Những già làng làm thay đổi cuộc sống của người miền ngược

Thứ Năm, 20/11/2014, 11:17
Tôi rất ấn tượng cách dạy học cho bà con dân bản của già làng Hồ Văn Theng, ở thôn Xa Bai, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Năm 2010, khi cả xã trúng đậm mùa sắn cũ trên nương rẫy, được Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa thu mua với giá cao. Nhưng người dân sau bán sắn, mang tiền về nhà, phần lớn không biết cách tính toán cộng trừ, nhân chia số tiền mình có được. Thế là già Theng mở lớp dạy cách tính toán cho người dân.

Cùng với việc mở lớp dạy học cho bà con dân bản, già Theng còn là người tiên phong xóa bỏ mọi hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh. Mỗi khi già tổ chức họp bản để xóa bỏ hủ tục nào đó, đều đã được già nghiên cứu kỹ lưỡng trên các cơ sở khoa học và nét đẹp văn hóa của bản làng. Chẳng hạn, người Pa Cô, Vân Kiều trước đây ở bản Xa Bai có hủ tục nối dây. Nghĩa là, chị hoặc em dâu khi không may có chồng bị mất sớm, theo hủ tục buộc họ phải lấy em hoặc anh của chồng. Năm 2007, già Theng đã quyết định xóa bỏ hủ tục này, bởi theo già đó không phải là nét đẹp văn hóa của bản làng, ngược lại sự việc sẽ khiến cho hai gia đình càng thêm gánh nặng; quyền được tự do chọn lựa hạnh phúc của mỗi người không được tôn trọng…

Trên đại ngàn Trường Sơn của tỉnh Quảng Trị, đồng bào Pa Cô, Vân Kiều còn nhắc nhiều đến cái tên lương y Hồ Văn La, ở thôn Ruộng, xã Hướng Tân (Hướng Hóa). Sau hơn 30 năm cống hiến cho ngành y ở xã, năm 2008, ông La được nghỉ hưu theo chế độ. Nhưng từ đó đến nay ông vẫn miệt mài tìm thuốc chữa bệnh cứu người mà không lấy một đồng tiền công hay tiền thuốc.

Lương y Hồ Văn La đang hái cây làm thuốc chữa bệnh cho bà con Pa Cô, Vân Kiều.

Kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên trong đời ông, là vào năm 2010, khi cả thôn Ruộng có rất nhiều người bị mắc bệnh kiết lỵ, bà con đến trạm xá, được khám bệnh, cấp thuốc song sau nhiều lần uống thuốc vẫn không khỏi bệnh. Bà con vì thế cứ nghĩ mình đã bị Giàng (ông trời) bắt; bèn mổ trâu, bò để cúng Giàng và thuê thầy Mo về cúng cả ngày lẫn đêm; nhưng bệnh chẳng chút thuyên giảm, mà ngược lại càng trở nên nghiêm trọng. Biết chuyện, già La lặng lẽ tìm đến những công trình vừa mới xây dựng xong, bởi những nơi này có nhiều vôi vữa vốn là môi trường lý tưởng cho loài cây cỏ sữa sinh sống. Già hái cây cỏ sữa đem về rồi sắc nước đặc cho bệnh nhân uống, chỉ 1 đến 2 ngày sau là khỏi hẳn. Khi bệnh nhân đã khỏi, già giải thích cho họ biết được bệnh của mình và công dụng của cây cỏ sữa. Không chỉ bệnh kiết lỵ mà những đau ốm thông thường như táo bón; viêm loét tá tràng, dạ dày; cảm nước, thương hàn… đều đã được già tìm những cây thuốc nam đem về sắc cho bệnh nhân uống rất mau khỏi bệnh.

Người thôn Ruộng khi chưa hiểu được bệnh, công dụng chữa bệnh của một số thảo dược thì cứ nghĩ già La là con của ông trời sai xuống giúp họ (!). Song sau nhiều lần được già giải thích, cho biết đó là khoa học thường thức mà mọi người đều cần phải biết, bà con dân bản mới gật gù khen ngợi những hiểu biết của già. Cũng như già Theng, những đóng góp của già La đã làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều nơi đây

Thanh Bình
.
.
.