Họp mặt ban liên hợp quân sự "Trại Davis":

Những người góp phần làm nên chiến thắng 30/4

Thứ Sáu, 30/04/2010, 09:34

Sáng 29/4, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc hội ngộ của các thành viên trong Ban Liên hợp quân sự "Trại Davis" đang cư trú ở miền Bắc. Chiến tranh đã lùi xa, đồng đội cũ nay người còn, người mất. Nhưng ký ức của một thời đấu tranh giữa sào huyệt của kẻ thù vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi người.

Cách đây 37 năm, khi Hiệp định Paris được ký kết, từ tháng 1/1973 đến cuối tháng 4/1975, Trại Davis (khu nhà nằm giữa sân bay Tân Sơn Nhất) là nơi hai đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong thành phần Đoàn đại biểu quân sự bốn bên (bên kia là Mỹ và chính quyền Sài Gòn) bám trụ giữa lòng địch để đấu tranh cho việc thi hành Hiệp định Paris.

Mặc dù bị cô lập với bên ngoài, nhưng 823 ngày đêm sống giữa lòng địch, phái đoàn của ta đã kiên trì đấu tranh buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn chấp hành nghiêm chỉnh các điều khoản của Hiệp định Paris, góp phần vào tiến trình hoà bình, thống nhất đất nước.

Hôm nay, nhiều đồng đội cũ được gặp lại nhau tay bắt mặt mừng. Không ít người phải nhìn một lúc mới nhận ra nhau. Xúc động trào nước mắt. Ông Nguyễn Văn Khả (tức Vũ Nam Bình) lúc đó là Phó phòng Bảo vệ Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, trực tiếp phụ trách công tác bảo vệ an ninh của Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam, Phó trưởng Tiểu ban trao trả của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam, nay là Trưởng ban liên lạc Liên hợp quân sự Trại Davis phía Bắc xúc động nói: "Nhiều đồng đội của tôi đã mất nhưng vợ con họ vẫn liên lạc với chúng tôi và có mặt trong buổi gặp gỡ này như chị Phương Kim Dung (vợ đồng chí Nguyễn Tiến Bộ), chị Nguyễn Thị Lọn (vợ liệt sỹ Nông Văn Hưởng)… Nhìn thấy họ, chúng tôi như thấy lại đồng đội của mình trong những ngày sát cánh chiến đấu bên nhau". Được gặp lại nhau, xem lại những tấm hình cũ, ôn lại kỷ niệm chiến đấu trên mặt trận ngoại giao, những chiến sỹ năm xưa không khỏi nghẹn ngào.

Trăn trở của những người lính trên mặt trận ngoại giao ngày ấy chính là chiến trường cũ - Trại Davis. Khi thăm lại Trại Davis năm xưa, những người lính già vẫn ngậm ngùi khi địa điểm này chưa được công nhận là di tích lịch sử để làm nơi lưu giữ, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ sau. Trong công văn gửi UBND TP Hồ Chí Minh năm 2003, Bộ Quốc phòng cũng khẳng định, Trại Davis là chứng cứ lịch sử, ở đó đã chứng kiến quá trình đấu tranh kiên cường của cán bộ, chiến sỹ ta; thể hiện ý chí Việt Nam, tính độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng và hoạt động ngoại giao quân sự của ta trong quá trình đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris

Việt Hà
.
.
.