Nhường đất cho KCN, hàng trăm hộ dân mất chỗ an cư

Thứ Năm, 28/06/2007, 20:50

Để mở rộng KCN Hòa Khánh, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định giải tỏa đất của hàng trăm hộ dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, với mức đền bù quá thấp, hơn 160 hộ dân ở đây đang trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, họ đi thì cũng dở, ở chằng xong.

Là thôn thuộc xã miền núi, nhưng Vân Dương, xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang, sát nách Khu công nghiệp Hoà Khánh (Liên Chiểu), cách trung tâm TP Đà Nẵng chừng chục cây số.

Hiện, một phần thôn này nằm trong khu vực giải tỏa nhường đất cho dự án mở rộng Khu công nghiệp Hoà Khánh về phía Tây, quy mô 33ha, theo Quyết định số 2171/ QĐ-UB ngày 21/4/2004 của UBND TP Đà Nẵng về việc bổ sung Quyết định 10998/QĐ-UB ngày 31/12/2002 của UBND TP về thu hồi đất, giao đất cho Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Đà Nẵng sử dụng để xây dựng Khu công nghiệp Hoà Khánh mở rộng.

Hiện dự án này do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư và Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng Đà Nẵng thực hiện việc giải tỏa, đền bù.

Tính đến nay, trong số 174 hộ phải giải tỏa đã có hơn 10 hộ nhận tiền đền bù tự chuyển đi nơi khác. Số còn lại đang bám trụ, trong điều kiện đời sống hết sức khó khăn do cơ sở hạ tầng thôn xóm, nhà cửa xuống cấp; ảnh hưởng từ giải tỏa nhiều năm, sản xuất, thu nhập thất thường…

Thật ra, người dân Vân Dương rất thông suốt với chủ trương giải toả để mở rộng Khu công nghiệp Hoà Khánh của TP Đà Nẵng. Sự bám trụ của họ hiện nay là bất đắc dĩ. Bởi họ biết di dời về đâu khi chưa hề được bố trí tái định cư và chưa hài lòng với mức áp giá đền bù 65,6 nghìn đồng/m2 cho đất ở và 21 nghìn đồng/m2 đất nông nghiệp của cơ quan chức năng.

Giở tập hồ sơ đền bù, ông Trần Đình Nhất (ở tổ 2) giãi bày: Trên thu hồi đất ở và đất khuôn viên tổng 702m2, mà chỉ đền bù trên 40 triệu đồng. Trong số 702m2, chỉ có 576m2 đền bù ở mức 65,6 nghìn đồng/m2, số còn lại 126m2 đền với giá 32,8 nghìn đồng/m2.

Nói là miền núi nhưng thôn này kề cận đô thị, đền bù như vậy quá thấp. Rồi đất nông nghiệp nữa. Cả đời người dân vùng này sinh sống nhờ mảnh ruộng. Thế mà 5 sào ruộng chỉ đền bù vỏn vẹn hơn 5 chục triệu đồng. Ngôi nhà xây diện tích hơn 40m2, xà gỗ lợp ngói cũng chỉ đền bù 29,4 triệu đồng.

Tính ra, đền bù toàn bộ đất đai nhà cửa vườn tược chỉ 143 triệu đồng. Thử hỏi, cầm chừng đó tiền đi mua đất nơi khác liệu có làm nổi nhà để ở. Rồi còn làm gì để sinh sống khi mà trong tay không còn mảnh đất cắm dùi.

Ông Nhất một hai kiên quyết: Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án bố trí đất tái định cư đàng hoàng mới nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Chưa có đất tái định cư, nhận tiền xong họ san ủi biết ở vào đâu? Theo ông, nếu bố trí tái định cư cũng chỉ trên địa bàn xã Hoà Liên, bởi còn có cơ hội làm ăn nhờ bám vào đồng ruộng, chứ đưa nông dân xuống phố ở chắc chết đói.

Cùng nỗi niềm trên, ông Nguyễn Gần ở cách nhà ông Nhất chừng dăm chục mét buồn thiu với tập hồ sơ đền bù trên tay, vỏn vẹn tổng giá trị đền bù 120,5 triệu đồng cho cả đất ở, đất khuôn viên, nhà cửa, kiến trúc, cây cối, hoa màu. Không may mắn như hộ ông Nhất, trong tổng số 1.062m2 đất của hộ ông Gần chỉ có 400m2 đền bù với giá 65,6 nghìn đồng/m2, số còn lại chỉ đền bù 32,8 nghìn đồng/m2 và có tới 124m2 không đền bù đồng nào với lý do đất dư. Nói về nhà cửa, ngôi nhà xây xà gỗ chắc chắn, lợp ngói, tổng diện tích 28m2 (không tính hiên), trị giá chỉ 28 triệu đồng.

Chỉ ngôi nhà từng trụ vững trước bão số 6, ông nói: “Bỏ 5 - 7 chục triệu đồng đã làm được ngôi nhà như thế chưa. Cầm 120 triệu đồng liệu có mua nổi miếng đất chứ nói chi làm nhà. Hơn nữa, chưa có đất bố trí tái định cư mà bên dự án hối miết. Không lẽ giao mặt bằng rồi, che lều ở mà cũng biết che vào đâu. Chủ trương giải tỏa bà con thôn này ai cũng thông suốt, song ít ra cũng phải có nơi chuyển đến thì mới tính chuyện bàn giao mặt bằng chứ”.

Hơn 150 hộ còn lại của thôn Vân Dương, xã Hoà Liên đều có nỗi niềm tương tự. Ai cũng trăn trở trước khó khăn mà họ đang và sẽ phải gánh chịu. Điều trăn trở đó, theo chúng tôi là chính đáng. Cơ quan chức năng cần xem xét giải quyết hợp tình hợp lý cho người dân. Về giá cả đền bù, cơ quan chức năng căn cứ theo quy định đã ban hành của thành phố. Song coi thôn Vân Dương là khu vực miền núi để áp giá đền bù như ở vùng núi xa thì quá thiệt cho người dân.

Hơn nữa, việc họ chưa nhận tiền chưa bàn giao mặt bằng do dự án chưa bố trí tái định cư là điều hiển nhiên. Không lẽ toàn bộ số hộ này đều khăn gói đi thuê nhà ở. Mà biết ở thuê vào đâu, khi cuộc đời họ không thể xa mảnh ruộng? Trong lúc đó, dự án tái định cư trên địa bàn đã thu hồi 13ha đất nông nghiệp, không hiểu do vướng mắc gì không triển khai nữa.

Đất đã thu hồi, tiền đã đền bù, người dân vẫn sản xuất đều đều. Còn thôn xóm, hệ thống điện đã xập xệ đến mức nguy hiểm, đường giao thông vừa đủ chiếc xe gắn máy đi không có chỗ tránh, cỏ mọc đầy, người dân vẫn phải bám trụ để tồn tại và kiến nghị đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình.       

TP Đà Nẵng đã triển khai hàng trăm dự án và đã có đến hàng chục nghìn hộ dân thuộc diện di dời đến nơi ở mới với niềm vui được giải quyết thỏa đáng mọi quyền lợi. Riêng dự án mở rộng Khu công nghiệp Hoà Khánh lên phía Tây, 174 hộ ở thôn Vân Dương phải giải tỏa, những vướng mắc nêu trên vẫn chưa được giải quyết.

Theo chúng tôi, cơ quan chức năng cần có giải pháp hợp tình hợp lý không để những hộ dân từng là vùng vành đai thép trong kháng chiến chống Mỹ chịu thiệt thòi khi họ phải giải tỏa nhường đất cho dự án. Trong đó, điều quan trong nhất là phải bố trí tái định cư, lo nơi ăn chốn ở, đất sản xuất cho họ chu đáo trước khi tính chuyện đến việc bàn giao mặt bằng

Hoài Nam
.
.
.