Những chuyện không phải cổ tích

Thứ Tư, 03/03/2010, 13:30
Một trong những việc làm được coi điển hình trong thập kỷ qua chính là việc Bộ đội Biên phòng cứu một bộ tộc thoát khỏi nguy cơ diệt chủng, đưa họ từ lối sống mông muội thời nguyên thủy, từng bước hòa nhập cộng đồng. Câu chuyện kỳ diệu đến mức có người coi như cổ tích.

Không chỉ tuần tra, bảo vệ an ninh biên giới, những người lính Biên phòng gắn với các hoạt động làm kinh tế, khai truyền văn hóa, giáo dục đối với đồng bào biên cương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Hơn 10 năm về trước, người Chứt ở Hương Khê, Hà Tĩnh sống hoang dã trong những cánh rừng sâu, trong các hang đá biên giới Việt - Lào. Năm 2001, từ sự phát hiện và cứu giúp của Biên phòng Đồn 571, 575, tộc người Chứt đã được đưa ra khỏi rừng, thành lập một bản mới với tên gọi Rào Tre (gồm 30 hộ, 120 nhân khẩu).

Khi mới lập, bản không một ai biết chữ, các anh Biên phòng đến từng nhà vận động và dạy chữ, dạy họ cách nấu ăn thay cho ăn tươi nuốt sống. Khó có thể ngờ, cảnh mông muội như vậy mà giờ đây đã sang trang. Đầu năm nay lên Rào Tre, tôi bất ngờ khi biết bản đã có hai em đang là sinh viên đại học (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội).

Trưởng bản Hồ Kính nói tiếng Việt khá sành, rằng bản làng bây giờ ai cũng biết con đi học hơn ở nhà, ai cũng biết ăn chín uống sôi, mặc quần áo thay lá rừng, ngủ giường thay hang đá... Đó là nhờ các chú Biên phòng, các cô giáo bên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố. Giờ người dân Rào Tre đã hết mặc cảm, tự ti, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, ví như chị Hồ Nam từ một phụ nữ mù chữ hoàn toàn đã biết cách học, rồi làm vườn, chăn nuôi, trở thành người làm kinh tế giỏi nhất bản, được kết nạp Đảng, được bầu làm đại biểu HĐND huyện Hương Khê...

Những người lính Biên phòng đã thực hiện theo phương châm "cho cần câu hơn cho con cá", đó là cách vực dậy đói kém và lạc hậu để dân bản có bước tiến vững hơn. Nhớ lần về Đồn Biên phòng Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An), một đồn đóng tận biên giới xa xôi, những người lính ở đây nói đùa rằng, lâu ngày quên chuyện nhớ vợ, mà nếu có về thăm vợ thì cũng đặng không ở nhiều vì nhớ bản. Dạo đó, các anh Biên phòng Nậm Cắn vừa cứu được một người thoát lưỡi hái thủy thần, người bản đến mừng rượu đông lắm.

Số là, khuya ngày 26/9/2009, tại khu vực cống xã Nậm Càn, nước suối dâng cao chảy xiết đã cuốn Lê Thị Thủy, giáo viên trường mầm non. Những anh lính Biên phòng không do dự nhảy ào xuống, sau một lúc vật lộn lũ dữ thì kéo được cô giáo Thủy lên bờ trong tình trạng hôn mê… Còn tại xã Keng Đu, khi chúng tôi có mặt, những người lính Biên phòng trở thành thợ xây khi đang gấp rút hoàn thiện Trường Tiểu học Keng Đu với mô hình nhà bán trú có tổng diện tích sử dụng 120m2 được làm bằng gỗ…

Đồn Biên phòng 348 tỉnh Phú Yên tuần tra bảo vệ an ninh trật tự vùng biên.

Người Mông ở huyện Kỳ Sơn, miền Tây xứ Nghệ, trong nhiều gia đình có thói quen treo ảnh gia đình chụp chung với Bộ đội Biên phòng. Theo tục, trước đây người Mông ăn Tết nhiều tháng trời, chỉ rượu chè, đàn đúm, không lo sản xuất nên thiếu đói triền miên. Vậy mà sau gần 10 năm vận động, cuối cùng người Mông ở Kỳ Sơn nghe cán bộ, nghe Biên phòng, đón Tết cổ truyền dân tộc có văn hóa, cuộc sống no ấm, có của để dành…

Nghệ An có hơn 40 vạn người là đồng bào các dân tộc cư trú ở 12 huyện, thị xã, tại 133 xã, thị trấn. Đây là vùng dân cư thưa thớt, miền núi cao, vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp. Một số kẻ xấu lợi dụng tình hình này tuyên truyền, lôi kéo cái gọi là "Vương quốc Mông" để lừa phỉnh đồng bào. Thêm nữa, thời gian gần đây các đối tượng lôi kéo một số người có uy tín trong đồng bào dân tộc di dịch cư trái phép, truyền bá những tư tưởng cực đoan…

Gợi chuyện với sỹ quan Biên phòng, hình dung cảnh người vợ quê xa khăn gói lên thăm chồng ở biên cương lắc lẻo, tôi nhớ hình ảnh nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn lên Tây Bắc thăm chồng dạo trước. Sau khi về, chị làm bài thơ nổi tiếng, đưa vào sách giáo khoa tiểu học: Chúng em trong bản nhỏ/ Phơi thật nhiều cỏ thơm/ Để mùa đông đem tặng/ Ngựa biên phòng yêu thương…

Một lực lượng chọn nơi xanh biển, xanh rừng làm chỗ đồn trú và làm việc, giờ người ta quen với màu xanh dung dị vốn đem lại sự bình yên trong mỗi ngôi nhà, mỗi bản làng, ngõ xóm. Và họ cũng quen cách ở lại nơi biên cương với đào rừng, ban trắng mỗi độ xuân về, Tết lại.

Biên cương trập trùng núi biếc
Bồng bềnh mây trắng hơi sương
Khói chiều, rừng vàng ngả bóng
In hình chiến sĩ biên cương…

Nhớ hôm gặp mặt báo chí Xuân Canh Dần, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết xúc động khi nói việc thực hiện nhiệm vụ của các chiến sỹ lực lượng vũ trang trong thời điểm thiêng liêng. Do đặc điểm công tác, Tết nào, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang cũng phải phân công ứng trực, tuần tra bảo vệ an ninh - quốc phòng, giữ gìn trật tự xã hội, ít được sum họp cùng gia đình. "Tôi cũng tin rằng, những lúc họ vất vả, khó nhọc đảm trách nhiệm vụ, dẫu ở biên cương, hải đảo thì đó cũng chính là khi họ nhận được niềm vui, hạnh phúc có ý nghĩa thiêng liêng, lớn lao. Đó là niềm vui được tạo niềm vui cho người khác, giữ hạnh phúc cho nhân dân" - Chủ tịch nước chia sẻ. Sự ghi nhận đó đã đánh giá cả mặt vất vả công việc và ý nghĩa của sự hạnh phúc mỗi cán bộ, chiến sỹ…

Đồn Biên phòng 348 tỉnh Phú Yên tuần tra bảo vệ an ninh trật tự vùng biên

Trung tá Lê Văn Vàng - Chính trị viên Đồn Biên phòng 348 cho biết, đơn vị đảm nhiệm bảo vệ ANTT tuyến biển huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên với gần 40km qua các xã An Ninh Đông, An Ninh Tây, An Hải, An Hòa, An Mỹ và An Chấn. Ngoài đầm Ô Loan rộng lớn cùng cửa sông Bình Bá, Lễ Thịnh và nhiều ghềnh đá nhấp nhô ven biển với địa hình ven bờ phức tạp, phía biển còn có nhiều đảo như hòn Chùa, hòn Yến, hòn Lao Mái Nhà… Toàn tuyến có gần 1.800 tàu thuyền các loại, trong đó có 184 tàu thuyền hoạt động xa bờ, 7.309 ngư dân bám biển sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản với nhiều loại hình giã cào, lưới rút, lưới vây, lưới cản, mành xúc, câu mực, cá ngừ đại dương…

Khi ngư dân tin yêu, cảm phục, người lính biên phòng trở thành những đứa con thân thiện của mỗi nhà, qua đó họ nắm bắt kịp thời những dấu hiệu phát sinh liên quan đến ANTT để chủ động đấu tranh phòng chống hiệu quả. Cũng từ tai mắt quần chúng, trong năm qua Đồn biên phòng 348 đã phát hiện xử lý hành chính 7 vụ vi phạm về ANTT, kịp thời hòa giải ổn thỏa một vụ tranh chấp ngư trường, truy bắt và thu giữ 15 công cụ đánh bắt hải sản mang tính hủy diệt. Nhiều năm qua Đồn biên phòng 348 được công nhận là đơn vị Quyết thắng, Chi bộ trong sạch vững mạnh. Thế nhưng với những người lính ở đây có một phần thưởng vinh hạnh là người dân luôn đặt trọn niềm tin nơi họ và Tuy An cũng là tuyến biên phòng an toàn về ANTT.                                        

Phan Thế Hữu Toàn

Đăng Trường
.
.
.