Những nhà báo Công an đến với Trường Sa

Thứ Ba, 21/06/2011, 12:20
Bịn rịn ở cầu cảng, người từ đất liền muốn nán lại, muốn thêm khoảng thời gian với đảo xa. Nhưng khác với trước, lần trở lại Trường Sa này không có phong thư nào viết vội, không có những câu chú thích đầy chất lính “thư có ảnh, xin đừng gấp, lính đảo xa quê”. Người về, người ở hẹn tái ngộ bằng số điện thoại…

Bàng vuông - món quà riêng có của Trường Sa.

Tháng 4/2002, khi mới vào nghề báo được hơn 1 năm, tôi có chuyến ra Trường Sa cùng đoàn công tác của Bộ Quốc phòng. Hành trang lúc ấy thật lỉnh kỉnh: mua nhiều cuộn phim Kodak, gói ghém cẩn thận cùng máy ảnh, đặc biệt là các ấn phẩm của báo, rồi thư, tem thư… Thời đó, các đảo không có điện, không có sóng điện thoại, không tivi, không internet, thư trở thành món quà tinh thần vô giá. Thư gia đình, thư bè bạn, thư người yêu, thư của những cô gái chưa quen. Lính đảo tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi, chưa lập gia đình, giữa nghìn trùng sóng vỗ, đặng nỗi nhớ nhà, ngóng thư quê mẹ da diết.

 Đằng sau bức thư thường có những câu rất lính: “Thư có ảnh, xin đừng gấp, lính đảo Trường Sa xa quê”. Một năm vài chuyến tàu cập đảo mang theo những lá thư của các cán bộ, chiến sĩ về đất liền song để đến tay người nhận, hành trình kéo dài hàng tháng. Bởi vậy, một lá thư viết đầu năm thì có thể cuối năm, hay thậm chí sang năm sau mới nhận được hồi âm. Chưa kể, thư thất lạc vì sai địa chỉ, vì quá trình giao, chuyển phức tạp cũng xảy ra thường xuyên. Nhiều người lính vì vậy bặt tin nhà mấy năm liền.

Nhưng điều đó cũng khiến tôi có kỷ niệm sâu sắc. Trong lần đến đảo Sơn Ca năm ấy, tôi gặp bác sĩ Nguyễn Văn Thắng. Bác sĩ Thắng quê Bắc Giang, 2001 thì ra đảo làm nhiệm vụ. Quãng thời gian này, anh lập nhiều thành tích rất ấn tượng, trong đó có ca ngư dân bị đau ruột thừa rất nguy kịch, được anh cùng đồng đội tận tình cứu giúp. Những hình ảnh và việc làm của bác sĩ Thắng sau đó được tôi đăng lên Báo CAND trong loạt phóng sự “Trường Sa - tình gần nơi đảo xa”. Một ngày sau khi báo phát hành, tôi nhận được điện thoại của người phụ nữ, nói là em gái anh Thắng. Qua điện thoại, chị cho biết, bố anh Thắng lâm bệnh nặng, đang điều trị tại Bệnh viện 108, rất mong được gặp tác giả bài báo.

Tại bệnh viện, qua trò chuyện, ông bảo anh Thắng ra đảo đã lâu nhưng gia đình không có tin tức về anh. Bố anh bị bệnh, người gầy yếu và điều ông mong mỏi nhất là tin về con trai. Thật bất ngờ, những ngày nằm viện lại được tin về con trên báo, biết con làm việc nghĩa cứu ngư dân giữa trùng khơi, ông như được tiếp thêm sức mạnh, ăn uống khá hơn nhiều. Ông nói dẫu mình lâm bệnh, nhưng nghĩ về việc con trai đã làm, “có nhắm mắt cũng yên lòng”. Không ngờ, đó là những ngày cuối cùng của ông bởi căn bệnh quái ác ung thư đã sang giai đoạn cuối và những dòng tin và bức ảnh về anh Thắng trên báo cũng là những thông tin cuối cùng của con trai mà ông được đón nhận trước khi nhắm mắt về bên kia thế giới.

Tác giả với chiến sĩ Trường Sa.

Loạt phóng sự sau đó được Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo) trao giải nhất cuộc thi báo chí viết về biển đảo. Ngoài việc gợi ý và chỉ đạo loạt bài 5 kỳ thì tên tác phẩm là do nhà báo Bùi Quang Hào, Phó trưởng Ban Thời sự đặt. Cho đến nay, tôi để ý rất nhiều bài báo viết về Trường Sa nhưng có lẽ, cái tên bài “Trường Sa - tình gần nơi đảo xa” thực sự ý nghĩa, ngắn gọn mà sát ý.

Biết hoàn cảnh và tình cảm xúc động của gia đình anh Thắng, nhà báo Bùi Quang Hào chỉ đạo tôi sang gặp gỡ, động viên gia đình, kể thêm những việc làm của anh Thắng ở đảo xa. Thời gian thấm thoắt, thế mà mấy hạ nữa qua rồi, thân sinh bác sĩ Thắng về bên kia thế giới từ dạo ấy và nhà báo Bùi Quang Hào cũng không còn nữa, anh không thể vượt qua bi kịch “lá xanh rụng xuống” như một định mệnh nghiệt ngã. 

Trở lại Trường Sa lần này trong chuyến công tác nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Tổng cục XDLL CAND, nhiều cảm xúc đan xen. Khi Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng Biên tập điền tên tôi vào danh sách nhà báo cùng đoàn công tác ra thăm đảo, tôi không nói về chuyến đi trước. Tôi muốn sự trở lại của chính mình tại những nơi từng đến 9 năm về trước bởi được trở lại vùng biển đảo thiêng liêng như thế, đó còn là duyên kỳ ngộ, là hạnh phúc riêng có của người làm báo vốn cần sự phát hiện và khám phá.

Sự thật là, hiếm có mảnh đất nào trở thành đề tài phong phú như Trường Sa. Chừng đấy tấc đất, chừng đấy chặng hải trình, yếu tố công việc của những người ở đảo là kiên định, vậy mà bao nhiêu người ra đảo là bấy nhiêu sự khâm phục, bấy nhiêu tình cảm, bấy nhiêu sự truyền đạt. Báo chí viết về Trường Sa nhiều lắm nhưng không hề thấy sự trùng lặp. Mỗi phóng viên, mỗi tác phẩm báo chí viết ra từ hơi thở cuộc sống, từ ý nghĩa thiêng liêng, từ tình cảm rất lính và rất Trường Sa.

Những ngày ở tàu, ở biển, ở đảo, thêm một lần chứng minh triết lý: nơi gian khó là nơi rèn luyện tốt nhất và nơi gian khó cũng là nơi lắng đọng tình người, tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng nhất. Hôm chia tay chuyến công tác, nguyên Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, Thiếu tướng Trần Quang Trọng rất tâm tư ý nghĩa này.

Ngay với đoàn công tác, dẫu điều kiện ăn ở trên tàu còn chật chội, dẫu là cán bộ hàm cấp tướng, cấp đại tá nhưng cảnh giường tầng, chiếu cói, cảnh mưa gió, sóng biển khắc nghiệt không làm ai nản lòng; trái lại, điều kiện ấy càng thôi thúc sự quyết tâm. Đêm ở đảo là thời khắc đầy ý nghĩa. Hôm ở đảo Sinh Tồn Đông, văn công vừa bật nhạc được ít phút thì trời đổ mưa to. Mưa ở đảo thường đến nhanh và sầm sập. Nhưng mưa chỉ làm dịu mát cái rát bỏng đầu hè chứ không cản được lời ca, tiếng hát quyện giao đất liền – hải đảo.

Đại tá Dương Tự Trọng, Phó Giám đốc Công an Hải Phòng, người nổi tiếng “cầm trịch” những vụ án hình sự đất Cảng. Anh cũng lần thứ hai trở lại đảo, chất hình sự cứng rắn lúc này nhường lại chất thi nhân, xúc cảm:

Lính đảo gan lì, gặp con gái dát ghê
Đỏ rựng mặt, tay vụng về lóng ngóng
Vẻ đẹp nguyên sơ, lặng ở nơi đầu sóng
Giữa gian truân đơm hạnh phúc trắng ngần

Giờ đây, hai dấu ấn nổi bật nhất để Trường Sa hòa cùng nhịp sống đổi mới ở đất liền: dự án xây dựng hệ thống năng lượng điện mặt trời, điện gió và dự án phát triển thông tin liên lạc. Có điện, có thông tin liên lạc thông suốt, nhịp cầu giữa Trường Sa với đất liền xích lại gần hơn. Lần này ra đảo, những đoàn văn công đi cùng các chuyến tàu phục vụ biểu diễn ở Trường Sa không còn cảnh chờ điện máy nổ, được điện loa đài thì cắt giảm điện chiếu sáng như xưa. Mỗi người đều có điện thoại di động, đều có thể truy cập internet, tìm kiếm thông tin, đọc báo trong giờ nghỉ, giờ giải lao. Dẫu vậy, báo in vẫn luôn được các cán bộ, chiến sĩ ở đảo quý trọng. Những tờ báo mang từ đất liền ra được gìn giữ cẩn thận, chuyển qua các tiểu đội đọc rồi để ngăn nắp ở thư viện.

Hôm ở đảo Đá Lớn, khi Thiếu tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND hỏi Đảo trưởng rằng cán bộ, chiến sĩ ở đảo mong muốn được tặng quà gì. Tức thì, Đảo trưởng cùng nhiều chiến sĩ bày tỏ, cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn muốn có nhiều Báo Công an nhân dân, An ninh thế giới để đọc trong giờ nghỉ…

Chiến sỹ đảo Sơn Ca (quần đảo Trường Sa) với Báo CAND.

9 năm - khoảng thời gian không ngắn. Giờ trở lại Trường Sa, tôi không thấy những chàng trai trẻ mải miết viết thư. Không thấy họ vội vàng những lời có cánh gửi người em xóm nhỏ, hay người em nào đó từ nơi xa lắc. Không thấy bì thư ghi dòng chân thật “Thư có hình, xin đừng gấp”. Không thấy ánh mắt rưng rưng gắng tìm thông tin từ miền quê nghèo lam lũ, mẹ già sớm khuya địu nắng, địu gió… Chiếc điện thoại với cột sóng lúc nào cũng 5 vạch, tôi hiểu những khoảnh khắc năm xưa đã là ký ức. Có gì đó khiến người trở lại đặng chút bồn chồn. Điều căn bản, cuộc sống mới, thời gian mới nhưng tình người, tình đất, tình biển mãi vẹn nguyên, sâu bền…

Đăng Trường
.
.
.