Những đoạn đường nội thị bị bỏ quên

Thứ Ba, 30/09/2008, 09:27
Là một thành phố trực thuộc Trung ương, tiến tới là một thành phố du lịch biển, trung tâm kinh tế của miền Trung và Tây Nguyên nhưng hiện nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng còn một thực tế rất nhiều đoạn đường ngay trong nội thị, đường chiến lược, nơi tập trung dân cư đông đúc vẫn bị bỏ quên, xuống cấp. Những đoạn đường này các cơ quan chức năng không biết hay cố tình "bỏ sót" khiến cho cuộc sống của người dân ở đây thêm phần cơ cực.

Cùng với sự phát triển của thành phố, nhiều tuyến đường được nâng cấp đưa vào sử dụng rất hiện đại, thích ứng với quy hoạch chung của thành phố, hạn chế tai nạn ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, còn có những con đường bị bỏ quên. Điển hình là đoạn đường nối giữa đường Lương Thế Vinh và đường Nguyễn Duy Hiệu.

Với chiều dài gần 2km, song chiều rộng của con đường này khá phức tạp, chỗ hẹp nhất chừng 6m, còn chỗ rộng thì khoảng 13m, lại là nơi dân cư tập trung rất đông. Theo tìm hiểu từ trước ngày giải phóng đến nay vẫn chưa một lần nâng cấp vẫn giữ y nguyên bụi mù khi nắng và lầy lội lúc mưa. Sự nâng cấp của con đường có chăng cũng chỉ là có đoạn đổ đất, đá cấp phối lởm chởm càng nguy hiểm. Con đường này được thành phố đặt tên Lê Hữu Trác, còn người dân chỗ đặt Lê Hữu Trác, chỗ lại là Nguyễn Duy Hiệu...

Một đoạn đường nữa bị bỏ quên khá điển hình, là đoạn đường Trần Hưng Đạo nối dài đến chân cầu Nguyễn Văn Trỗi khoảng 400m. Được biết, đường Trần Hưng Đạo đã đưa vào sử dụng gần 6 năm nay, nhưng không hiểu vì lý do gì đoạn đường nối chân cầu Nguyễn Văn Trỗi này vẫn hoang sơ, đường đất bụi, lởm chởm đá đầy những ổ voi, ổ trâu.

 Thấy vậy người dân còn tranh thủ đổ xà bần chất thành đống cao làm cho con đường vốn khó đi càng thêm khó. Đây là đoạn đường quan trọng để vận chuyển vật liệu, hàng hóa từ bên kia sông Hàn sang quận Sơn Trà. Vì thế, dần dần con đường trở nên sâu hoắm, là nỗi ám ảnh của các lái xe.

Còn việc đặt tên cũng rối bời: Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng ghi, đường Trần Hưng Đạo, phía đối diện Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực II lại ghi "lô C1 Bạch Đằng Đông". Đó là đoạn đường Trần Hưng Đạo nối với chân cầu Nguyễn Văn Trỗi còn đầu kia của con đường bắt đầu từ ngã ba theo dọc sông Hàn rẽ phải là lại đến đường Nguyễn Văn Trỗi chia làm hai làn đường, một bên cao một bên thấp (tạo thành một gờ cao khoảng chừng 7cm).

Đó là do con đường mới được thi công nâng cấp một bên đổ thêm nhựa cao còn một bên vẫn chưa thi công. Điều đó đang tạo nên một gờ chia cắt hai phần đường rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đã có nhiều vụ tai nạn không đáng có chỉ vì hai phần đường cao, thấp này.

Còn với Bàu Thạc Gián trước từng được xem là sình lầy, bãi chứa rác, được sự đầu tư của thành phố nay là đường Hàm Nghi khang trang rộng rãi. Ấy vậy mà chỉ còn một đoạn đường nhỏ phía Đông của Bàu Thạc Gián vẫn hoang sơ, ở dạng sơ khai với tình trạng lộn xộn, ô nhiễm như trước kia.

Dầu đường Đỗ Quang đã làm đẹp còn nếu đi tiếp theo bờ bàu (mặt sau) là con đường đất mấp mô, gồ ghề và quanh co. Người dân nơi đây vẫn than với nhau "chỉ khi đi đến đường Đỗ Quang mới hết khổ...", còn với số nhà người dân tự đánh số nhà đặt tên cho đoạn đường này. Vì thế, mà cùng một đoạn đường nhưng lại một số nhà đánh số là "1A Đỗ Quang", có nhà lại đánh số là "ngã ba Đỗ Quang - Văn Cao", một số khác lại ghi trước cổng nhà là đường Hàm Nghi.

Không thể phủ nhận thành phố đã dành rất nhiều tiền của, công sức để sửa chữa, nâng cấp chỉnh trang đô thị. Bộ mặt thành phố có nhiều đổi mới tích cực. Song, bên cạnh sự văn minh lịch sự của những dãy phố mới vẫn còn xen lẫn nỗi lo, sự khó khăn vất vả của người dân nơi những con đường chưa nâng cấp, chưa làm. Qua bài phản ánh này rất mong các cơ quan chức năng nhìn lại những con đường này để không "bất công", "bỏ sót" khá nhiều con đường như trên, làm lòng dân không yên

Minh Thành
.
.
.