Những người kẹt trong hầm sập: Sưởi bằng hơi ấm của tình đồng nghiệp

Thứ Bảy, 20/12/2014, 09:54
“Cuộc sống trong hầm suốt 4 ngày là một thử thách quá sức chịu đựng đối với chúng tôi". Anh Nam kể, để chống chọi với cái lạnh trong lòng đất khi nước dâng cao tới gần 2m, mọi người phải ôm chặt lấy nhau, sưởi ấm cho nhau bằng hơi ấm của tình đồng nghiệp, cố gắng động viên nhau trong cơn hoạn nạn, dù đã có lúc họ không còn hi vọng gì về sự sống.

Lúc 16h36’ ngày 19/12/2014 chính là giờ phút được tái sinh của 12 nạn nhân trong vụ sập hầm tại công trình Nhà máy thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Hạnh phúc trong nước mắt vỡ òa của bao con người sau 4 ngày đêm vật lộn, chống chọi với giá lạnh giữa núi rừng Tây Nguyên...

Hạnh phúc tột cùng...

Lúc 16h36’, tại cổng đường hầm bỗng một thanh âm hò reo vang động cả một vùng núi rừng hiểm trở. Hàng nghìn người có mặt tại cửa đường hầm đã không cầm được nước mắt khi 12 nạn nhân lần lượt được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài qua đường hầm do lực lượng công binh thực hiện. 

Anh Phạm Viết Bắc ôm choàng lấy vợ trong giàn giụa nước mắt hạnh phúc. Tiếng khóc vui sướng đã vỡ òa khi thấy chị Ngọc được cứu ra khỏi hầm thủy điện Đạ Dâng sau 4 ngày bị mắc kẹt: “Em của anh ơi!... Em của anh đây thật rồi sao!...”.

Chị Đặng Thị Hồng Ngọc là người phụ nữ duy nhất chịu đựng 4 ngày đêm trong hầm cùng đồng nghiệp. Năm 2012, chị Ngọc lập gia đình với anh Phạm Viết Bắc, sau đó vợ chồng chuyển nhà vào Lâm Đồng sinh sống và xin vào làm công nhân tại Công ty cổ phần Sông Đà 505, một trong những công ty thi công tại công trình thủy điện Đạ Dâng. Những ngày chị Ngọc bị kẹt trong hầm, cậu con trai 4 tuổi ở nhà cứ  khóc. Bố Bắc dỗ dành con trai là mẹ bận việc, sớm mai sẽ về. Nhưng rồi 2 ngày, 3 ngày trôi qua vẫn chưa thấy mẹ về, cậu con trai trở nên nghi ngờ bố nói dối... Và chiều 19/12, chị Ngọc đã được nhìn thấy cậu con trai yêu thương.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Công an...

Vừa thoát khỏi tử thần sau 4 ngày sống sót kỳ diệu trong lòng đất, nạn nhân Phạm Viết Nam, quê ở Nghệ An, xúc động  nói với chúng tôi: “Cuộc sống trong hầm suốt 4 ngày là một thử thách quá sức chịu đựng đối với chúng tôi. Đã có lúc tôi lâm vào trạng thái tuyệt vọng và cái chết đã được nghĩ tới đối với tất cả mọi người”.

Anh Nam kể, để chống chọi với cái lạnh trong lòng đất khi nước dâng cao tới gần 2m, mọi người phải ôm chặt lấy nhau, sưởi ấm cho nhau bằng hơi ấm của tình đồng nghiệp, cố gắng động viên nhau trong cơn hoạn nạn, dù đã có lúc họ không còn hi vọng gì về sự sống. “Sau khi mũi khoan đầu tiên được thông tới, được tiếp thêm khí ôxy, cháo, chúng tôi mới tin tưởng là sẽ ra được hầm”, anh Nam thổ lộ.

2 cháu bé, con của nạn nhân Phạm Viết Nam đã khóc rất nhiều khi nói chuyện điện thoại với bố lúc mới được ra khỏi hầm... Chị Phạm Thị Hoa, vợ của nạn nhân Trương Tuấn Việt từ Hà Nam vào hiện trường khóc lên khóc xuống suốt 4 ngày chờ chồng. Và chiều nay, niềm hạnh phúc hiếm thấy ấy đã đến...

Anh Hoàng Đình Thịnh, quê Nam Định, cho biết, những ngày trong hầm, anh luôn nghĩ tới gia đình ở quê. Anh Thịnh năm nay mới 18 tuổi, là người ít tuổi nhất trong số 12 nạn nhân. Những ngày mắc kẹt trong hầm, để duy trì sự sống, mọi người đã phải cố gắng nói với nhau thật ít để đỡ tốn năng lượng và nhất là để khí ôxy không bị cạt kiệt. Khi cháo, nước gừng, thuốc men được bơm vào, từng người thay nhau tới ngậm vào ống để ăn, uống.

...cùng các đơn vị chức năng khẩn trương đưa các nạn nhân ra khỏi hầm sập.

Theo anh Thịnh, đã có lúc nước trong hầm dâng lên rất cao, mọi người hết sức hoang mang, lo lắng tột cùng cho mạng sống của mình. Tuy nhiên, từ chiều 18/12, khi nhận được những thông tin tích cực từ bên ngoài truyền vào, mọi người đều ánh lên hy vọng. Trong lời nói vội vã, anh Thịnh kể, suốt 4 ngày qua sống trong hầm, anh không thể xác định được ngày hay đêm...

Sau khi được sơ cứu tại chỗ, 12 nạn nhân đều đã được các nhân viên y tế gấp rút chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Bác sĩ Nguyễn Bá Hy, Giám đốc Bệnh viện cho biết, từ 3 ngày trước đó, Bệnh viện đã nhận lệnh sẵn sàng chuẩn bị mọi điều kiện tối ưu nhất để giải cứu các nạn nhân; các phòng, giường bệnh đã được chuẩn bị sẵn sàng. Các nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cũng được được điều động lên hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng tiến hành cấp cứu, điều trị cho các nạn nhân.

Theo một nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, qua sơ cứu ban đầu thì thấy sức khỏe các nạn nhân cơ bản vẫn trong tình trạng ổn định, chỉ cần nghỉ dưỡng một thời gian ngắn là có thể bình thường trở lại.

Những người hùng trong hoạn nạn

Suốt 4 ngày qua, ngay khi nhận được thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Quốc phòng… cũng đã có mặt tại hiện trường. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thường xuyên cập nhật thông tin và có điện khẩn chỉ đạo các đơn vị trong lực lượng Công an bằng mọi biện pháp tổ chức tìm kiếm, cứu các nạn nhân bị mắc kẹt trong hầm.

Nạn nhân Đặng Thị Hồng Ngọc được tiếp ôxy trước khi được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu.

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ từ Trung ương và địa phương đã được điều động tới hiện trường cùng nhiều thiết bị máy móc hỗ trợ, tính mạng các nạn nhân được đặt lên hàng đầu. Trong công tác cứu hộ, cứu nạn, đã ghi nhận những người hùng, đó là những chiến sĩ trong lực lượng Quân đội, Công an, công nhân mỏ của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam… Bất chấp gian nan, hiểm nguy có thể phải đánh đổi cả tính mạng, họ đã mở lối tiến vào vị trí 12 nạn nhân bị mắc kẹt. 

Anh Phạm Quốc Tuấn, một cán bộ của Công ty TNHH Một thành viên Nhôm Lâm Đồng, là người trực tiếp tham gia việc đào đường hầm giải cứu các nạn nhân cho biết, có vào bên trong mới thấy hết sự nguy hiểm của đường hầm mà các lực lượng cứu hộ đã thực hiện. Bất cứ một sự sơ suất nào cũng có thể đe dọa đến tính mạng của họ. “Tuy nhiên, vì mạng sống của 12 nạn nhân đang bị mắc kẹt trong hầm, suốt 4 ngày qua, trong điều kiện vô cùng nguy kịch của các nạn nhân, bất chấp hiểm nguy, chúng tôi phải xả thân”, anh Tuấn nói. 

Trong khi đó, một nhân viên cứu hộ thuộc lực lượng công binh trực tiếp tham gia giải cứu thành công 12 nạn nhân cho biết, theo dự tính, lực lượng phải đào vào sâu bên trong chừng 20m mới có thể tiếp cận vị trí các nạn nhân. Tuy nhiên, khi đào được 14m, một tảng đất phía trên đầu lực lượng giải cứu bất ngờ đổ ập xuống để lộ ra một đường hầm thủy điện rộng lớn phía trên. Niềm vui vỡ òa khi phát hiện ra có tiếng người. Đây chính là điểm các nạn nhân đang bị mắc kẹt suốt 4 ngày qua. Lập tức lực lượng cứu hộ được lệnh vào bên trong cõng tất cả 12 người thoát ra ngoài an toàn. 

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh cho biết, khi được lệnh điều động tới hiện trường giải cứu 12 nạn nhân, lực lượng công binh đã lập tức hội ý, xác định vị trí các nạn nhân gặp nạn, lên phương án giải cứu. “Mặc dù, trước đó một đường hầm do lực lượng của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện nhưng để đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra là đường hầm này bị sập hoặc gặp vật cản, chúng tôi quyết định đào một đường hầm song song với tốc độ hết sức khẩn trương, chính xác và đã thành công như mong đợi”.

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong những ngày qua, đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện có thể từ Trung ương tới địa phương để tiến hành giải cứu các nạn nhân, công việc giải cứu được thực hiện hết sức khẩn trương, 24/24 giờ. “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Đại Quang, tất cả cán bộ, chiến sĩ tham gia ở hiện trường đều tiến hành việc giải cứu với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bất chấp những khó khăn vất vả, quên mình để cứu nạn nhân” – Thiếu tướng Bùi Văn Sơn nói.

Niềm vui ấy cũng đã làm nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an Lâm Đồng và các chiến sĩ Bộ đội, công nhân... tham gia cứu hộ, cứu nạn rơi nước mắt bởi họ cảm nhận được niềm hạnh phúc dâng trào khi đem lại niềm vui bất tận cho nhiều người. 

Niềm vui cũng lan tỏa, hòa cùng nhịp đập yêu thương bao trái tim người dân trên dọc đường xe đưa các nạn nhân về Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu.

Đại tá Hoàng Công Thạo, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Lâm Đồng và Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh đã túc trực 24/24 giờ. Không thể kể hết về công sức của những người lính, những người công nhân đã dầm mình bao ngày đêm trong giá lạnh. Và chiều 19/12, họ - những người lính, những người công nhân ấy đã được nở nụ cười thanh thản bởi hạnh phúc tưởng chừng rất bình dị ấy giống như một câu chuyện cổ tích.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND sau hơn 3 ngày nỗ lực tham gia cứu hộ, Thượng sỹ Nguyễn Văn Hùng - lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa hết vui mừng cho biết: “Khi nhận được thông tin anh em cứu hộ đã tiếp cận được các nạn nhân thì niềm vui như vỡ òa, anh em ai nấy đều ôm nhau nhảy, mọi mệt nhọc dường như tan biến. Niềm vui ấy thật khó diễn tả nên lời anh à!”.  

Còn Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng xúc động nói: “Kết thúc có hậu này đã đền đáp xứng đáng những vất vả, hiểm nguy của gần 1.000 người tham gia công tác cứu hộ suốt 4 ngày qua. Quan trọng nhất là các chỉ số sức khỏe cả 12 nạn nhân đều ổn là anh em vui mừng lắm rồi”.

N. Như - Văn Thành - Kim Ngân
.
.
.