Những biện pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh

Thứ Bảy, 10/05/2014, 15:42
Trước nguy cơ không nhỏ của “dịch chồng dịch”, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế đã tổ chức họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long.

Sau khi nghe về tình hình dịch bệnh và những nguy cơ trong mùa hè này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương có các biện pháp đối phó trước dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh dịch đang chồng lên dịch như hiện nay. Theo đó, trong công tác điều trị, các cơ sở y tế không được chủ quan về tình hình dịch bệnh, mà các bệnh viện (BV) phải chủ động tập trung phòng, chống dịch bệnh.

Từ kinh nghiệm thực tế ở BV Nhi TW trong dịch sởi, khi quá tải làm cho lây nhiễm chéo, số tử vong cao, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Vấn đề giảm tử vong phải được đặt lên hàng đầu, ưu tiên phòng chống lây chéo là nhiệm vụ số một được đặt ra, bằng việc triển khai ở tất cả các cơ sở y tế, chứ không chỉ ở BV tuyến TW.  Các cơ sở y tế phải liên tục rà soát, sửa đổi, bổ sung phác đồ trong điều trị, cũng như đào tạo, tập huấn cho các cán bộ y tế trong điều trị các bệnh truyền nhiễm, để việc cứu chữa người bệnh hiệu quả. Các BV cũng cần trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với dịch, như những kinh nghiệm tốt của BV Nhi đồng I TP Hồ Chí Minh trong việc điều trị sởi, không để tử vong thời gian qua. Lần này, Bộ Y tế đã chú ý đến lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh bằng y học cổ truyền với việc chỉ đạo Cục Quản lý y, dược cổ truyền rà soát lại phác đồ điều trị bệnh trong Đông y, để chỉ đạo hệ thống Đông y tham gia vào quá trình điều trị các bệnh truyền nhiễm.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, các Viện Pasteur đẩy mạnh nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng vi sinh để đánh giá sự biến đổi của virus và đề xuất các giải pháp phòng chống dịch cũng như đẩy nhanh đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia về bệnh sởi ở Việt Nam năm 2013-2014.

Với câu hỏi của PV Báo CAND về việc đối phó thế nào trước một số bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Với những loại bệnh có vaccin phòng bệnh thì nên đi tiêm phòng, còn những bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và thuốc phòng ngừa, lại có thể gây tử vong cao, như viêm đường hô hấp cấp tính tại khu vực Trung Đông (MERS-CoV), cúm A(H7N9), sốt xuất huyết (SXH), tay-chân-miệng (TCM), thì phải dùng cách phòng bệnh không đặc hiệu, tùy theo từng bệnh.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh lây truyền, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Theo đó, để phòng bệnh TCM, khuyến cáo của WHO là có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bằng vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị bệnh, như rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và thay tã cho trẻ; làm sạch môi trường ô nhiễm và các vật dụng bẩn, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường; tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng…) với trẻ em bị bệnh TCM cũng giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh; không cho trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn; luôn lau dọn nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ vv…

Còn với bệnh SXH, cách phòng tránh tốt nhất là không để muỗi chích bằng việc cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ màn cả ban đêm lẫn ban ngày và không để trẻ ở nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp; thoa thuốc chống muỗi để bảo vệ trẻ mọi lúc; chú ý diệt muỗi, diệt loăng quăng bằng đậy kín các nơi chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ; thả cá 7 màu diệt loăng quăng (bọ gậy). Vệ sinh nhà cửa sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu, đổ dầu hôi hoặc muối vào bát nước chống kiến chân tủ thức ăn, để không có chỗ cho muỗi sinh sản, hoặc dùng nhang, thuốc diệt muỗi.

Còn với bệnh MERS – CoV, WHO khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân với việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che mũi và miệng khi ho và hắt hơi, tránh đưa tay chưa rửa sạch lên mắt, mũi, miệng và không nên ăn, uống chung cốc chén với người nhiễm bệnh; thường xuyên khử khuẩn đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa v.v…

Để phòng tránh bệnh cúm A(H7N9), theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, người dân nên thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh; không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y. Nếu có các biểu hiện cúm như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Riêng với bệnh cúm A/H7N9, WHO khuyến cáo khách du lịch không nên đi đến những vùng có dịch bệnh và không nên đi đến các khu vực giết mổ gia cầm. Khi đến vùng dịch, tránh xa các trang trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ bán gia cầm; không nên tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi.

Vì hiện nhiều dịch bệnh lây truyền chưa có vaccin, chưa có cả thuốc điều trị, nên việc chủ động phòng bệnh của từng người dân là rất quan trọng. Nhiều khi, hoàn toàn có thể phòng được bệnh chỉ bằng những việc đơn giản như luôn rửa tay và vệ sinh cá nhân, nhà cửa sạch sẽ. Vì thế, không nên để “mất bò mới lo làm chuồng.”

Để kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh, từ ngày 1/5, Bộ Y tế phối hợp với Viettel tổ chức tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân qua tổng đài 1900.9095 thay thế cho số điện thoại cũ 0973.306.306. Trong 3 tháng đầu từ ngày 1/5 đến ngày 31/7, sẽ vẫn duy trì kết nối song song 2 số điện thoại 1900.90950973.306.306. Sau đó sẽ chuyển việc tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân sang tổng đài 1900.9095.

Thanh Hằng
.
.
.