Những câu chuyện giải cứu người lao động Việt Nam tại Libya

Chủ Nhật, 13/03/2011, 11:53
Đó là câu chuyện về 5 tổ công tác liên ngành của Chính phủ cử đến các nước Hy Lạp, Malta, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Tuynidi để đón hơn 10 ngàn lao động ở Libya về nước. Chuyện về những ông chủ là người nước ngoài đã không "bỏ chạy thoát thân" mà tìm mọi cách để lo bảo đảm an toàn cho lao động Việt Nam. Đó còn là câu chuyện về những người nổi dậy ở Libya không chĩa vũ khí vào lao động Việt Nam, bởi hai tiếng Việt Nam đã thực sự gây ấn tượng tốt đẹp đối với họ từ lâu.

Chuyện kể từ Tripoli

Sáng 21/2, đồng hồ chỉ sang 10h35' sáng ở Tripoli thủ đô của Libya, ông chủ người Thổ Nhĩ Kỳ của Công ty Cukurova, một công ty chuyên làm xây dựng, cầm bút đi ký giờ công cho hơn 500 công nhân người Việt. Buổi sáng, công nhân cần mẫn làm được 4 tiếng, nhiều người còn xin đăng ký làm cả giờ trưa để kiếm thêm thu nhập. Ông chủ người Thổ mỉm cười mãn nguyện với những lao động Việt Nam.

Bỗng tiếng xô cửa ầm ầm, rồi nghe tiếng súng nổ đinh tai, ổ khóa cổng của Công ty Cukurova vỡ toang, khoảng gần 100 người mang súng, hơi cay, lựu đạn, lao vào công ty. Tiếng quát tháo, xì xồ của họ làm ông chủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng như lao động Việt Nam tái mặt. Một hai người hô: "Vietnam, Vietnam", lập tức gần cả trăm người cũng hô "Vietnam, Vietnam". Một người có vẻ như cầm đầu nhóm, xồ ra một tràng tiếng Libya, rồi chuyển qua nói tiếng Anh.

Người lao động vừa về từ Libya đang kể chuyện với phóng viên Báo CAND.

Mọi người ớ ra không hiểu, may có anh Nguyễn Văn Đức, người Thanh Chương, Nghệ An biết Anh ngữ phiên dịch. Đại ý nhóm nổi dậy cho biết, họ chỉ đập phá, lấy tài sản của các ông chủ là người nước ngoài, không đàn áp người lao động mà chỉ yêu cầu phải về nước. Họ rất trân trọng lao động Việt Nam vì Việt Nam là đất nước anh hùng.

Nghe nhóm nổi dậy nói vậy, vợ chồng ông chủ Thổ Nhĩ Kỳ lập tức len vào đứng giữa cộng đồng lao động Việt Nam. Có lẽ ông biết cùng với lao động người Việt, ông sẽ được bảo vệ an toàn tính mạng. Nhóm nổi dậy đã đập phá cả công ty, rồi bỏ đi. Lập tức, lao động Việt Nam chạy ra khỏi cổng Công ty Cukurova và chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng; hàng trăm ngàn lao động của các nước đang chạy nháo nhác khắp các đường phố thủ đô. Tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ chát chúa ở nhiều ngã ba, ngã tư đường phố. Nhiều ngôi nhà cháy rừng rực. Hàng ngàn lao động chen lấn, xô đẩy tìm cách chạy thoát thân.

Được yêu quý nhờ "thương hiệu" quốc gia

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sở dĩ lao động Việt Nam không chạy loạn để bị kẹt lại giữa Libya là nhờ hàng trăm ông chủ người nước ngoài của các công ty sử dụng lao động Việt Nam đã không "cao chạy xa bay" mà khi nổ ra bạo loạn vẫn sát cánh với người lao động. Họ đã tập hợp lao động Việt Nam theo từng công ty, rồi hướng dẫn lao động chạy ra đường biên giới để qua nước thứ ba.

Chẳng hạn như vợ chồng ông chủ Công ty Cukurova người Thổ Nhĩ Kỳ, khi biến cố xảy ra, chỉ ít giờ xe chạy hoặc mấy chục phút bay là đã có thể về quê an toàn. Nhưng không, họ đã ở lại cùng lao động Việt Nam. Họ chạy đôn chạy đáo để mua nhiều mỳ ống, nước uống cho lao động Việt Nam. Khi hơn 500 lao động người Việt của Công ty Cukurova lên được máy bay về nước, ông chủ công ty còn phát mỗi người 100 USD để động viên, mặc dù trong lúc đó, công ty của ông đã bị đốt cháy, cướp phá.

Lao động Việt Nam, trong đó có lao động theo hợp đồng của Vinaconex được đưa kịp thời từ biên giới Tunisia về nước an toàn.

Theo anh Nguyễn Tông Dũng (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), lao động của Công ty Cukurova vừa mới về nước 2 ngày qua thì "Không chỉ có ông chủ ở Công ty Cukurova nơi anh làm không bỏ rơi lao động Việt Nam mà ở các công ty khác có người lao động Việt Nam làm việc cũng vậy. Họ đều tìm cách đưa lao động người Việt thoát hiểm. Một phần là lao động Việt Nam hàng ngày làm việc tích cực, chịu khó, không cãi vã, đánh đập nhau, năng suất lao động cao. Một phần là nghe đến Việt Nam, các ông chủ người nước ngoài cũng như người dân bản địa rất khâm phục, nể trọng và yêu mến".

Ngày 2/2, sau một tuần xảy ra biến cố, hơn 10 ngàn lao động Việt Nam đã được các ông chủ nước ngoài hướng dẫn chạy ra biên giới các nước giáp Libya an toàn. Tại các trại tị nạn dọc biên giới Tuynidi, người lao động buộc phải chịu đói, chịu khát nhưng hoàn toàn không bị cô độc. Các tổ công tác của Chính phủ phối hợp với các tổ chức nhân đạo quốc tế, ông chủ sử dụng lao động tìm cách tiếp tế mỳ ống, nước uống cho lao động Việt Nam.

Cầu hàng không lịch sử

Ngay sau khi xảy ra biến sự ở Libya, Chính phủ đã tổ chức họp gấp và đưa ra phương án lập cầu hàng không đưa hơn 10 ngàn lao động từ Libya về nước. Đó là một quyết sách cực kỳ quan trọng, kịp thời. Ban chỉ đạo đưa lao động Việt Nam từ Libya về nước đã nhất trí việc lập một Trung tâm điều hành tại Tuynidi do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng phụ trách; cử 5 tổ công tác liên ngành đến các nước Hy Lạp, Malta, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Tuynidi.

Bà con làng xóm ở xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đến chia vui với gia đình anh Nguyễn Tông Dũng mới về từ Libya.

Chiều tối ngày 26/2, đoàn công tác đầu tiên đã lên đường. Ngay trong đêm 26/2, chúng ta đã đưa được 546 lao động về nước an toàn. Đêm 28/2 có một chuyến chuyên cơ tiếp tế 10 tấn lương thực, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm cần thiết cho lao động Việt Nam tại Libya và đón thêm 300 lao động về nước.

Chỉ trong vòng 3 ngày, các tổ công tác đã tổ chức di chuyển được hơn 10 ngàn lao động từ Libya qua nước thứ ba để về nước bằng đường hàng không và tàu thủy, đó thực sự là cả một sự cố gắng của các tổ công tác. Bằng lương tâm và trách nhiệm, nhiều cán bộ trong các tổ công tác đã cùng chịu đói, chịu khát với người lao động nhiều ngày.

Mỗi chuyến bay đưa lao động Việt Nam về nước lại thắp lên triệu niềm vui không chỉ đối với lao động và người thân của họ mà còn cả người dân Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tuân - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Vinaconex:

Ông Nguyễn Văn Tuân - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Vinaconex.
Chiến dịch giải cứu người lao động từ Lybia về nước thành công bắt nguồn từ sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, hết sức hiệu quả của Chính phủ mà trực tiếp là Ban chỉ đạo giải quyết tình hình lao động Việt Nam tại Bắc Phi và Trung Đông. Đồng thời, thể hiện tinh thần cộng đồng rất cao của người Việt Nam trên khắp thế giới, trách nhiệm đến cùng của các đơn vị làm dịch vụ xuất khẩu lao động, của chủ sử dụng lao động đối với sự an toàn tính mạng và tài sản của người lao động, trong đó có cán bộ và lao động Vinaconex.

Đây là sự việc chưa có tiền lệ nằm ngoài mong muốn của tất cả chúng ta. Vì thế, ngoài sự nỗ lực còn cần tới sự sẻ chia của cả cộng đồng đối với người lao động trở về nước trước thời hạn; của doanh nghiệp đối với doanh nghiệp và của Nhà nước đối với doanh nghiệp… mới mong sớm khắc phục hậu quả. Phần mình, Vinaconex sẽ giải quyết quyền lợi cho người lao động theo quy định.

Bên cạnh đó, các chủ sử dụng lao động bằng khả năng cao nhất tài trợ, giúp đỡ người lao động; tích cực xúc tiến các hợp đồng lao động khác để ưu tiên cho số lao động này ra nước ngoài làm việc; trước mắt, nhiều đơn vị thành viên Vinaconex sẵn sàng nhận các lao động vừa trở về từ Lybia vào làm việc nếu phù hợp với khả năng và nguyện vọng của họ.

Dương Sông Lam
.
.
.