Những cánh rừng thông Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị chặt phá

Thứ Năm, 28/11/2013, 20:37
Nhiều năm qua, những cánh rừng thông đẹp nhất Tây Nguyên như dọc các tuyến quốc lộ 14, 19 và đường Hồ Chí Minh đã bị tàn phá nghiêm trọng. Hằng ngày, những cánh rừng thông ở đây liên tục bị xâm hại nhưng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương dường như bất lực…

Đi trên những con đường rừng thông dọc các trục quốc lộ 14 và 19 qua Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum… ai cũng cảm thấy tiếc khi nhìn cảnh những cánh rừng thông bị tàn phá khủng khiếp bằng mọi thủ đoạn.

Khu rừng thông lớn nằm dọc trên địa bàn ở xã Cư Né, huyện Krông Buk, Đắk Lắk đã nhanh chóng biến mất sau một thời gian ngắn. Hiện trường còn lại ngổn ngang những gốc thông bị hạ sát tại Tiểu khu 356, bên quốc lộ 14 thuộc địa bàn xã Cư Né. Nhiều cây thông già ứa nhựa có đường kính lên tới 80cm. Tìm hiểu sự việc này, chúng tôi được biết, đã có hàng trăm người dân các buôn Mùi 1, Mùi 2, Mùi 3, xã Cư Né, huyện Krông Buk, Đắk Lắk đến đây tàn phá rừng để chiếm đất. Nhiều cánh rừng thông xung quanh địa bàn Krông Buk, Đắk Lắk, người dân đã ken gốc, cho chết từng ngày để chiếm đất. Theo lãnh đạo chính quyền huyện Krông Buk, Đắk Lắk thì tình trạng phá thông ở địa bàn đã xảy ra từ lâu nhưng các giải pháp xử lý chưa thể ngăn chặn dứt điểm.

Tại địa bàn huyện Đăk Glei, Kon Tum, lâm tặc phá rừng thông hàng chục năm tuổi với quy mô lớn. Đây là khu rừng sản xuất tại Tiểu khu 96, thuộc xã Đak Pét, huyện Đăk Glei, do Lâm trường Đak Pô Kô quản lý. Tại hiện trường, ngổn ngang những cây thông to, có đường kính từ 30cm đến 50cm bị chặt hạ. Theo điều tra, tình trạng phá rừng thông ở đây rộ lên từ đầu năm đến nay do một số đối tượng thực hiện theo phương thức ken cây ở gốc chờ thông chết dần để chiếm đất làm nương rẫy trái phép... Đã có hàng chục hécta rừng thông tại huyện Đak Glei bị phá mà Lâm trường Đak Pô Kô không thể ngăn chặn được.

Rừng thông ở Mang Yang, Gia Lai đang bị tàn phá từng ngày.

Giải thích về sự bất lực của việc để mất rừng, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đăk Glei, đơn vị quản lý Lâm trường Đak Pô Kô cho rằng, do có thông tin tại Tiểu khu 96 được UBND huyện Đăk Glei, Kon Tum đưa vào vùng quy hoạch khu vực các cơ quan hành chính của huyện Đăk Glei trong tương lai, nên nhân dân thôn Đông Thượng, xã Đak Pét đã phát gốc cây thông để trồng mì và bời lời nhằm mục đích sau này khi UBND tỉnh thu hồi đất chuyển mục đích sử dụng sẽ được bồi thường…

Còn rừng thông ở quốc lộ 19 thuộc địa phận huyện Mang Yang, Gia Lai cũng tan nát từng ngày. Báo chí đã phản ánh nhiều về tình trạng phá rừng ở đây nhưng xem ra công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương vẫn chưa đem lại hiệu quả. Những ngày gần đây, đi tìm hiểu thực tế những cánh rừng thông ở Mang Yang, chúng tôi vẫn còn thấy liên tiếp diễn ra cảnh những cây thông to bị ken gốc chặt phá dần để chiếm đất. Theo Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, Gia Lai, Nguyễn Như Phi, tình trạng phá rừng ở đây rất khó phát hiện nên huyện đã chỉ đạo thành lập tổ công tác đột xuất để có kế hoạch xử lý nạn phá rừng thông, chiếm đất ở địa phương.

Đáng chú ý là nạn phá rừng thông, chiếm đất ở Mang Yang (Gia Lai) có liên quan đến một số cán bộ địa phương và cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa nên việc xử lý càng rất phức tạp. Cụ thể như lợi dụng việc giao khoán trồng rừng, ông Phạm Đức Linh, kế toán Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa đã phá rừng trồng tiêu và xây nhà tạm trên diện tích 0,9ha… nhưng chưa được xử lý nghiêm minh. Có những diện tích rừng bị phá nhưng sau đó đã hợp lý hóa thành đất ở, đất sản xuất nên những kẻ phá rừng càng coi thường kỷ cương phép nước và rừng thông ở đây vẫn tiếp tục bị tàn phá

Ngọc Như
.
.
.