Nỗ lực cứu đàn voi ở Đắk Lắk

Thứ Hai, 17/12/2012, 09:25
Kết thúc kỳ họp thứ V, khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã thông qua Nghị quyết về việc quy định một số chính sách bảo tồn voi tại Đắk Lắk. Việc thông qua Nghị quyết này đã mở ra một hy vọng mới cứu đàn voi ở Đắk Lắk đang trên đà suy giảm nhanh chóng, có nguy cơ bị tuyệt chủng trong tương lai…

Đắk Lắk là một trong những địa phương có đàn voi hoang dã cũng như voi nhà lớn nhất nước sinh sống, là nơi duy nhất có truyền thống lâu đời về nghề thuần dưỡng, chăm sóc voi. Tuy nhiên, hiện nay số lượng voi ở Đắk Lắk đang suy giảm một cách nhanh chóng, có nguy cơ bị tuyệt chủng trong nay mai. Nếu như năm 1980, toàn tỉnh có 550 con voi hoang dã thì hiện nay chỉ còn chưa đầy 100 con; còn đàn voi nhà từ 502 con đến nay cũng chỉ còn vỏn vẹn 51 con.

Một trong những nguyên nhân khiến đàn voi hoang dã sụt giảm nhanh chóng là do bị tác động của con người trong quá trình khai thác lâm sản, chuyển đổi đất rừng sang trồng cây công nghiệp, nông nghiệp khiến môi trường sống của voi bị thu hẹp; nguồn thức ăn, nước uống khiến nơi cư trú, sinh sống của voi bị xâm hại. Bên cạnh đó, nạn săn bắn, giết trộm voi để lấy ngà vẫn diễn ra hằng ngày khiến xung đột giữa người và voi ngày càng gia tăng.

Đối với voi nhà, việc bị nuôi cô lập theo tổ chức, hộ gia đình, cá nhân… không có môi trường tự nhiên để giao phối dẫn đến voi mất khả năng sinh sản. Chính vì nguyên nhân này mà trong hơn 20 năm qua, chưa có một con voi nhà nào sinh sản được. Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh chỉ còn 15 con voi đực và 23 voi cái đang trong độ tuổi có thể sinh sản được (từ 15-45 tuổi). Tuy nhiên, số voi này đang được huy động vào việc khai thác du lịch và các hoạt động khác quá sức. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho voi chưa có, voi được nuôi xa vùng rừng tự nhiên nên nguồn thức ăn không đảm bảo dinh dưỡng, làm ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ, sức khỏe của voi.

Tổng kinh phí của đề án là 60 tỷ đồng, kéo dài từ nay đến hết năm 2014. Trong đề án sẽ xây dựng 2 khu tập trung tại huyện Buôn Đôn với diện tích 200ha và huyện Lắk 100ha. Ở đây sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh gồm: bệnh viện voi, vườn ươm thức ăn cho voi với khoảng 70 loài cây cỏ… Theo đó, vào mùa động dục từ tháng 6 đến tháng 10 hằng năm, voi được tập trung về đây, được chăm sóc sức khỏe, bảo vệ an toàn để có thể sinh sản.

Voi nhà đang được khai thác phục vụ du lịch, hoạt động khác quá sức.

Theo đề án, khi các chủ voi tự nguyện đưa voi vào khu chăn thả thì được Nhà nước hỗ trợ kinh phí trong thời gian voi gặp gỡ, giao phối, mang thai, sinh sản và nuôi con. Theo đó, đối với chủ voi cái được hỗ trợ 500.000 đồng/ngày trong thời gian voi gặp gỡ, động dục, giao phối. Trong thời gian voi mang thai, sinh sản và nuôi con, chủ voi sẽ được hỗ trợ kinh phí trong vòng 28 tháng. Trong 10 tháng đầu, mức hỗ trợ 300.000 đồng/ngày, từ tháng 11 trở đi sẽ được hỗ trợ 600.000 đồng/ngày.

Đối với chủ voi đực, trong thời gian voi động dục sẽ được hỗ trợ 600.000 đồng/ngày. Đối với nài voi cái, trong thời gian chăm sóc voi động dục, giao phối, sinh sản và nuôi con sẽ được hỗ trợ 200.000 đồng/ngày, thời gian hỗ trợ 28 tháng; đối với nài voi đực, trong thời gian voi động dục, giao phối sẽ được hỗ trợ 200.000 đồng/ngày, thời gian hỗ trợ trong vòng 30 ngày.

Ngoài ra, những địa phương có voi hoang dã thường xuyên xuất hiện được thành lập các tổ bảo vệ (số thành viên không quá 10 người), làm nhiệm vụ theo dõi, giám sát di chuyển của đàn voi. Qua đó, kịp thời phát hiện tổ chức lực lượng xua đuổi voi hoang dã nhằm tránh gây thiệt hại về người và tài sản mỗi khi voi xuất hiện. Chi phí mua sắm vật dụng (đèn pin, loa, kẻng, ống đốt đất đèn…) cho tổ bảo vệ là 20.000.000 đồng/năm; hỗ trợ cho các thành viên (xăng xe phục vụ đi lại, bồi dưỡng trực…) là 2.000.000 đồng/người/năm.

Đối với các tổ chức, gia đình, cá nhân sinh sống, lao động hợp pháp trong khu vực có voi hoang dã cư trú, di chuyển khi bị voi tấn công gây thiệt hại về người và tài sản sẽ được Nhà nước xem xét, hỗ trợ. Trong trường hợp thiệt hại về tài sản, sẽ được hỗ trợ 100% giá trị tài sản. Còn trong trường hợp thiệt hại về sức khỏe, người bị voi tấn công được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền khám, tiền thuốc điều trị và được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động đối với tỷ lệ sức khỏe bị tổn thương. Trường hợp bị tử vong thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất như đối với trường hợp người lao động trong cơ quan Nhà nước bị tai nạn lao động dẫn đến tử vong.

Đối với khám, chữa bệnh định kỳ: hàng năm, cơ quan chuyên môn tổ chức khám, chữa bệnh định kỳ cho voi một lần. Các chủ voi được hỗ trợ 100% tiền công khám và tiền thuốc điều trị bệnh cho voi. Trong trường hợp cơ quan chuyên môn phát hiện hoặc dự báo có thể xảy ra dịch bệnh đối với voi và tổ chức khám, cấp thuốc phòng bệnh cho voi thì các chủ voi được hỗ trợ 100% tiền công khám và tiền thuốc phòng bệnh cho voi. Khi chủ voi phát hiện voi bị bệnh đề nghị cơ quan chuyên môn khám, chữa bệnh thì được hỗ trợ 100% tiền công khám và 50% chi phí tiền thuốc điều trị bệnh cho voi

Văn Thành
.
.
.