Những bước chân lần tìm ánh sáng

Thứ Hai, 31/05/2010, 13:45
Hội Người mù Bình Dương hiện có 6 em học tại Trường THCS Phú Hòa (phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương). Để đến trường, hằng ngày, các em phải dắt díu nhau trên đường, lần tìm từng bước. Ngày lại ngày, người ta vẫn thường gặp những bước chân nhỏ bé của các em đang kiên trì nhẫn nại, lần tìm ánh sáng.

Con đường đến với con chữ tuy có gian truân vất vả nhưng đối với các em - những học sinh khiếm thị, được cắp sách đến trường, hòa nhập với cộng đồng là niềm mơ ước, là hạnh phúc.

Những cuộc đời bất hạnh

Chị Huỳnh Thị Khuyên - Phó Chủ tịch Hội Người mù, tỉnh Bình Dương cho biết: "Tỉnh hội có 18 em khiếm thị đang theo học từ lớp 1 đến lớp 8. Trong đó có 6 em là: Phạm Văn Đức, Hà Thị Thùy Trang, Hà Thị Phương Trinh, Bồ Thị Thu Thủy, Bùi Văn Cảnh, Trương Thanh Tùng đang theo học tại Trường THCS Phú Hòa, còn lại 12 em đang học tại các lớp cấp 1 do Tỉnh hội tổ chức. Mắt sáng học cái chữ đã khó, các em đều là khiếm thị, phải học bằng chữ nổi, vất vả hơn nhiều. Với ước mơ sau này được hòa nhập cộng đồng sống có ích nên em nào cũng chăm chỉ, ngoan ngoãn kiên trì học tập…".

Đến Tỉnh hội Người mù, em đầu tiên mà chúng tôi gặp gỡ là Bùi Văn Cảnh (hiện là học sinh lớp 7A1 Trường THCS Phú Hòa). Cảnh tâm sự: "Cháu sinh năm 1993, ở huyện Bến Cát, bị mù từ bé. Năm 2001, cháu được ba mẹ dẫn đến Tỉnh hội Người mù Bình Dương cho theo học chữ nổi. Ba mẹ cháu sinh được ba người con, duy chỉ có cháu là con trai mà bị mù nên ba mẹ cháu buồn lắm. Mẹ cháu khóc hoài, đến mờ cả mắt. Thấy trước mắt mình chỉ là bóng đêm vô tận, cháu cũng buồn và mặc cảm với cảnh đời của mình nhưng đến đây, thấy nhiều bạn cùng tuổi cũng bị mù lòa như cháu nhưng bạn nào cũng sống vui, ham học nên dần cháu thấy tự tin hơn, giờ đã được đi học, được biết chữ, cháu thấy thật hạnh phúc và cần phải cố gắng học giỏi để tự vươn lên".

Học sinh khiếm thị trong giờ lên lớp.

Cùng chung số phận như Bùi Văn Cảnh nhưng hoàn cảnh của hai chị em ruột Hà Thị Thùy Trang, Hà Thị Phương Trinh lại éo le hơn. Nhà ở xã Tân An (thị xã Thủ Dầu Một), Trang và Trinh được cha mẹ gửi xuống Hội Người mù từ năm 2000, Trang và Trinh đều rất chăm chỉ học tập. Nay Trang đã theo học lớp 8, Trinh học lớp 6 Trường THCS Phú Hòa. Học bằng chữ nổi, lại học chung với các em không khiếm thị nên Trang và Trinh gặp rất nhiều khó khăn trong ghi chép bài cũng như tiếp thu kiến thức nhưng nhờ nghị lực của các em và sự giúp đỡ của thầy cô giáo, bạn bè nên Trang và Trinh đã liên tục đạt học sinh giỏi, học sinh tiên tiến của trường.

Những bước chân tìm ánh sáng

Cháu Trương Thanh Tùng kể: "Từ nơi chúng cháu ở tới Trường THCS Phú Hòa phải đi qua mấy đoạn đường lúc nào cũng đông phương tiện và người đi bộ qua lại. Chúng cháu dắt díu nhau lần bước trên các vỉa hè thì đụng hàng quán rong, xe gắn máy của các bác xe ôm, những người đi bộ… Vì vậy, từ nơi ở đến trường chỉ hơn 1km nhưng để khỏi muộn học, chúng cháu phải đi sớm cả tiếng đồng hồ. Đi từ nơi ở đến trường rồi đi từ trường về nơi ở, ngoài đôi bàn chân, những người khiếm thị như chúng cháu còn phải nghe bằng tai, dò đường bằng tay, có bao nhiêu giác quan cũng phải dùng hết, khổ là như vậy nhưng được cắp sách đến trường, được hòa nhập cộng đồng có nhiều bạn bè là chúng cháu cảm thấy vui lắm rồi".

Cô giáo Đặng Thị Thu Phương - người đã gắn bó 20 năm với lớp học của những em khiếm thị tại Tỉnh hội tâm sự: "Tuy mắt các em bị mù nhưng tâm hồn của các em sống rất tình cảm. Người mù thì làm cái gì cũng khó, việc học hành còn khó hơn nhiều. Vì vậy, để các em hiểu thêm bài, tôi thường giảng lại. Tôi chỉ có thể giúp các em ở các môn xã hội, các môn khác như hình học họa và thể dục… Thì các em phải tự học, tự tưởng tượng mới hiểu được".

Gặp gỡ các thầy cô Trường THCS Phú Hòa, chúng tôi thấy cô nào cũng ca ngợi và khâm phục ý chí, nghị lực, lòng ham học của số các em khiếm thị đang theo học tại trường. Để giúp các em trong học tập, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm phân công những học sinh giỏi trong lớp ngồi kề hướng dẫn và giúp đỡ các bạn khiếm thị trong học tập, sinh hoạt, từ đó đã tạo được những tình bạn thân thiện, các em học sinh khiếm thị không còn mặc cảm xa lạ giữa cộng đồng

Ngọc Ánh
.
.
.