Những triệu chứng lạ của bệnh tay-chân-miệng

Thứ Hai, 11/05/2009, 16:40
Có trường hợp trẻ chỉ biểu hiện sốt, ho khò khè, nhiều khi chẩn đoán lầm là hen phế quản hoặc viêm thanh khí phế quản. Lại có ca trẻ nhập viện với triệu chứng như: ói, tiêu chảy và được điều trị như bị rối loạn tiêu hóa.

Nếu đã từng tiếp xúc với bệnh nhi không may bị bệnh tay-chân-miệng (TCM) biến chứng với các triệu chứng ồ ạt: Viêm não, trụy tuần hoàn, suy hô hấp, phù phổi cấp… bất cứ ai cũng đều dễ rơi vào tình trạng ám ảnh kinh hoàng. Thế nhưng căn bệnh này hiện vẫn đang gia tăng.

Tổng kết trong tháng 4/2009 tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP HCM đã tiếp nhận tới 1.800 lượt bệnh nhi bị mắc bệnh (tăng 22% so với tháng trước).

BS chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Hương - Trưởng khoa Nội tổng hợp BV Nhi Đồng 2 còn cảnh báo tới các bậc phụ huynh cũng như giới đồng nghiệp những thông tin quý báu trong việc nhận biết trẻ mắc bệnh TCM với những triệu chứng lạ hay có thể gọi là không điển hình.

Theo BS Hương, các dấu hiệu: Sốt, ho, tiêu chảy đôi ba lần, nổi hồng ban bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông… là những triệu chứng được coi là "chuẩn" để nhận biết căn bệnh này. Qua đó, việc chẩn đoán, khẳng định dễ dàng và chủ động cùng người nhà bệnh nhi theo dõi để phòng ngừa, điều trị kịp thời. Tránh đưa bệnh nhi rơi vào tình trạng nặng của biến chứng như: Giật mình, hốt hoảng, run chi, chới với, đi loạng choạng… mới đưa tới BV thì điều trị rất khó khăn.

Theo BS Hương, hiện bệnh TCM có nhiều dấu hiệu mà nếu không được chú ý, nhiều BS trẻ mới ra trường, BS tại tuyến cơ sở, hay BS không làm nhi khoa chưa từng gặp bệnh này sẽ dễ chẩn đoán sai, không nhìn ra bệnh, nhất là nếu theo dõi không sát sao dễ bỏ sót không xử trí kịp biến chứng xảy ra.

Với nhiều ca trẻ chỉ sốt, ho vài tiếng, tiêu chảy vài lần, nhưng 2-3 ngày sau đã xuất hiện biến chứng dù khám chẳng thấy vết sang thương ở miệng cũng như ở tay, chân. Thậm chí tìm khắp cơ thể trẻ kỹ lắm cũng chỉ thấy 1 - 2 nốt hồng ban rất mờ nhạt.

Có trường hợp trẻ chỉ biểu hiện sốt, ho khò khè, nhiều khi chẩn đoán lầm là hen phế quản hoặc viêm thanh khí phế quản. Lại có ca trẻ nhập viện với triệu chứng như bệnh rối loạn tiêu hóa như: Ói, tiêu chảy và được điều trị như một rối loạn tiêu hóa.

Có bé đã 9 tuổi, trước đó khỏe mạnh, nhưng sau khi sốt 2-3 ngày lẫn ói vài lần, nhức đầu, mệt,... khi nhập viện đã trong tình trạng trụy tim mạch, điều trị cực kỳ khó khăn. Có ca dù cho điều trị bằng thuốc đắt tiền nhất, trang thiết bị tối đa và điều trị tích cực cấp 1 nhưng BS cũng đành bó tay.

Theo BS Hương, tại các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu nhất là tuyến dưới cần hết sức cảnh giác với những ca TCM có biểu hiện lạ. Cần nhất phải nhận biết được dấu hiệu nặng của bệnh, nhanh chóng gửi bệnh nhi tới các BV có khả năng chữa trị tốt nhất như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2. Nhắc nhở các phụ huynh biết tính chất nguy hiểm của bệnh TCM, tính lây lan của bệnh, đưa con em tới BV kịp thời, nhất là khi thấy đứa trẻ có những bất ổn mà chỉ người nhà mới dễ nhận thấy nhất. Có như vậy bệnh TCM mới không trở thành nỗi ám ảnh của mọi người

H.Nga
.
.
.