Những giấc mơ về một ngôi nhà

Thứ Bảy, 06/06/2009, 19:29
Trên chiếc giường tre xiêu vẹo kê sát vách tường bằng giấy trong cái "nửa lều nửa chuồng" của mình, ông Đinh Văn Qua (82 tuổi), ở thôn Nước Bung, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà vẫn nằm thiêm thiếp, với hơi thở mệt nhọc. Có lẽ trong giấc ngủ chập chờn ấy, ông đang nghĩ về một ngôi nhà mà có thể che được những cơn gió núi lạnh buốt mỗi khi mùa đông về.

Dù đã được nghe ông Đinh Xuân Đầm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện kể, thế nhưng chúng tôi cũng không thể ngờ gia cảnh của ông Qua lại khốn khó đến mức như vậy.

Sau một thời gian đứng che mưa, che nắng cái gọi là nhà, nơi mà vợ chồng ông Qua trú ngụ suốt mấy năm qua giờ xiêu vẹo và ọp ẹp đến mức thảm hại: Phần đất sét trét ở 3 vách tường phía sau đã bong ra có nơi đã gần hết, chỉ còn lại những thanh tre phơi ra như những chiếc xương sườn.

Đưa tay chỉ vào vách ngăn bằng giấy ở giữa nhà, ông Phạm Đồng Tánh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Sơn Hà kể: Mùa mưa năm rồi khi vào thăm, thấy gió lùa vào mạnh nên đã đi xin một ít xi măng về ngăn lại tạm để  ông Qua bớt lạnh.

Vợ chồng ông Qua có 5 đứa con. Mặc dù làm lụng vất vả, thế nhưng 2 vợ chồng ông Qua cũng chỉ có thể kiếm đủ tiền mua gạo nuôi các con khôn lớn, rồi dựng vợ gả chồng cho từng đứa. Mang tiếng là con đông, thế nhưng kinh tế của chúng cũng chỉ đủ ăn nên không giúp được gì cho cha mẹ. Vì thế 2 vợ chồng chỉ còn biết dựa vào 800m2 đất trồng lúa.

Đã vậy, cách đây khoảng 10 năm, sau khi chồng chết, đứa con gái út bỗng nhiên điên khùng và bỏ đi biệt tăm, để lại đứa con 10 tuổi cũng bị bệnh tâm thần như mẹ. Thương cháu ngoại bất hạnh nên vợ chồng ông đem về cưu mang. Cũng may là ngày trước ông tham gia công tác ở Hội Nông dân  Sơn Hà nên giờ có thêm suất lương hưu khoảng 1,8 triệu đồng/tháng.

Thế nhưng cũng chính vì điều này mà nhiều năm qua, theo một số cán bộ ở Hội Nông dân huyện cho biết: Dù đã nhiều lần đề nghị các cấp chính quyền hỗ trợ để làm nhà cho ông Qua, tuy nhiên do tính mức thu nhập hơn 200.000 đồng/tháng nên bị từ chối.

Là cư dân thành phố và đã ở tuổi 70 thế nhưng ông Nguyễn Minh, ở thôn 4, xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi vẫn oằn trên vai gánh nặng cuộc sống gia đình. Hơn 20 năm nay, vợ ông là bà Nguyễn Thị Dị (61 tuổi) bị bệnh xơ gan, để có tiền sinh sống, mua thuốc cho vợ, dù mưa hay nắng, có ai kêu làm bất cứ việc gì: Phụ hồ, đốn tre, gặt lúa... ông Minh đều nhận lời. Tuy nhiên số tiền ít ỏi đó cũng chỉ đủ mua rau, gạo và một ít thuốc cho vợ.

Mấy năm gần đây, tình trạng bệnh tình của bà Dị ngày một nặng thêm, chỉ còn ngồi bất động một chỗ, hai chân bắt đầu lở loét thì tiền kiếm được ông Minh dành phần lớn mua thuốc cho vợ. Nhiều hôm nghỉ không đi làm nên không có tiền mua bông gòn lau vết thương cho vợ, ông Minh chạy sang nhà hàng xóm xin quần áo cũ về giặt sạch dùng thay cho bông gòn.

Được biết 2 vợ chồng ông có cả thảy 5 người con và đã ra ở riêng. Ông Minh đượm buồn: Cuộc sống của chúng cũng chỉ bữa đói, bữa no thì lấy gì mà giúp đỡ. Nhiều năm nay sống trong ngôi nhà dột nát, nhưng ông Minh cũng đành bất lực ngồi nhìn.

Một cảnh ngộ đáng thương khác là anh Nguyễn Thanh Tân. Năm 1979, từ huyện đảo Lý Sơn, 2 vợ chồng dắt nhau vào làng kinh tế mới ở xã Bình An, huyện Bình Sơn. Chưa quen với cuộc sống mới, cộng với khí hậu khắc nghiệt nên lần lượt 3 đứa con của anh Tân qua đời. Nuốt nước mắt, 2 vợ chồng tiếp tục ở lại, với hi vọng cuộc sống sẽ khấm khá hơn. Thế nhưng sau khi 5 đứa con lần lượt ra đời thì cái nghèo tiếp tục bám đuổi.

Cũng vì cuộc sống quá khó khăn nên sau khi ngôi nhà cũ bị sập, anh Tân đành làm tạm cái chòi để trú ngụ. Thương cho hoàn cảnh của anh Tân, ông Phạm Trung Trường đã nhận anh Tân vào làm bảo vệ rừng; đồng thời cho cả gia đình dắt nhau vào ở nhờ nhà bảo vệ của doanh nghiệp đến tận bây giờ.

Rời Bình An khi trời đã bắt đầu sập tối, chúng tôi ra về mang theo cả niềm tâm sự của anh Tân: Với những người mà điều kiện hoàn cảnh như tôi, thì ngôi nhà chỉ tìm thấy trong giấc mơ mà thôi

C.Nguyễn
.
.
.