Những cuộc tình trá hình ở miền sơn cước: Bài học xót xa khi niềm tin đặt nhầm chỗ

Chủ Nhật, 25/08/2013, 16:26
Ở bản Nậm Chim 2, xã Si Pa Thìn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, những cô gái ở tuổi 27 như Sùng Thị Súa đã coi như bị muộn chồng. Bởi vậy mà khi có người tán tỉnh yêu đương, đề nghị đưa về làm vợ, Súa lập bập đi theo mà chẳng cân nhắc thiệt hơn. Để rồi, khi ngồi tại cơ quan Công an, Súa mới biết rằng, mình chỉ là một trong những cô vợ trá hình của kẻ chuyên buôn người. Sống tại nơi quanh năm núi giăng, mây phủ, nhiều cô gái người dân tộc đã bị những gã dẻo mồm tán tỉnh để rồi mắc bẫy. Tục “bắt vợ” ở vùng cao đang bị nhiều đối tượng lợi dụng để lừa tình các cô gái.

Lộ mặt những gã chồng trá hình  

Dù mới quen biết Thào A Hòa, 34 tuổi, trú tại bản Nậm Là, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên nhưng Sùng Thị Súa đã tin hoàn toàn vào những lời đường mật của Hòa. Gặp nhau ít vì đường xa cách trở nên Súa và Hòa thường xuyên trao cho nhau lời thương yêu qua điện thoại. Hòa hứa hẹn một ngày gần nhất sẽ rước Súa về làm vợ. Hòa điện thoại cho người yêu, hỏi lại Súa, nếu đồng ý lấy mình thì sẽ cho người đến đón lên Lào Cai để lấy Hòa. Súa nhận lời mà không mảy may nghi ngờ tình cảm của Thào A Hòa. Hòa bảo Lý A Lấu (22 tuổi, trú tại bản Huổi Nụ, xã Nà Khoa, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) đến đón Súa và hứa sẽ trả Lấu 12 triệu đồng.

Súa mặc thật đẹp, thấp thỏm chờ người đón mình đi gặp chồng tương lai. Súa đâu ngờ, cô đang tự đưa mình vào một đường dây buôn người có tổ chức của những kẻ lẻo mép kia. Chỉ khi được đưa về trụ sở Công an huyện Mường Chà vào lúc Súa đang cùng Lấu đi từ xã Si Pa Phìn ra trung tâm huyện Mường Chà, cô gái nhẹ dạ mới thấy mình thật may mắn. Lấu khai, anh ta nhận trước 3 triệu đồng của Thào A Hòa để đưa Súa sang Lào Cai bán. Sau đó, Công an huyện Mường Chà phối hợp với Công an tỉnh Điện Biên bắt giữ đối tượng Thào A Hòa. Điều tra mở rộng vụ án, Hòa đã lộ mặt một kẻ buôn người chuyên nghiệp bằng thủ đoạn lừa tình các cô gái miền sơn cước. Cơ quan Công an làm rõ chỉ riêng trong 1 tháng, Hòa đã lừa tình hai nạn nhân khác ở huyện Mường Nhé.

Cũng bằng thủ đoạn lừa tình, Sùng A Sử, 32 tuổi và Sùng A Dũng, 18 tuổi, đều trú tại bản Nậm Tin 1, xã Chà Cang, huyện Mường Nhé đã tiếp cận hai cô gái người Mông là Sùng Thị Là, 25 tuổi và Hạng Thị Chu, 24 tuổi ở bản Phi Giàng 1, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.

Sau nhiều ngày không thấy con gái về nhà, ông Hạng Pàn Tủa và Sùng A Chù nghi con gái bị đưa sang Trung Quốc nên mới đến cơ quan Công an phản ánh. Khoảng 1 tuần sau, hai cô gái đột ngột trở về và tố giác hành vi lừa bán người của hai đối tượng Sử và Dũng. Là và Chu tố cáo, họ đã gặp hai nam thanh niên ở một cửa hàng tạp hóa tại bản. Hai đối tượng này rủ Là và Chu đi chơi, tán tỉnh và ngỏ ý muốn lấy hai cô làm vợ. Là và Chu đồng ý về thăm nhà họ ở xã Chung Chải, huyện Mường Nhé. Hai đối tượng đưa Là và Chu bằng xe máy xuống huyện Tuần Giáo và bắt xe khách đi Hà Nội. Từ Hà Nội, chúng chuyển sang đi xe khách tuyến Hà Nội – Lào Cai. Đến khu vực biên giới Lào Cai, chúng giao Là và Chu cho một người đàn ông lạ mặt. Khi các đối tượng chưa kịp lấy tiền thì hai cô gái đã phát hiện mình bị lừa nên bỏ trốn.

Từ trình báo của hai cô gái, Phòng PC45 Công an tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Công an huyện Tủa Chùa, Công an huyện Mường Nhé triển khai các biện pháp nghiệp vụ, làm rõ và bắt hai đối tượng Sùng A Sử và Sùng A Dũng. Chúng khai, khoảng giữa tháng 5/2013, đối tượng Giàng A Minh ở Lào Cai điện thoại cho Sử, nói Sử đi tìm phụ nữ giao cho Minh để bán sang Trung Quốc. Mỗi phụ nữ Sử sẽ được trả 20 triệu đồng. Sử cùng Dũng dùng tên, tuổi, địa chỉ giả tán tỉnh Là và Chu, vờ lấy về làm vợ. 

Phiên tòa xét xử lưu động đối tượng Giàng Thị Dung tại xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa.

Tục “bắt vợ” ở vùng cao bị lợi dụng

Nói về những lý do khiến những kẻ buôn người dễ thực hiện hành vi phạm tội đối với thiếu nữ người dân tộc, Thiếu tá Lò Văn Minh, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Điện Biên cho biết, công tác điều tra, khám phá các vụ án buôn bán phụ nữ ở vùng cao thường gặp khó khăn do một nguyên nhân khá đặc biệt. Đồng bào dân tộc có phong tục “bắt vợ”, tức là tục lệ đưa người yêu về nhà ở trước rồi mới cưới. Nhiều cô gái được các chàng trai đưa về nhà ở nhưng không báo trước cho bố mẹ cô gái biết. Cũng bởi phong tục này nên khi con gái vắng nhà vài ngày, nhiều ông bố bà mẹ cho rằng con đã đến tuổi lấy chồng, chắc có ai đó bắt về làm vợ nên không nghi ngờ và đi tìm. Chỉ khi con gái đi thời gian dài và có nghi vấn, họ mới trình báo Công an. Khi đó, các nạn nhân đã bị đối tượng đưa sâu vào nội địa Trung Quốc khiến việc bắt giữ, giải cứu gặp nhiều khó khăn. Cũng bởi phong tục “bắt vợ” nên các cô gái dễ bị sa chân vào đường dây buôn bán người.

Thiếu tá Minh cũng cho biết, do các nạn nhân ít tiếp xúc với xã hội, trình độ nhận thức thấp nên dễ nghe theo lời kẻ xấu. Bởi vậy, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc tại vùng sâu, xa là đặc biệt quan trọng. Mới đây, bà con xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa được chứng kiến phiên xét xử lưu động vụ buôn bán phụ nữ đối với đối tượng Giàng Thị Dung để bà con nhận ra và tránh mắc bẫy những kẻ buôn người. Chỉ vì trình độ nhận thức nên hai cô gái Sùng Thị Thào,20 tuổi; Sùng Thị Mỷ, 13 tuổi nghe lời Dung đi sang Trung Quốc lấy chồng. Cũng vì cả tin nên 5 em gái ở bản Nậm Ngà 1, xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ đã nghe theo lời Khoàng Thị Sen ở cùng bản sang Trung Quốc làm gái bán dâm. Rất may, các em đã được giải cứu trở về. Đối tượng Sen đã bị bắt đầu tháng 8 này.

Chỉ trong khoảng 6 tháng đầu năm 2013, Công an tỉnh Điện Biên đã giải cứu 8 nạn nhân trong các vụ buôn bán người. 8 nạn nhân may mắn được trở về với gia đình nhưng vẫn còn không ít phụ nữ tiếp tục tin vào lời ngọt ngào ong bướm của những kẻ giăng bẫy tình. Phong tục “bắt vợ” của người dân tộc đã bị chúng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Bởi vậy, việc nâng cao cảnh giác cho bà con vùng đồng bào dân tộc là rất cần thiết và là trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền ở địa phương

Hà Hằng
.
.
.