Những giấc mơ ở ngầm suối Lạnh

Chủ Nhật, 25/10/2009, 09:06
Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ ngày sinh mạng của hai cô giáo, trong đó một cô là hiệu trưởng đã bị dòng nước lũ oan nghiệt cướp đi ngay trước ngày khai giảng. Ngôi trường giờ đã có hiệu trưởng mới, các em học sinh vẫn ngày ngày đến lớp, nhưng nỗi đau mất mát vẫn hiện diện khắp nơi, canh cánh thêm nỗi lo phải đi dạy qua con suối tử thần có cái tên rờn rợn: Ngầm suối Lạnh.
>> Hai cô giáo bị lũ cuốn trước ngày khai trường

Nỗi đau nơi con suối tử thần

Vòng vèo từ thị trấn Sa Pa lên xã Bản Khoang chỉ chưa đến 20km nhưng con đường càng đi càng heo hút, càng lạnh lẽo. Mãi rồi chiếc xe máy chở chúng tôi và 2 thùng quần áo, tấm lòng của các độc giả gửi gắm qua Báo Công an nhân dân cũng tới được đoạn đường ghê rợn nhất, ngầm suối Lạnh.

Nơi đây, chẳng mấy năm không có người bỏ mạng vì nước lũ. Thời điểm chúng tôi đến, đường qua ngầm khô ráo, con suối chỉ rỉ rả hiền lành những dòng nước yếu ớt không đủ cuốn trôi lá rừng rụng. Ấy vậy mà, chỉ cần một cơn lũ về, từ trên vách núi tuôn ra hàng nghìn mét khối nước với tốc độ có thể cuốn bay người và xe cộ dễ dàng chỉ trong tích tắc. Sức nước khiến con đường qua ngầm được đổ bê tông chắc chắn cách đây một tháng, qua một lần lũ về đã bật tung thành từng mảng trơ hàm ếch. Dù không có lũ, nhưng vì đường hỏng phải dắt xe qua ngầm, chúng tôi không khỏi sởn da gà khi hình dung từ độ cao cả trăm mét kia, hàng trăm, hàng nghìn khối nước có thể đổ ập xuống đầu bất cứ lúc nào.

Thầy Hiệu trưởng mới của trường cũng còn khá trẻ, anh Nguyễn Công Hưng, mới 33 tuổi. Nhận cương vị hiệu trưởng sau khi cô hiệu trưởng cũ bị lũ cuốn, đã hơn 1 năm nhưng không chỉ riêng anh, mà tất cả các thầy cô giáo của trường vẫn còn bàng hoàng, đau xót khi nhắc đến ngày 4/9/2008.

Thứ tự từ phải sang trái: Hai cô giáo bị lũ cuốn trôi ở ngầm suối lạnh (người ngoài cùng bên phải là Hiệu trưởng Đoàn Thị Mười).

Câu chuyện được tái hiện trong không trí trầm lặng, rưng rưng. Anh Hưng kể, hôm ấy đang dạy trong trường, nghe có tin báo, tất cả giáo viên đều chạy ra ngầm. Khi ra đến nơi, thi thể một cô giáo đã được tìm thấy đưa lên bờ, còn một cô vẫn chưa tìm thấy. Sáng hôm ấy, như thường lệ, nhóm 7 giáo viên của trường có nhà phía ngoài thị trấn Sa Pa lại cùng nhau đến trường chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới. Đến ngầm suối Lạnh, nước chảy xiết. Cả nhóm dừng lại chờ nước rút bớt. Đêm hôm trước, huyện Sa Pa mưa rất to, từ xã Ô Quy Hồ vào Bản Khoang ngập ngụa trong bùn lầy. Con đường lầy lội đến ngầm suối Lạnh (thôn Can Hồ A, xã Bản Khoang) thì tắc hoàn toàn vì nước lũ réo ầm ầm đổ về. Đứng bên này bờ, sốt ruột vì công việc của trường, thấy nước cũng có phần vơi đi chút ít, 7 giáo viên bàn bạc nhau, quyết định khênh lần lượt từng chiếc xe máy sang bên kia ngầm như mọi lần họ vẫn làm.

Vợ chồng thầy giáo Nguyễn Đức Lượng và cô Hiệu trưởng Đoàn Thị Mười (SN 1979) đi cùng nhau trên chiếc xe máy Angel. Đây là chiếc xe được khênh qua đầu tiên. Cả 7 giáo viên xúm vào khênh chiếc xe. Nhưng khi qua được quá nửa ngầm, nước chảy xiết đã cuốn chiếc xe bay xuống vực. Các giáo viên cũng đều bị nước đẩy ngã. Thầy Lượng, cô Mười và cô Nguyễn Thị Lý (SN 1977) cũng bị nước lũ cuốn trôi. May mắn hơn, 4 thầy, cô giáo khác ngã xuống nhưng đều bám víu được vào đá tảng và thoát nạn.

Cố nhoài lên được bờ, 4 thầy cô chạy lên lán công nhân xây dựng gần đó mượn dây thừng dòng xuống vực tìm kiếm. Chỉ duy nhất thầy Lượng được tìm thấy đang kiệt sức mắc kẹt vào một tảng đá. Kéo được lên đến đường, thầy ngất đi mà không kịp hỏi vợ mình đã được tìm thấy chưa.

Rưng rưng nước mắt, chị Lê Thị Hoàn, Hiệu phó Trường Tiểu học Bản Khoang tiếp lời anh Hưng: "Đau lòng lắm các chị ạ, xuôi xuống thêm 300m nữa, chúng tôi tìm được chị Mười, nhưng đã quá muộn…". Thêm 200m nữa, thi thể cô giáo Lý cũng được tìm thấy. Chiếc xe Angel của thầy Lượng khi vớt lên chỉ còn trơ khung sắt, mọi bộ phận khác bị nước đánh tung, va đập vào đá văng và trôi đi mất. "Thi thể các chị ấy cũng bị nước quăng quật, thương tâm lắm…", chị Hoàn chua xót nói.

Sau chuyện xảy ra, hiện nay Trường Tiểu học Bản Khoang vẫn còn 6 giáo viên phải hằng ngày đi dạy qua ngầm suối Lạnh. Dù biết nguy hiểm đang cận kề nhưng họ vẫn ngày ngày bám trường, bám lớp. Mỗi lần đi qua ngầm suối Lạnh, nhìn về phía những ghềnh đá bên dưới, ám ảnh về cái chết thương tâm của những người đồng nghiệp khiến ai nấy đều ngậm ngùi.

Tử thần rình rập theo từng bước chân đi dạy

Chuyện giáo viên đi dạy học và bị lũ cuốn ở vùng cao không phải là hiếm. Trước khi xảy ra tai nạn ở ngầm suối Lạnh, cũng trong mùa hè năm 2008, cô giáo Bùi Thị Lê cũng bị nước cuốn trôi tại bản Lếch Mông, xã Thanh Kim (huyện Sa Pa) khi đang trên đường gọi học sinh đến học hè. Sau cái chết của cô Mười và cô Lý, các giáo viên nhà xa phải đi qua ngầm suối Lạnh đều cảnh giác hơn. Nhiều hôm nước lớn, các thầy, cô phải ngủ lại trường, không dám về nhà.

Chị Mai Thị Huệ, một trong những giáo viên đi cùng nhóm chị Mười và chị Lý hôm ấy kể lại: Ngầm lúc đó chưa được phủ bê tông như bây giờ, chỉ có lổn nhổn đá ở dưới và thác nước ở trên. Ngày hôm đó, nước lên rất cao, nhưng dạy học ở vùng cao, việc phải lội suối đâu có xa lạ. Có những buổi nước ngập đến thắt lưng, chị và các đồng nghiệp vẫn phải lội qua để đến trường… Nhưng ác nghiệt thay, khi họ đang cùng nhau lội được nửa đường, thì bất ngờ từ thượng nguồn, một lượng nước lớn đổ về. Chỉ ào một cái, chưa kịp định thần, chị Huệ và một đồng nghiệp nữa được đẩy ngã vào phía trong, tránh được dòng cuốn nên thoát chết. Khi chị định thần lại được, đã thấy mất đi 2 đồng nghiệp là chị Mười và chị Lý.

Chị Lý lúc đó con mới 15 tháng tuổi, vẫn đang bú mẹ. Anh Lượng, chồng chị Mười thì phải nghỉ dạy ở trường từ ngày mất vợ, để có thời gian chăm lo cho cậu con trai 5 tuổi của mình. Từ ngày đó, suối Lạnh gieo vào lòng các thầy cô giáo nghèo nơi đây những nỗi sợ hãi, và khiến cho các cháu nhỏ có nhiều hơn những đêm không mẹ. Những ngày mưa gió, các anh chị phải ở lại trường, chứ không dám mạo hiểm lội suối về với con như trước.

Chị Huệ nhà ở thị trấn Sa Pa, cách trường 16km, đi một tiếng mới đến nên cứ 6h sáng là chị đã tất bật lên đường. Đứa con nhỏ của chị, năm nay đã 4 tuổi, chưa bao giờ được mẹ đưa đi học. Chỉ có tranh thủ ngày nghỉ, ngày hè, chị mới có được cái niềm hạnh phúc chăm lo bữa sáng cho con, dắt con dung dăng đi chợ sớm, nấu một bữa cơm gia đình.

Không chỉ khổ sở, vất vả và nguy hiểm vì đường đến trường, cuộc sống của giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Bản Khoang còn rất nhiều khó khăn. Khó có thể tin được rằng, gần như 100% giáo viên của trường đều đã và đang là con nợ của ngân hàng. Đơn giản chỉ vì đồng lương giáo viên ít ỏi, chỉ đủ chi dùng sinh hoạt nếu khéo tiết kiệm. Còn muốn có phương tiện đi lại như xe máy hay mua chiếc máy tính… các giáo viên đều phải vay ngân hàng. Hiệu phó Lê Thị Hoàn kể: "Cứ lấy lương hôm trước, hôm sau đã chẳng còn đồng nào vì trước đó hết tiền phải đi vay quanh hàng xóm".

Trường Tiểu học Bản Khoang có 21 giáo viên và 180 học sinh. Do địa hình miền núi, các bản ở xa nhau nên trường phải phân thành 5 điểm trường. 100% các em học sinh ở đây đều là người dân tộc Dao và Mông nên giáo viên phải dạy tiếng Việt cho các em trước khi dạy văn hóa. Cuộc sống ở nơi thôn bản còn nghèo và lạc hậu. Ngay cả trường học của các em cũng chỉ là những lớp học tạm, nhìn bên ngoài chúng tôi còn nhầm tưởng đó là nhà của đồng bào dân tộc.

Những lớp học tạm đã được bổ sung bàn ghế mới.

Mong muốn của các thầy cô giáo nơi đây thật giản dị. Đó là làm sao để đường đến trường không còn những cạm bẫy tử thần như ở ngầm suối Lạnh. Trước khi chia tay, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Công Hưng còn đau đáu thêm nỗi lo mưa gió có thể làm sập bất cứ lúc nào những lớp học tạm bợ, nền đất. Không thể làm gì nhiều cho giáo viên và học sinh nơi đây, nhưng mùa đông này, những bộ quần áo bạn đọc gửi đến các em học sinh nghèo qua Báo Công an nhân dân hy vọng sẽ phần nào làm vơi đi giá lạnh trên vùng đất cằn, và hiểm nguy vì lũ quét và đói nghèo rình rập

Ngọc Yến - Vũ Hân
.
.
.