Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự:

Những vướng mắc cần được tháo gỡ

Thứ Sáu, 03/12/2004, 09:21

Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 20/8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2004. Đây là bước tiến mới nhằm tăng cường sức mạnh cho cơ quan điều tra các cấp trên tinh thần cải cách tư pháp. Tuy nhiên, Pháp lệnh vẫn còn có những vướng mắc ở cấp địa phương.

Theo Pháp lệnh, Văn phòng là một đơn vị hoàn toàn mới trong cơ quan CSĐT từ cấp Trung ương đến cấp huyện. Tại Thông tư số 12 ngày 23/9/2004, Bộ Công an đã quy định 9 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng cơ quan CSĐT cấp tỉnh và 6 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị này ở cấp huyện.

Nhiều địa phương, đơn vị phản ánh rằng cần phải hướng dẫn cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của văn phòng cơ quan CSĐT, trong đó có nhiệm vụ trực ban hình sự, tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác tội phạm. Để hoàn thành nhiệm vụ này, theo cách hiểu của nhiều người, ở Văn phòng cần có một bộ phận trực ban 24/24h. Muốn vậy, riêng bộ phận này phải có 8 người. Tuy nhiên, từ trước tới nay ở Công an cấp tỉnh và cấp huyện vẫn có bộ phận tổng trực ban. Nếu không có sự phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ thì sẽ có sự chồng chéo giữa hai đơn vị này.

Nhiệm vụ thứ hai của Văn phòng cơ quan CSĐT cả ở cấp tỉnh và cấp huyện là "quản lý con dấu của cơ quan CSĐT" cấp mình. Mọi người đều hiểu rằng, việc quản lý này nhằm phục vụ cho hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan CSĐT, do vậy, ở Văn phòng cần thiết lập sổ theo dõi để vào sổ mỗi khi đóng dấu. Dù vậy, hai tháng qua, các địa phương đang có cách làm khác nhau. Một số nơi cho rằng cần phải vào sổ theo dõi tất cả mọi trường hợp khi sử dụng con dấu, có nơi lại chỉ vào sổ khi sử dụng con dấu để đóng trên các tài liệu quan trọng như quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt giam... Còn các loại như giấy giới thiệu, giấy triệu tập thì không cần thiết vào sổ ở Văn phòng. Việc này tuy không lớn nhưng nếu không quy định rõ thì sẽ xảy ra những trục trặc không đáng có giữa các bộ phận ở cơ quan CSĐT.

Thứ ba là nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn của Văn phòng Cơ quan CSĐT cấp tỉnh. Cần phải quy định rõ hơn về đối tượng “hướng dẫn”: chỉ "hướng dẫn" cơ quan CSĐT cấp dưới hay "hướng dẫn" cả với hoạt động điều tra của các phòng điều tra ở cùng cấp?

Bên cạnh đó, bộ máy của các phòng điều tra cũng là một vấn đề khúc mắc cần được làm rõ. Thực tế cho thấy, khi triển khai thi hành Pháp lệnh mới, ở tất cả các tỉnh, thành phố đều chuyển một số lượng tương ứng điều tra viên ở phòng CSĐT trước đây vào các phòng nghiệp vụ rồi tổ chức lại thành một phòng điều tra mới.

Tuy nhiên, do trước đây chưa có hướng dẫn nên ở các địa phương không có sự thống nhất về số lượng các đội, tên gọi các đội, cùng với đó là chức năng, nhiệm vụ của các đội trong các phòng nghiệp vụ. Khi triển khai thi hành Pháp lệnh mới, sự không thống nhất này vẫn đang tồn tại trong các phòng CSĐT hiện nay.

Trước yêu cầu chính quy hóa, đã đến lúc cần có sự quy định thống nhất về số lượng, tên gọi và chức năng nhiệm vụ các đội trong các phòng CSĐT. Xin nói thêm, trong Thông tư số 12 ngày 23/9 của Bộ Công an quy định: Một trong những nhiệm vụ của Văn phòng cơ quan CSĐT là "tổng hợp, theo dõi chung về công tác truy nã", nhưng chưa đề cập kỹ tới nhiệm vụ truy nã của các phòng CSĐT chuyên trách. Điều này cũng đang gây ra cách hiểu khác nhau ở các địa phương: Có nơi cho rằng, ở Văn phòng phải có một bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tổ chức truy bắt các đối tượng truy nã, còn các phòng CSĐT chỉ thực hiện chức năng điều tra. Ngược lại, ở một số địa phương lại cho rằng, phòng điều tra nào ra lệnh truy nã đối tượng thì phòng đó phải tổ chức việc truy bắt, còn Văn phòng chỉ làm nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc công tác này

Duyên Hải
.
.
.