Niềm vui “gặp lại” những người muôn năm cũ

Thứ Năm, 21/03/2013, 16:04
Tìm lại được di ảnh người thân để thờ cúng, để lưu giữ là mong muốn của rất nhiều gia đình. Để đáp ứng nguyện vọng của người dân, Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, Bộ Công an đã khởi động chương trình “Tìm di ảnh công dân”.

Trong một năm qua, Cục đã tiếp nhận nhiều yêu cầu, tìm ra gần 100 di ảnh, trong đó có 7 trường hợp là liệt sỹ. Những cuộc “đoàn viên” với người thân đã mất qua ảnh ngoài những giọt nước mắt nhớ thương còn lấp lánh những nụ cười viên mãn.

Ông Tạ Quang Ngân, bố liệt sỹ Tạ Văn Vân năm nay ngoài 80 tuổi. Khi con trai hy sinh, ông buồn khổ vô cùng. Giấu nước mắt vào trong, ông đành để niềm tiếc thương ở đáy lòng. Trước Tết Quý Tỵ, thi hài con trai được đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ quê nhà – xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội khiến ông thấy ấm lòng. May mắn hơn nữa, ông còn nhận được tin, Công an tỉnh An Giang đã tìm thấy di ảnh con trai mình trong tàng thư. Người con trai ra trận ở tuổi đôi mươi chưa kịp lấy cho mình một người vợ, chưa kịp sinh cho ông đứa cháu nội đã đi mãi không về. Hình ảnh con trai chỉ còn trong ký ức của ông, của bà và những người anh em, bạn bè. Những đứa cháu, đứa chắt của ông chỉ biết tên chứ đâu có biết mặt liệt sỹ Vân. Thế nên, khi được Công an tỉnh An Giang, rồi Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát thông báo đã tìm thấy di ảnh liệt sỹ Tạ Văn Vân, ông mừng rơi nước mắt.

Cơ duyên để ông Ngân “gặp lại” người con trai yêu quý của mình bắt đầu từ việc, anh Nguyễn Danh Hảo, Chủ tịch UBND xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội – một người cùng quê, một người bạn và cũng là đồng đội của liệt sỹ Vân biết đến chương trình “Tìm di ảnh công dân” mà Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát thực hiện thông báo trên chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Anh Hảo làm công văn, gửi Công an tỉnh An Giang. Một thời gian sau, anh nhận được phúc đáp của Đại tá Nguyễn Đức Ngân, Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh An Giang, cho biết đã tìm thấy di ảnh liệt sỹ Tạ Văn Vân trong tàng thư của Công an tỉnh An Giang. Nhận được tin này, anh Hảo mừng lắm và đến báo tin cho gia đình liệt sỹ Vân.

Anh Hảo không chỉ là bạn đồng ngũ, cùng quê với liệt sỹ Vân mà còn cùng liệt sỹ lúc sinh thời chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Chính anh là người khâm liệm, chôn cất liệt sỹ Vân. “Khi đó, tôi làm y tá nên trực tiếp khâm liệm và cùng anh em đồng đội chôn cất anh ấy. Tôi cũng là người mang kỷ vật là chiếc quần mà trước đó anh Vân gửi tôi mua, cùng chiếc đồng hồ đeo tay về trao lại gia đình liệt sỹ”, anh Hảo cho biết.

Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát trao di ảnh liệt sỹ Tạ Văn Vân cho gia đình.

Có một điều trùng hợp khá ngẫu nhiên trong việc đi tìm di ảnh liệt sỹ Tạ Văn Vân là người chiến sỹ Công an lăn tay làm chứng minh thư nhân dân cho anh cách đây hơn 30 năm cũng chính là người tra cứu tàng thư và tìm ra di ảnh. Trong buổi lễ trao di ảnh liệt sỹ Vân ngày 19/3 tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Đại tá Nguyễn Đức Ngân, Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh An Giang nhớ lại, Công an tỉnh An Giang thực hiện việc làm chứng minh thư nhân dân cho đơn vị Công an vũ trang của liệt sỹ Vân. Mặc dù là Đội trưởng Đội Chứng minh nhân dân nhưng do thiếu người nên anh làm luôn việc lăn tay.

“Tôi không thể ngờ rằng, hơn 30 năm sau, tôi “gặp lại” người chiến sỹ mà mình cầm tay lăn làm chứng minh trong hoàn cảnh xúc động như thế này. Anh đã ra đi mãi mãi, chúng tôi – những người làm chứng minh thư nhân dân khi xưa và hôm nay làm công tác hồ sơ nghiệp vụ lại tìm ra di ảnh anh, để đưa hình ảnh của anh về với người thân”, đồng chí Ngân nói. Theo hồ sơ lưu trữ tại Công an tỉnh An Giang, tờ khai, chỉ bản chứng minh thư nhân dân của liệt sỹ Tạ Văn Vân số 350127525.

Ngoài gia đình liệt sỹ Tạ Văn Vân, có 6 gia đình khác nữa nhận được di ảnh thông qua chương trình “Tìm di ảnh công dân” mà Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát thực hiện. Sau khi tìm di ảnh, Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát hoặc Công an các tỉnh, thành làm lễ trao di ảnh rất trọng thể.

Ví dụ như di ảnh liệt sỹ Nguyễn Minh Tiến, quê ở Hải Hậu, Nam Định, Công an tỉnh Nam Định tổ chức trao ngày 25/2/2013; liệt sỹ Trần Duân, Công an TP Đà Nẵng trao di ảnh ngày 29/1/2013; liệt sỹ Đỗ Mạnh Hà, Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát về quê liệt sỹ ở Ninh Bình để trao di ảnh... Sau mấy chục năm hy sinh, thân nhân liệt sỹ được “gặp” lại người thân của mình trong ảnh, được đặt những bức ảnh lên ban thờ khiến nhiều người xúc động. Thông qua việc “Tìm di ảnh công dân”, nhiều di ảnh liệt sỹ được tìm thấy là cách tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của nước nhà của các cán bộ, chiến sỹ Công an làm công tác hồ sơ nghiệp vụ.

Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát cho biết, từ tháng 3/2012, đơn vị mở chương trình “Tìm di ảnh công dân”. Thông qua việc quản lý tàng thư, việc “Tìm di ảnh công dân” đáp ứng nguyện vọng của người dân khi muốn tìm lại di ảnh của người thân. Đặc biệt thông qua công tác này còn tìm di ảnh liệt sỹ. Đây là việc làm có ý nghĩa, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. “Thông qua công tác nghiệp vụ, chúng tôi không chỉ phục vụ công tác phòng chống tội phạm mà còn phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân”, đồng chí Mạ nói.

Được biết, hiện nay Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát đang thực hiện việc số hóa tàng thư. Khi công tác này hoàn thiện, việc tra cứu tàng thư sẽ nhanh chóng hơn nhiều. Qua đây, việc tìm lại hình ảnh của người thân đã mất của nhân dân cũng sẽ nhanh chóng hơn.

Hướng dẫn “Tìm di ảnh công dân”

- Đơn xin tìm di ảnh gửi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” (Đài Truyền hình Việt Nam) hoặc Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát (53c Trần Hưng Đạo, Hà Nội) hoặc Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an các tỉnh, thành (nơi cư trú). Trong đơn có thông tin:

Họ tên, giới tính; ngày tháng năm sinh (hoặc năm sinh); nơi đăng ký thường trú trước khi mất; họ tên cha; họ tên mẹ; tháng năm mất; số chứng minh nhân dân hoặc số thẻ căn cước do chế độ cũ cấp (nếu có); những thông tin khác liên quan đến người đã mất (nếu có). Nếu người đã mất là liệt sỹ cần phôtô giấy báo tử kèm theo.

C.Hồng - X.Mai
.
.
.