Những tấm gương “quay đầu phục thiện”

Thứ Sáu, 10/10/2014, 15:11
Nhiều lần vào tù, ra tội, cuối cùng Trần Duy Cư (46 tuổi, trú thôn Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) cũng nhận ra lỗi lầm để quay đầu phục thiện, hoàn lương tìm lại cuộc đời tươi sáng đã bị chính mình nông nổi đánh mất...

Theo chân một cán bộ Công an xã Thủy Thanh, chúng tôi tìm đến căn nhà cũng là nơi mà vợ chồng anh Cư xây dựng trang trại và kinh doanh dịch vụ ăn uống. Nghe hỏi lại chuyện cũ, Cư cười buồn kể rằng, sau gần 4 năm nhập ngũ, năm 1993, anh trở về địa phương với tư cách là bộ đội phục viên. Tuy nhiên, với bản tính ham chơi lêu lổng, lại nghiện cờ bạc nên anh đã theo bạn bè “dạt” vào TP Đà Nẵng.

Tháng 7/1995, anh đã đột nhập vào một nhà giàu tại Huế, bẻ khóa két sắt, trộm hàng chục cây vàng của gia chủ... Sau khi gây ra vụ trộm này, Cư bị lực lượng CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế khởi tố và bắt giam. Qua đó, Cư cũng khai nhận thực hiện trót lọt nhiều vụ trộm. Sau một tháng tạm giam, Cư đục bờ tường trốn trại, nhưng lại bị bắt giữ. Với 2 tội danh “trộm cắp tài sản” và “trốn khỏi nơi giam giữ”, Cư bị TAND tỉnh Thừa Thiên- Huế tuyên phạt 10 năm 2 tháng tù giam. Cư bồi hồi nhớ lại: “Sau những năm tháng cải tạo tại Trại giam Bình Điền, tui mới suy nghĩ về những việc làm đã gây ra nên rất hối hận và quyết tâm làm lại từ đầu. Được sự giúp đỡ của các cán bộ trại giam, mình đã nỗ lực lao động và cải tạo nên đầu năm 2004, tôi được đặc xá trở về địa phương”.

Nhờ sự giúp đỡ của lực lượng Công an xã Thủy Thanh, anh Trần Duy Cư trở thành tấm gương điển hình về tái hòa nhập cộng đồng.

Đồng chí Ngô Quang Rin, Trưởng Công an xã Thủy Thanh, cho biết thêm: “Với mô hình “Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương” nên sau khi anh Cư ra tù, Công an xã đã tham mưu với UBND thị xã Hương Thủy cho anh vay vốn 50 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế...”. Nhìn cơ ngơi của mình, anh Cư bày tỏ trong niềm hạnh phúc: “Cuộc đời ai cũng có lỗi lầm, nhưng cái quý là biết vượt qua lỗi lầm ấy để làm lại từ đầu. Ngoài việc kinh doanh, vợ chồng tui còn có trang trại mô hình VAC với nhiều hồ sinh thái nuôi các loại cá như cá chim, cá trê, cá trắm để phục vụ kinh doanh với doanh thu mỗi năm trên 200 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương!”...

Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn xã Thủy Thanh còn có 25 trường hợp khác chấp hành xong án phạt tù được địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ việc làm, giúp phát triển kinh tế. Điển hình là trường hợp của anh Nguyễn Viết Chiêm (33 tuổi) và Trần Duy Thịnh (31 tuổi, đều trú thôn Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh) bị tù giam về tội giết người. Được đặc xá ra tù trước thời hạn, Chiêm và Thịnh trở về địa phương và được các cấp quan tâm, cho vay vốn 20 triệu đồng/người để đầu tư làm trang trại và hiện mỗi năm có thu nhập trên 100 triệu đồng...

Nói về hiệu quả trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Đại tá Lê Quốc Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định: Từ cuối năm 2012 đến giữa năm 2014, toàn tỉnh có 710 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Trong đó, phần lớn những người này đã được lực lượng Công an giúp đỡ đăng ký cư trú, cấp giấy CMND, xóa án tích và hỗ trợ tìm kiếm việc làm... Đặc biệt hơn, nhờ mô hình “Cảm hóa người lầm lỗi”; “Giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng”, nhiều tấm gương về làm kinh tế giỏi sau khi thi hành xong án tù đã được Công an tỉnh cùng các cấp phát hiện để động viên, biểu dương và khen thưởng kịp thời

Lê Anh
.
.
.