Những người rời phố lên rừng

Thứ Ba, 04/06/2013, 10:57
Tìm đường về nơi phồn hoa, phố thị là chuyện thường tình nhưng có những người lại tự nguyện đưa vợ con lên sống ở chốn đồi nương với bao vất vả, khó khăn. Họ chấp nhận thiệt thòi bản thân để dành thời gian, tâm huyết trọn vẹn cống hiến cho công việc, đem lại hy vọng cho những mảnh đời hoàn lương. Tôi muốn nói về những cặp vợ chồng là cán bộ chiến sĩ Trại giam Phú Sơn 4, họ tự nguyện sống mãi nơi đây, cùng với việc cải tạo các phạm nhân, chính họ cũng góp phần làm xanh thêm mảnh đất nơi này.

1. Ngôi nhà của gia đình Thiếu tá Bùi Văn Thưởng nằm trên triền đồi ven con đường chạy xuyên qua khu vực Phân trại 4, Trại giam Phú Sơn 4 (tỉnh Thái Nguyên). Thiếu tá Thưởng phân công phạm nhân lao động dưới thung, ở nhà chỉ có chị Đỗ Thị Chiên, vợ anh đang tất tả với việc nhà và mảnh vườn rộng.

Trong căn nhà cấp bốn rộng rãi, tường treo kín giấy khen của chồng con, chị kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng nơi đây. Hai vợ chồng lấy nhau năm 2001, khi chị đang sống và làm việc ở thị xã Tuyên Quang. Làm quản giáo, phần lớn thời gian phải ở đơn vị, ít có điều kiện chăm sóc gia đình nên anh băn khoăn lắm.

Khi đó Trại giam Phú Sơn 4 bắt đầu có chủ trương tạo điều kiện cho CBCS yên tâm gia đình bằng chính sách cấp đất, trợ cấp làm nhà trên đất thuộc khu vực trại quản lý, giúp đỡ về công việc cho thân nhân nên anh thuyết phục chị cùng lên đoàn tụ. Ban đầu, chị cũng trăn trở lắm vì người ta xin ở phố chẳng được, mình lại bỏ phố lên rừng nhưng rồi vì thương anh, chị cũng chấp nhận.

Ngày ấy, nơi đây toàn là đồi trọc và cỏ hoang. Chị sốc và hoang mang, nhiều lần khóc trong đêm mưa giữa căn nhà tạm tuềnh toàng được dựng lên từ cây rừng và lá cọ. Hai vợ chồng nắm tay, động viên nhau vượt qua khó khăn. Năm 2005, đứa con gái nhỏ ra đời như thêm nguồn động viên và sức mạnh cho anh chị để gây dựng tất cả từ đầu.

Vợ chồng Thiếu tá Bùi Văn Thưởng.

Nghe tin có khách, anh Thưởng về nhà. Bộ sắc phục đẫm mồ hôi, làn da đen rám nắng như một nông dân thực thụ. Anh bảo trước đây nhiều lúc anh rất buồn nhưng từ khi gia đình đoàn tụ anh vô cùng yên tâm công tác. Đội 13 của anh được lãnh đạo Phân trại giao cho tự quản 27 phạm nhân có quá trình cải tạo tốt.

Ngoài sản lượng rau xanh dồi dào cung cấp cho Phân trại, đội của anh còn tăng gia, sản xuất được nhiều sản vật khác, đời sống của các phạm nhân cũng được nâng cao. Vùng đất 3ha hoang hóa thuở nào giờ đã được phủ xanh kín các loại cây trồng. Cuộc sống của gia đình anh đã đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Cô con gái nhỏ nhiều năm liền là học sinh giỏi.

Điều lạ là ở nơi hẻo lánh nhưng cả nhà đều rất cập nhật công nghệ. Năm 2012 cả nhà đã đoạt giải cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ qua Internet và bé Nhật Linh đoạt giải nhì toàn tỉnh Thái Nguyên trong cuộc thi tiếng Anh qua mạng Internet.

2. Chị Trương Thị Lan Anh, vợ Trung úy Nguyễn Quốc Tuấn, quản giáo Đội 65 Phân trại 1 theo chồng lên sống trong khuôn viên Trại giam Phú Sơn 4 từ năm 2006 khi đang là giáo viên ở huyện Phổ Yên. Họ hàng bên ngoại ai cũng phản đối, bảo rằng “phố huyện không sống lại chui lên rừng sống với phạm nhân” nhưng chị nhất quyết theo chồng. Gian khổ, vất vả hai vợ chồng cắn răng vượt qua tất cả. Hai đứa con lần lượt ra đời, trách nhiệm trên vai anh chị càng nặng thêm.

Được giao quản lý 6 phạm nhân, Trung úy Tuấn vừa giáo dục vừa nghĩ cách giúp họ lao động hiệu quả, học được nghề để có thể hòa nhập cộng đồng sau khi mãn hạn tù. Vợ chồng anh và các phạm nhân đã dần cải tạo hơn 2ha đất khô cằn thành ao cá, vườn rau, nương chè…

Bàn tay búp măng cầm phấn của cô giáo giờ đã chai sần qua bao vất vả nhưng ánh mắt chị luôn ánh lên những tia sáng lạc quan. Cuộc sống của gia đình anh chị giờ đã đỡ vất vả hơn trước nhiều. Căn nhà nhỏ có nhiều tiện nghi hiện đại với tiếng trẻ con vui đùa rộn rã. 6 năm qua, đội sản xuất tự quản của Trung úy Tuấn không có phạm nhân bỏ trốn hay vi phạm kỷ luật, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu trên giao, được Ban giám thị Trại khen thưởng. Bên chồng, chị Lan Anh mỉm cười: “Em không bao giờ ân hận đã bỏ phố lên sống cùng chồng. Đất nghèo nhưng có cái tình của nó, tình vợ chồng con cái, tình đồng đội và cả tình người giữa quản giáo và phạm nhân nữa…”.

3. Không thể đi tiếp ôtô, chúng tôi phải dùng xe máy vượt qua quãng đường gập ghềnh qua mấy quả đồi mới tới được khu nhà ở của Trung tá Nguyễn Văn Vinh, quản giáo Đội 45, Phân trại 1, người đã gắn bó với Trại từ năm 1990. Nhiều năm vợ chồng xa cách, đến năm 1996, chị Nguyễn Thị Ưng, vợ anh bỏ nghề may, dắt theo hai con nhỏ từ Bắc Ninh lên sống với chồng ở nơi thâm sơn. Được lãnh đạo Trại tạo điều kiện tối đa nhưng cuộc sống lúc đó vẫn vô cùng cực nhọc. Hai vợ chồng xoay vần làm lụng tối ngày trên những mảnh đồi trọc khô cằn nhưng cũng chưa đủ ăn, đến cái tivi cũ cũng phải mua chịu.

Công việc hàng ngày của chị Nguyễn Thị Ưng, vợ Trung tá Nguyễn Văn Vinh.

Sau khi được giao quản lý 10 phạm nhân tự giác, Trung tá Vinh vừa quản lý vừa hướng dẫn các phạm nhân cải tạo, lao động. Không phải cái gì cũng biết, nhiều việc anh và vợ lại phải tự mày mò qua sách vở, đài báo, học các đội bạn, thậm chí lặn lội tới những địa phương khác để học hỏi kinh nghiệm về áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh của đội và chất đất ở đây.

Tự xắn tay cùng lao động với phạm nhân, giờ anh có thể nói vanh vách cách trồng chè, quy trình trồng rau sạch, giá đạm, giá thức ăn gia súc, thậm chí thạo cách… thụ tinh nhân tạo lợn. Phạm nhân vừa quý vừa phục anh nên ai cũng cố gắng lao động tốt. Dù khu lao động chỉ cách khu dân cư lân cận một quả đồi nhưng suốt bao năm không có một phạm nhân nào do anh quản lý bỏ trốn hoặc vi phạm kỷ luật.

Giờ đây, đã ở tuổi ngoài năm mươi nhưng người quản giáo trông như ông nông dân chân chất vẫn ngày ngày cùng vợ cần mẫn lao động và hướng dẫn phạm nhân lao động, sản xuất, làm ra những sản phẩm có ích cho đời. Niềm vui của anh chị càng lớn hơn khi người con trai cả đã tốt nghiệp Trung cấp Cảnh sát trại giam và được phân về công tác tại Phân trại 2, còn người con út cũng đã được tuyển vào phục vụ có thời hạn trong CAND, hướng tới sau này theo nghiệp bố. Anh tâm sự: “Nghề quản giáo vất vả và phải chấp nhận nhiều hy sinh nhưng tôi thấy tự hào, cảm thấy mình cũng được đền đáp không ít”.

Câu chuyện về những đôi vợ chồng ở Trại giam Phú Sơn 4 khiến chúng tôi rất xúc động. Và chúng tôi hiểu rằng, Trại giam Phú Sơn 4 không đơn thuần là nơi giam giữ phạm nhân mà đã trở thành mái nhà chung của nhiều gia đình cán bộ trại giam, những người chấp nhận rời phố lên lập nghiệp, biến mảnh đất khô cằn thành mảnh đất của hy vọng và tình người. Nơi đây, biết bao phạm nhân cũng đang cải tạo, phấn đấu để làm lại cuộc đời, hy vọng vào một ngày không xa được trở về với cộng đồng...

Phạm Vũ
.
.
.