Những người giã từ quá khứ buồn

Thứ Sáu, 09/01/2009, 10:01
Họ là những người đã một thời lầm lỡ, tuy nhiên, được sự giúp đỡ của cộng đồng, xã hội, họ đã hoàn lương, vượt qua mọi khó khăn để làm lại cuộc đời.

Chỉ vì một phút không kiềm chế bản thân mà Lê Hồng Thành, 39 tuổi,  ở khối phố 5,  phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh đã phải trả giá quá đắt với bản án 15 năm tù.

Ở Trại giam số 5 Thanh Hoá, có những lúc Thành nghĩ rằng, mình không còn tương lai. Tuy nhiên, sự động viên quan tâm, giáo dục của cán bộ quản giáo đã giúp anh sửa chữa lỗi lầm. Có ý thức và tinh thần lao động tốt nên thi hành án được 12 năm, anh Thành được đặc xá về địa phương vào tháng 1/2005.

Những ngày mới ra trại nhiều người thông cảm sẻ chia, nhưng cũng không ít ánh mắt kỳ thị. Thời gian đầu anh không tiếp xúc với một ai, suốt ngày ở trong nhà và rất ngại gặp hàng xóm xung quanh.

Nhưng được sự giúp đỡ của các bác ở tổ dân phố, Công an phường Hà Huy Tập đã động viên, khích lệ anh vượt qua khó khăn để hoà nhập với cộng đồng.

Vào dịp Trung thu năm 2005, tổ dân phố "bí mật" mượn nhà của Thành để tổ chức vui chơi cho các cháu thiếu nhi, phòng ngoài dành riêng cho các cháu, phòng trong lãnh đạo phường, Công an phường, cùng thanh niên trong xóm quây quần bên anh để chia sẻ, xoá bỏ mặc cảm tự ti trong anh, và cùng bàn bạc tìm việc làm, giúp anh ổn định cuộc sống.

Gom góp, dành dụm được 100 triệu đồng, Thành vay thêm anh em, bạn bè mở xưởng cơ khí, phát huy sở trường đã được dạy nghề trong những năm giáo dục, cải tạo tại Trại giam số 5 Thanh Hoá.

Xưởng do anh làm chủ thuê 4 công nhân. Nhờ đó, cuộc sống của anh dần đi vào ổn định, mỗi tháng thu nhập trên 3 triệu đồng, lương công nhân từ 1,5 triệu đến 1,8 triệu đồng.

Cuối năm 2005, anh đã tìm được một nửa hạnh phúc của mình. Anh Thành tâm sự, chỉ có sự giúp đỡ, chia sẻ của mọi người thì một người lầm lỗi như anh mới vượt qua được những khó khăn, mặc cảm để vững tin bước vào cuộc sống.

Khi bị bắt giam, Trần Thị Lan, 47 tuổi, ở khối phố 4, phường Hà Huy Tập rất dằn vặt, đau khổ bởi bốn đứa con đang còn nhỏ dại, chồng bị tai nạn giao thông, lưỡi hái tử thần đang rình rập từng giây từng phút.

Chỉ vì cuộc sống khó khăn, chị dại dột nghe lời người khác rủ rê đi buôn "cái chết trắng" để đổi lấy mức án 8 năm tù. Lúc ấy, Lan nghĩ rằng, chỉ có cách duy nhất là chấp hành tốt án ở trong trại mới mong sớm ra tù có cơ hội hoàn lương.

Sau 4 năm thi hành án ở Trại giam Quảng Bình, chị đã được đặc xá. Những ngày đầu mới trở về, chị lầm lì như một cái bóng, suốt ngày ở trong nhà. Nhưng được sự động viên của bà con xóm làng, đặc biệt từ tình nghĩa của người chồng, anh Nguyễn Trọng Tạo, 4 năm trời vượt lên nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần, vất vả lam lũ kiếm kế sinh nhai, nuôi 4 con thơ bé bỏng, trong tiếng cười ngày sum họp đã giúp chị quyết tâm vươn lên làm lại cuộc đời.

Đánh kẻ chạy đi, chứ ai nỡ đánh người chạy lại, mấy ngày sau, chính quyền khu phố mời chị Lan và những người đặc xá ra nhà văn hoá gặp mặt và tặng quà.

 Cơ quan Công an đã phân tích cho chị những điều hay lẽ phải. Hội Phụ nữ, Hội Nông dân phường, thành phố cho chị vay 10 triệu đồng để có vốn ban đầu làm ăn.

Chị mở quán cơm bình dân phục vụ học sinh, sinh viên và những người dân lao động. Sau đó, chị kinh doanh thêm cà phê và dịch vụ giải khát, có thu nhập ổn định, đảm bảo nuôi 4 cháu ăn học. Giờ đây, chị Lan đã tình nguyện trở thành tuyên truyền viên phòng chống tệ nạn ma tuý. Trong nụ cười, trong ánh mắt, chúng tôi nhìn thấy rõ sự quyết tâm cháy bỏng của chị!

Trong đời Nguyễn Tiến Dũng, 25 tuổi, ở khối phố 12, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh, không bao giờ nghĩ rằng mình lại sa vào con đường nghiện ngập. Đang là một công nhân cơ khí, do bạn bè xấu lôi kéo, lại tò mò muốn tìm cảm giác lạ, năm 1997, Dũng thử hít "hàng trắng" và nghiện. Biết Dũng mắc nghiện, gia đình buồn phiền và tìm mọi cách để khuyên ngăn nhưng tất cả đều không thắng nổi những cơn vật vã do ma túy.

Nhìn những đám bạn tiều tuỵ, đứa có HIV, đứa bị Công an phát giác, nhìn những giọt nước mắt lăn trên má mẹ già, những đêm cha trằn trọc không sao chợp mắt, Dũng viết đơn vào Cơ sở giáo dục Xuân Hà. Với nghị lực của mình, sau 2 năm Dũng cai nghiện thành công.

Cuối năm anh lấy vợ. Hai vợ chồng được UBMTTQ, Hội Nông dân phường cho vay vốn làm ăn. Anh mở cửa hàng sản xuất kinh doanh bánh mì, mỗi tháng thu nhập gần 1 triệu đồng. Dũng tâm sự, thời gian tới sẽ mở cơ sở kinh doanh sắt thép tại xã Thạch Bình.

Anh Thành, anh Dũng, chị Lan là những người đã một thời lầm lỗi. Họ mỗi người một lứa tuổi, mỗi hoàn cảnh gia đình, mỗi con đường phạm tội khác nhau, song trở về với cuộc sống đời thường, họ cùng chung một con đường. Đó là ý chí, là nghị lực, là niềm tin vào một tương lai tươi sáng, ở đó có cả tấm lòng bao dung nhân ái của gia đình, anh em và của cả cộng đồng…

Và trong các anh, các chị, có một sức sống mới, một mùa xuân mới đã trở về!

Văn Hùng
.
.
.