Những người phụ nữ bán hàng ở Sa Pa

Chủ Nhật, 12/07/2009, 12:30

Không giống như ở bất kỳ một điểm thăm quan du lịch nào, hình ảnh đọng lại rất lâu trong tôi khi ghé thăm Sa Pa, Lào Cai chính là những người phụ nữ dân tộc bán hàng lưu niệm cho du khách.

Đôi tay của không ít người phụ nữ thâm đen, chai cứng vì nhuộm vải. Trên lưng của nhiều người phụ nữ còn mang theo đứa con thơ đang ngủ quên rong ruổi đi bán hàng… Cần mẫn mời chào với tất cả các du khách mua những món quà lưu niệm bằng thổ cẩm từ vòng tay, khăn, mũ, áo… cả ngày lẫn khi màn đêm đã buông xuống. Tất cả cũng chỉ vì một nỗi mưu sinh.

Những phụ nữ cần mẫn bám theo du khách mời mua hàng tại Sa Pa.

Thị trấn Sa Pa hiện lên trong mây trong sương mờ ảo kèm cái se lạnh. Nhưng, cảm giác se lạnh đó lại có một dư vị đặc biệt bởi sự góp mặt của những gương mặt hây hây má đỏ khoác trên mình những bộ quần áo thổ cẩm sặc sỡ như đôi cánh của những chú bướm. Họ chính là những người phụ nữ bán những món quà lưu niệm được làm bằng thổ cẩm. Họ có mặt ở bất kỳ nơi đâu khi du khách xuất hiện, nhẫn nại bám theo du khách mời mua hàng.

Hầu hết số hàng mỹ nghệ bằng thổ cẩm trên đều được dệt thủ công tại bản người Dao Đỏ nằm ở Tả Van. Đây là thung lũng heo hút và mù sương thuộc thị trấn Sa Pa mà du khách chỉ có thể đi bộ hay đi xe ôm hàng giờ đồng hồ leo đồi vượt núi mới đến được.

Xã Tả Phìn cách trung tâm huyện Sa Pa chưa đầy nửa giờ đi ôtô - một địa danh được nhiều du khách nước ngoài lựa chọn để tìm hiểu về văn hoá của đồng bào dân tộc Dao. Ngay tại đầu xã - nơi đỗ xe của du khách đã có đến gần hai chục người phụ nữ đang túm tụm chờ khách mời mua hàng.

Họ đủ mọi lứa tuổi. Hành trang họ mang theo đơn giản chỉ là những chiếc gùi đựng trong đó nào khăn, nào mũ, nào túi… Họ có thể nói được thứ tiếng Anh "bồi" đủ chiều lòng du khách khi muốn biết về con người và phong cảnh Sa Pa miễn sao bán được nhiều hàng.

Trong khi rất nhiều phụ nữ chủ động chạy ra đón và bám theo du khách khi khách vừa bước xuống xe thì nhiều người phụ nữ vẫn thản nhiên ngồi trên những chiếc ghế bệt, đôi bàn tay thoăn thoắt thêu. Họ không nói chuyện mà tập trung vào công việc một cách chăm chú.

Trong rất nhiều người phụ nữ, chúng tôi bị hút sự chú ý bởi đôi bàn tay của cụ Tẩn Tù Mổng, 74 tuổi ở đội 1, xã Sả Sẻng, huyện Sa Pa đã chai cứng, thâm đen vì phải nhuộm vải.  Mặc dù đã 4 con gái và 2 con trai, cháu cũng đã đủ nếp đủ tẻ nhưng hàng ngày, cụ vẫn đi bộ hai giờ đồng hồ về đây bán hàng từ bốn năm nay. Có ngày cụ kiếm được vài ba chục ngàn, nhưng cũng có những ngày không ai mua hàng của cụ.

Khi nói chuyện với tôi, đôi bàn tay cụ vẫn không ngừng tước sợi đay. Điều mà ít ai có thể ngờ được rằng, một bộ quần áo của đồng bào người Dao cũng phải được các bà, các chị kỳ công dệt trong vòng 1 năm. Bởi, ngoài việc dệt vải, việc thêu các họa tiết, hoa văn trên áo cũng chiếm thời gian khá lớn.

Phần nhiều, người tìm mua những bộ quần áo như vậy đều là những du khách nước ngoài bởi giá mỗi bộ quần áo người Dao cũng lên đến hàng triệu đồng. Tôi chỉ mua một chiếc vòng tay nhỏ về làm kỷ niệm cho bạn bè và biếu cụ Tẩn Tù Mổng số tiền nho nhỏ. Đôi mắt biết cười của cụ Mổng ánh lên niềm vui: "Cả ngày hôm nay già chưa bán được cái gì. Cảm ơn con nhiều lắm! Con đeo chiếc vòng này, cầu chúc may mắn đến cho con!"

Trong số rất đông những chị em phụ nữ bán hàng theo khách du lịch có cả những em nhỏ đã theo mẹ đi bán hàng từ lúc mới được 3 tháng tuổi. Mẹ địu con ngủ trên lưng. Ngay từ lúc sinh ra đến khi có thể lon ton chạy, các em nhỏ người dân tộc đã quen với cách ngủ cheo leo trên lưng mẹ vậy rồi.

Và dường như, nó cũng giống như cuộc sống của họ, cheo leo bám trụ vào những vách đá, vách núi từ bao đời nay một cách kiên cường. Trên đôi vai của chị Tẩn Lả Mẩy, em bé Lùng La Tả mới được 8 tháng tuổi đang ngủ ngon lành. Chị Mẩy cười tươi tắn và kể chuyện cho chúng tôi nghe. Vụ mùa trồng lúa trồng ngô qua từ tháng 3, tháng 4, mấy tháng này Mẩy cùng các chị em trong xã tranh thủ đi bán hàng kiếm thêm tiền.

Suốt cả một năm, cả những lúc đi nương, làm rẫy, đôi tay của Mẩy cũng không ngừng nghỉ lúc nào. Lúc xé sợi, lúc nhuộm sợi rồi dệt vải và cuối cùng là thêu những họa tiết hoa văn thật sặc sỡ đủ màu sắc để bán cho du khách. Tẩn Lả Mẩy thật thà: "Chồng đi lái xe ôm ngoài thị trấn rồi!". Bà mẹ năm nay mới 23 tuổi này có một niềm tin, niềm tin lạc quan như thế này: Thằng bé Lùng La Tả lớn lên sẽ có được đủ tiền để đi học bằng bạn bằng bè dưới xuôi… nhờ vào khoản tiền mà bố mẹ nó đang vất vả hàng ngày kiếm được.

Buổi tối ở Sa Pa thật lạnh. Cái lạnh tê buốt khiến du khách phải nhanh chóng tìm vội một quán cà phê hay một quán nướng ven vỉa hè để được hơ đôi tay của mình trên những bếp than. Thế nhưng, rất nhiều em gái vẫn bám theo các du khách hay ngồi bên lề đường bán bằng được những thứ hàng hoá bé tẹo teo là chiếc vòng tay thổ cẩm hay chiếc túi đựng điện thoại di động giá chỉ 10.000đồng. Khi được hỏi, đã 22h rồi mà các em sao vẫn chưa thu dọn hàng về nghỉ, một em nhỏ ngây thơ: "Mười một giờ em mới được về nghỉ. Thu dọn hàng rồi đi bộ về nhà. Nhà em cách đây chỉ 2 giờ đi bộ thôi. Sáng mai em lại xuống đây từ 5h rồi".

Cô bé Giàng Thị Mao, cũng chỉ mới 8 tuổi, vừa học hết lớp 3 tại Trường Thông Bản Pho, xã Hào Thào, huyện Sa Pa trong những ngày nghỉ hè cũng tranh thủ theo các chị về thị trấn bán hàng. "Cháu đi bán hàng, bố mẹ cháu đi nương. Tất cả hàng đều do mẹ cháu dệt. Cháu bán hàng để lấy tiền mua sách vở năm học mới cô ạ!", Mao nhí nhảnh thoắt biến mất cùng các du khách. Trong đêm tối lạnh buốt, hình ảnh những em bé người dân tộc mong manh, mái tóc lẫn vào gió sương chạy theo du khách khiến chúng tôi se sắt lòng. Cũng vì một nỗi mưu sinh vất vả…

Có lẽ, du khách trong và ngoài nước đang đổ về Sa Pa ngày càng nhiều bởi sự độc đáo trong nét văn hoá của người dân tộc nơi đây. Thế nhưng, lượng khách mua những món hàng thổ cẩm làm quà lại không nhiều. Phần đông du khách chỉ tò mò ngắm nghía và mua rất ít. Thế nên, việc cạnh tranh và đu bám các du khách khi bán hàng là điều khó tránh khỏi. Và, tôi còn nhớ rất rõ công nghệ bán hàng đặc biệt của các em nhỏ tại xã Hào Thào, huyện Sa Pa.

Với chất giọng rất đều, rất nhỏ nhẹ, Tả Mẩy, tên một em nhỏ nói với tôi: "Em chào chị ạ! Chị ở đâu về vậy ạ?". Khi tôi trả lời ở Hà Nội về, em nói: "Chị ở Hà Nội về. Hà Nội có đẹp không chị? Chị có mệt không chị?" Sau rất nhiều câu hỏi han thân thiết, Mẩy mới rút từ trong túi ra một chiếc vòng đeo tay nhỏ nhỏ: "Em tặng chị một chiếc vòng tay, để chị đeo cho may mắn chị nhé!".

Tôi cầm lấy và rất cảm động. Nếu chiếc vòng nhỏ xíu này chỉ bán với giá 3.000 đồng, tôi đã rút cả 20.000 đồng đưa cho em. Thế nhưng, khi một du khách khác xuất hiện, Tả Mẩy lại diễn một cách nguyên bản những lời đã dành cho tôi khiến tôi mới vỡ lẽ đây là công nghệ bán hàng rất mới của các cô bé ở Sa Pa. Điều đáng buồn hơn trong chuyến về thăm Sa Pa còn là khi cô bạn đi cùng tôi vì thương một đứa bé người dân tộc Mông bị sứt môi cũng đã rút một số tiền cho mẹ em bé.

Nhưng, ngay lập tức từ đâu ba bốn người mẹ nữa cũng đang địu con chạy đến và nhiệt tình kéo áo cô bạn tôi chỉ vào đứa bé mà rằng: "Cô cho cháu tiền đi cô. Cháu bé và khổ lắm!". Không cho cháu bé tiền, nhất quyết những người phụ nữ này không chịu buông tha chúng tôi. Hai chúng tôi được một phen hoảng hồn về công nghệ bán hàng và xin tiền nơi đây. Lòng thương cảm bỗng dưng bị sứt mẻ…

Nguyễn Hương - Cao Hồng
.
.
.