Những mối họa từ việc 'quá chén'

Thứ Tư, 15/04/2015, 08:13
Phần lớn nguyên nhân các tai nạn chết người xảy ra trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nông thôn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong những tháng đầu năm 2015 do lỗi của nạn nhân. Số liệu của Ủy ban ATGT Quốc gia, 70% số vụ tai nạn liên quan đến bia rượu.

Phương tiện gây tai nạn là xe môtô, xe gắn máy chiếm 67,7% và địa bàn xảy ra ngoài khu vực đô thị chiếm 69,5%.

Vì hoàn cảnh, gần 60 tuổi ông Thạch Lẹ (ngụ huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) vẫn phải phụ hồ mưu sinh. Chiều hết giờ làm, ông Lẹ cùng bạn bè lai rai rượu đế xong mới về nhà.

Chiều 15/3, sau chầu nhậu, ông Lẹ chạy xe trên quốc lộ 60, đoạn qua xã Hiếu Tử, đã lấn trái tông vào xe môtô khác khiến ông Lẹ té ngã, chấn thương sọ não. Sau 3 tuần điều trị, ông xuất viện trong tình trạng liệt nửa người, sức khỏe yếu và mất trí nhớ.

Theo một bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh), sau này bệnh nhân phải chịu một số di chứng, như: có thể động kinh về sau, trí nhớ sẽ suy giảm và yếu liệt các chi. Cũng điều khiển xe môtô khi có men trong người, anh Ngô Chí Công (24 tuổi, ngụ huyện Tiểu Cần) đã thiệt mạng, để lại người vợ trẻ và đứa con thơ 2 tuổi.

Hiện trường vụ tai nạn giữa 2 xe môtô trên địa bàn xã Hòa Nghĩa (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).

Đêm 23/3, sau tiệc nhậu, anh Công chở bạn ra chợ huyện nhậu tiếp. Trên đường đi đến xã Tập Ngãi, do không làm chủ tay lái, xe anh Công điều khiển lấn sang trái tông vào ôtô tải đang đậu trên đường khiến anh Công tử vong tại chỗ.

Theo gia đình, những lúc rảnh rỗi, anh Công hay chạy xe đi nhậu. Nhà có 2 công ruộng, vợ chồng anh nuôi thêm đàn vịt. Do làm ăn thua lỗ, người vợ đi làm công nhân dành dụm tiền trả nợ, anh Công ở nhà làm ruộng và trông con. Nhưng dự tính chưa thành thì vợ mất chồng, con mất cha và số nợ vẫn chưa trả được.

Hoàn cảnh gia đình chị Phan Thị Phỉ (cũng ngụ huyện Tiểu Cần) không kém phần bi đát. Đứa con trai duy nhất do điều khiển xe môtô khi đã uống bia rượu dẫn đến tai nạn khiến chân bị gãy nát. Chị phải vay mượn, cầm cố ruộng vườn lo khoản chi phí điều trị trên 200 triệu đồng. Sau nhiều lần phẫu thuật, chân của con trai chị hồi phục nhưng không vận động bình thường được, cần có người đỡ đần.

3 tháng đầu năm 2015, số vụ tai nạn trên địa bàn quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) tăng cả 3 tiêu chí, xảy ra 9 vụ, 10 người chết và 7 người bị thương (tăng trên 600%). Trung tá Đỗ Thành Long – Phó trưởng Công an quận Thốt Nốt cho biết: Nguyên nhân chính do người điều khiển phương tiện trong tình trạng có sử dụng rượu bia, tránh vượt sai quy định và không làm chủ tốc độ.

Chiều 9/3, sau khi nhậu cùng đám bạn, Huỳnh Ngọc Thanh (25 tuổi, ngụ huyện Cờ Đỏ) điều khiển xe môtô chở Lương Văn Ngọc Sơn (22 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt) lưu thông trên quốc lộ 91, hướng từ Long Xuyên (An Giang) đi Thốt Nốt. Khi đến khu vực Thới Thạnh 1 (phường Thới Thuận), do vượt sai quy định xe do Thanh điều khiển va chạm vào đuôi xe ôtô tải nên té ngã.

Đúng lúc đó, xe khách (loại 16 chỗ) đi tới tông trúng, khiến Thanh tử vong, Sơn bị thương nặng. Theo Trung tá Đỗ Thành Long, qua kiểm tra, các lỗi về tốc độ, nồng độ cồn… chiếm phần lớn trong số các biên bản vi phạm hành chính.

Một trong các nguyên nhân khiến tình trạng tai nạn gia tăng do ý thức của một bộ phận người dân. Vì rượu bia, Trần Minh Hiếu (25 tuổi, ngụ huyện Cờ Đỏ) mất đi người bạn chí cốt và vướng vòng lao lý. Theo cơ quan điều tra, khi đã có men trong người, Hiếu điều khiển xe môtô chở người bạn lưu thông trên quốc lộ 91. Không làm chủ tốc độ, xe Hiếu điều khiển vừa qua cầu Bánh Tét đã tông thẳng vào cọc tiêu báo hiệu công trình. Hậu quả, người bạn thiệt mạng, Hiếu nhập viện cấp cứu.

Ông Ngô Công Thức – Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết, số vụ vi phạm giao thông 3 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh An Giang vẫn tập trung vài các lỗi: điều khiển xe khi đã sử dụng rượu bia (3.385 trường hợp); vi phạm về tốc độ (8.115 trường hợp), không có giấy phép (3.200) trường hợp…

Theo ông Thức, biện pháp căn cơ kiềm chế tai nạn trước mắt là tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Giữa các ban, ngành, đoàn thể phải phối hợp chặt chẽ trong việc truyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, việc lắp đặt camera giám sát, phát hiện, cảnh báo và xử lý các trường hợp vi phạm trật tự ATGT trên các tuyến đường, kể cả trong nội ô lẫn đường nông thôn là điều hết sức cần thiết.

Văn Vĩnh
.
.
.