Những thước đất sâu nặng nghĩa tình

Thứ Ba, 08/10/2019, 08:32
Giữa lúc giá đất thị trường tăng cao, không ít trường hợp khởi kiện ra tòa chỉ vì tranh nhau tấc đất đánh mất tình làng nghĩa xóm, anh em… thì hai gia đình nông dân ở thôn Tân Lập, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh (Phú Yên) tình nguyện hiến tặng gần 25.000m2 đất để chính quyền địa phương xây dựng trường học và nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn.


Câu chuyện đậm chất nhân văn nêu trên đã khiến cho nhiều người dân phải cảm phục, nên khi tôi đến trung tâm xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh dò hỏi thì từ người lớn đến trẻ em đều biết rõ và tận tình chỉ dẫn đến nhà những tấm gương bình dị mà cao cả. Bình dị đến bất ngờ bởi họ là những người vẫn còn nghèo khó về vật chất nhưng rất giàu nghĩa cử.

Đứng bên tủ bánh mì, bà Lê Thị Út tâm sự chân tình: “Khi còn sống, chồng tôi là ông Nguyễn Xuân Định được hưởng chế độ thương binh, còn tôi là nông dân. Sau khi người chồng qua đời do lâm bệnh nặng, một mình tôi không đủ sức trồng trọt mía, mì, ngô, đậu gì nữa nên phải chuyển nghề bán bánh mì để mưu sinh, chăm nuôi đứa con khuyết tật.

Trường THCS Đức Bình Đông và Trường Mầm non Đức Bình Đông được xây dựng trên khu đất do gia đình bà Lê Thị Út và ông Lê Văn Tài hiến tặng.

Mỗi ngày tôi bán khoảng 80 ổ bánh mì, đôi khi bán không hết thì khẩu phần bữa ăn chiều của mẹ con tôi là những ổ bánh mì còn lại. Khó khăn nhưng tôi không thể nào quên tâm nguyện người chồng hiến tặng đất cho chính quyền địa phương xây dựng công trình văn hóa – xã hội…”.

Vì thế đến khi biết tin Đảng ủy, UBND xã  Đức Bình Đông đang tất bật lo toan tìm kiếm quỹ đất để đầu tư xây dựng Trường THCS Đức Bình Đông trong năm 2015, bà Lê Thị Út đã thực hiện di nguyện người chồng quá cố, hiến tặng 11.000m2 đất sản xuất nông nghiệp của gia đình.

Ba năm sau đó, bà Út hiến tặng thêm 2.000m2 đất trong dự án xây dựng Trường Mầm non Đức Bình Đông. Theo giá thị trường tại thời điểm đó, 13.000m2 đất gia đình bà Út hiến tặng cho địa phương có thể chuyển nhượng với số tiền gần 1 tỷ đồng.

Cùng có gia cảnh khó khăn như bà Lê Thị Út, vợ chồng ông bà Lê Văn Tài – Lê Thị Bảy cư trú trong căn nhà nhỏ đã xuống cấp. Trước kia, nguồn thu từ nông sản góp phần ổn định đời sống nông dân ở miền núi Phú Yên, nhưng 5 năm gần đây sản phẩm sắn mì và cây mía rớt giá thê thảm khiến cho nhiều gia đình lâm cảnh khó khăn, ông bà Tài – Bảy cùng 3 người con lớn đi làm thuê, 3 đứa con nhỏ còn đang đi học. Dẫu vậy, khi cấp ủy, chính quyền địa phương vận động người dân hiến đất xây dựng Trường Mầm non Đức Bình Đông trong năm 2018, ông bà Tài – Bảy đã hiến tặng 9.000m2 đất.

Không dừng lại ở đó, khi UBND xã Đức Bình Đông triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí bê tông hóa giao thông nông thôn là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, ông bà Tài – Bảy nhận thấy con đường kế bên thửa đất gia đình mình đang trồng trọt vẫn còn nhỏ hẹp nên họ hiến tặng thêm 2.000m2 đất để nâng cấp, mở rộng đường làng.

Không riêng thầy giáo Nguyễn Hồng Sử, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Bình Đông mà cô giáo Trần Vũ Thụy Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Đức Bình Đông cùng bày tỏ, giữa lúc chính quyền địa phương và nhà trường còn đang tìm đáp án cho bài toán về quỹ đất thì người dân hiến tặng hàng chục ngàn mét vuông đất để xây dựng hai ngôi trường khang trang, sạch đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Các thế hệ giáo viên và học sinh nhà trường sẽ mãi trân quý nghĩa cử cao đẹp và nhân văn của gia đình bà Út, ông Tài.

Nghe tôi hỏi về những suy tưởng trước và sau khi hiến tặng đất, bà Lê Thị Út chia sẻ: “Gia đình tôi rất cần tiền để giải quyết nhiều nhu cầu cần thiết, nhưng tôi nhận thức trách nhiệm thực hiện tâm nguyện người chồng để góp phần cùng với chính quyền và nhà trường chăm lo phát triển giáo dục cho con em ở địa phương. Nhìn các cháu học sinh đến ngôi trường khang trang, thoáng sạch tôi thật sự hạnh phúc”.

Ông Lê Văn Tài bày tỏ: “Dù phải cắt giảm vài sào đất trồng mì hay nghèo khó một chút, nhưng nhìn các cháu mầm non có ngôi trường mới với sân vườn, khu vui chơi rộng rãi vợ chồng tôi vui lắm. Bán đất lấy tiền sẽ xài hết nhưng hiến tặng đất để xây trường thì giá trị nhân văn còn mãi”.

Rời miền núi Sông Hinh, tôi nhớ mãi tâm sự của ông Lê Văng Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông: “Nghĩa cử cao đẹp của bà Lê Thị Út cùng ông bà Lê Văn Tài – Lê Thị Bảy không chỉ góp phần đổi mới diện mạo kinh tế – xã hội ở địa phương để xã Đức Bình Tây được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018, được Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh tặng giấy khen, mà hành động của họ còn có ý nghĩa sâu sắc về học tập và thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Hữu Toàn
.
.
.