà.

Trên đường về, ông Tuệ phát hiện cô con gái đang nằm lịm dưới hố bom. Được người cha cấp cứu, cô bé cũng dần hồi tỉnh. Cô bé tỉnh để rồi đi tiếp vào cõi mông lung, cười nói ngây ngô.

Thời gian đầu bệnh tình còn ở mức độ nhẹ, Lan vẫn được tự do đi lại và sinh hoạt, nhưng rồi bệnh ngày càng nặng. Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của người thân là việc con mình cứ đi lại lung tung và thường quên đường về.

Có lần Lan lên cơn kích động, trèo lên được thành một chiếc xe ben đang chạy, dang hai tay đứng trước mũi xe hò hét, làm nhiều người sợ đứng tim. Khi bệnh nặng hơn, cô bắt đầu đập phá đồ đạc, phá phách nhà cửa, chửi bới lung tung… Đó cũng là lúc những người thân đành gạt nước mắt xây riêng cho cô con gái một căn phòng nhỏ, một chiếc giường và một sợi dây xích cổ chân.

24 năm qua, người đàn bà bất hạnh này đã bước sang tuổi 48, chung thân với sợi dây xích, mọi sinh hoạt chỉ được giới hạn bởi sợi dây xích dài chưa đầy 1m. Cuộc đời gắn chết với một chữ "điên" mà lũ trẻ thường réo lên mỗi khi gặp mặt.

Nỗi đau nối tiếp nỗi đau

Bà Đảm đã ngót nghét 70 tuổi, có 11 người con. Lan là thứ 2, Tuấn  là con thứ 6. Cả nhà chỉ sống bằng nghề ve chai. Căn nhà bà tiếp chúng tôi rộng chừng 3m2, mái tôn thấp lè tè, nóng hầm hập. Bà "khoe" tài sản có được gồm 1 chiếc giường cũ, một cái võng rách, chiếc tủ thờ ông Tuệ (ông cụ mất năm 2006)… Mang bệnh cao huyết áp và tiểu đường nặng, bà bảo còn sống được là nhờ có thuốc của bảo hiểm y tế xã cấp.

Được biết, đêm 9/3, gia đình cũng không biết Tuấn đi đâu nhưng 6h sáng hôm sau, thì bà nhận được tin con trai bị tai nạn đang nằm ven đường. Khi tới nơi, Tuấn đã trong cảnh hôn mê sâu, máu me đầy người, đầu… bẹp.

Theo một người địa phương cho biết, anh bị một chiếc xe du lịch tông phải, cũng không ai kịp nhìn biển số xe vì khi đó đã khuya. Chỉ biết rằng sau đó người ta tìm thấy chiếc xe đạp anh đã bị nát bét cách đó vài cây số. Sau ca phẫu thuật mở hộp sọ, ngày 25/3, anh Tuấn xuất viện Đa khoa Bình Phước về nhà nhưng đã trở nên mất trí hoàn toàn.

Chứng kiến vết thương của Tuấn, tôi giật thót mình. Trên cái đầu trọc lốc là một vết lõm bằng cả bàn tay vùng thái dương bên trái. Vết lõm tạo thành một phần khuyết hẳn một bên đầu, những vết khâu mới liền da, cứ phập phồng theo nhịp thở.

Theo lời hẹn của Trung tâm Cấy ghép mô TP Hồ Chí Minh thì khoảng 1 tháng rưỡi nữa Tuấn có thể được ghép lại mảnh sọ. Song số tiền để tiến hành ca mổ này hiện thân nhân anh không biết chạy đâu vì bảo hiểm y tế thông báo trong đợt mổ trước đã hết khả năng thanh toán.

Không biết có sự liên quan gì không nhưng theo chúng tôi được biết, ngoài chị Lan, gia đình này còn có ông Nguyễn Văn Duy (em trai ông Tuệ) ngụ gần đó cũng có triệu chứng ngơ ngẩn tương tự và chỉ ăn cháo suốt 20 năm nay và 1 cô em gái ông Tuệ (tên Nguyễn Thị Mây) cũng tự nhiên ngơ ngẩn bỏ đi mất tích từ năm 1977. Nay tới lượt Tuấn có dấu hiệu tương tự. Bệnh càng trở nặng hơn khi gặp tai nạn.

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều vụ trọng án mà hung thủ có nhiều dấu hiệu của một bệnh nhân tâm thần. Do căn bệnh chi phối bệnh nhân có khi gây hại tới người xung quanh mà không biết, do đó bệnh nhân tâm thần ở chung với người bình thường là rất nguy hiểm.

Để tránh tình trạng đáng tiếc, người tâm thần cần được quản lý chặt. Chính quyền và cơ quan, đoàn thể cùng các nhà hảo tâm cần có chính sách hỗ trợ và giúp đỡ gia đình bà Đảm vượt qua khó khăn thiếu thốn này. Đồng thời bệnh nhân rất cần được đưa đi chữa trị tập trung tại bệnh viện để tránh những hậu quả có hại cho cộng đồng

Nga Huyền
.
.
.