Những ước mơ của cô sinh viên khuyết tật

Thứ Ba, 06/03/2007, 20:49
Khi bố mẹ đưa Giang đến bệnh viện, các bác sỹ đã chẩn đoán Giang bị viêm tủy xương. Giờ đây, cô SV ngoại ngữ dù liệt 2 chân nhưng vẫn học giỏi và mong thành một dịch giả tiếng Nhật để giới thiệu với mọi người về văn hóa Nhật Bản.

Liệt hai chân nhưng dường như đó lại trở thành động lực lớn nhất giúp cho sinh viên Nguyễn Hương Giang (sinh viên năm thứ 2 Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) nỗ lực, phấn đấu đi lên, giành nhiều thành tích cao trong học tập: Liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi, sinh viên xuất sắc và nhiều giải thưởng khác.

Cú sốc tuổi thơ

Vượt đoạn đường dài gập ghềnh cát bụi, tôi tìm được nhà của Nguyễn Hương Giang tại thôn Đình Quán, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Gặp Giang khi cô bé đang say sưa làm việc bên chiếc máy tính. Vóc dáng nhỏ nhắn, thông minh, xinh đẹp là cảm nhận đầu tiên khi tiếp xúc với cô sinh viên khuyết tật Nguyễn Hương Giang.

Câu chuyện được bắt đầu bằng giọng kể nhẹ nhàng, truyền cảm của một cô sinh viên đã từng đoạt giải ba môn văn TP Hà Nội. Tai họa ập đến thật bất ngờ với Nguyễn Hương Giang khi cô bé mới 14 tuổi.

Giang nhớ lại: Một buổi sáng thức dậy, Giang cảm thấy đôi chân tự nhiên khó đi, đứng trên đôi chân không vững. Khi bố mẹ đưa Giang đến bệnh viện, các bác sỹ đã chẩn đoán Giang bị viêm tủy xương và điều trị bằng cách uống, tiêm thuốc.

Nhưng khi tia hy vọng về đôi chân lóe lên thì cũng là lúc Giang cảm thấy mắt phải của mình có dấu hiệu bị mờ dần. Càng điều trị bằng thuốc cho đôi chân, Giang càng cảm thấy mắt tối lại.

Thật trớ trêu, do điều trị bằng thuốc cho đôi chân nên đôi mắt của Giang bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng viêm đáy mắt. Nếu tiếp tục điều trị, mắt của Giang sẽ hoàn toàn bị mù. Chính vì vậy, một lựa chọn thật khó khăn đối với cô gái mới 14 tuổi: giữ lại đôi chân hoặc vĩnh viễn mất đôi mắt. Và thế là, cô bé đã gạt dòng nước mắt, hy sinh đôi chân, quyết tâm giữ lại đôi mắt - cửa sổ tâm hồn.

Nhưng rồi, được sự động viên của gia đình, thầy cô, bạn bè, Hương Giang dần lấy lại thăng bằng trong cuộc sống, rũ bỏ mặc cảm của người khuyết tật. Khát khao học tập đã khiến Giang quyết định đăng ký đi học trở lại sau một năm ở nhà. 

Nỗ lực đi lên

"Khi mới đi học, nhiều người nhìn em với ánh mắt ái ngại bởi họ nghĩ rằng, người khuyết tật đi lại đã khó, còn có thể làm được việc gì". Chính vì vậy, sau khi đăng ký học trở lại, Giang càng nỗ lực đi lên, phấn đấu hết sức để giành thành tích cao trong học tập.

Năm lớp 10, Hương Giang đạt giải ba môn văn toàn thành phố. Tốt nghiệp cấp 3 với tấm bằng loại giỏi, Giang thi đỗ Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, chuyên ngành tiếng Nhật.

Tiếp nối truyền thống chăm chỉ học tập, ngay năm học 2005-2006, Hương Giang đã đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc. Và thêm một vinh dự nữa, ngày 9/1 vừa qua, Hương Giang được nhận danh hiệu Sinh viên khuyết tật vượt khó học giỏi lần thứ IX của Báo Hà Nội mới và Công ty Prudential.

Với vốn ngoại ngữ có sẵn, những tài liệu liên quan đến học tập, Giang đều khai thác thông tin từ Internet. Hiện nay, Giang đang cùng một nhóm bạn tiến hành nghiên cứu công trình khoa học về nghệ thuật gấp giấy Ogirabi của Nhật Bản. Bởi mong ước lớn nhất của Giang sau này là trở thành một dịch giả tiếng Nhật nổi tiếng, có thể giới thiệu với mọi người về văn hóa Nhật Bản vừa huyền bí vừa đậm nét phương Đông

Đình Long
.
.
.