Những bệnh nhân đón tết dương lịch ở bệnh viện

Thứ Hai, 31/12/2012, 14:57
Những đứa trẻ khóc ngằn ngặt trên tay mẹ; một dãy bếp than tổ ong đỏ lửa trong khu trọ chật chội; gương mặt buồn của người nhà bệnh nhân trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch… khiến chúng tôi chạnh lòng xót xa. Đây chỉ là một góc cuộc sống đời thường của những bệnh nhân không có Tết. Trong khi cả nước được nghỉ Tết Dương lịch 4 ngày thì họ, những bệnh nhân đã phải “ăn Tết” ngay trong bệnh viện.

Nỗi buồn khi Tết về

Con ngõ nhỏ, chật chội, ẩm thấp ở ngay cổng Bệnh viện Nhi TW là nơi ở trọ của hàng trăm bệnh nhi và người nhà khi vào bệnh viện này điều trị. Hôm nay, con ngõ vốn ồn ào, đông đúc là thế bỗng vắng vẻ hơn bởi nhiều người bệnh đã về quê ăn Tết Dương lịch, chỉ còn lại những bệnh nhi nặng thì phải bám trụ.

Chúng tôi đến căn phòng trọ rộng khoảng 10m2 dành cho 20 người (cả người lớn lẫn trẻ em) ở. Sở dĩ họ ở chung như vậy là vì giá rẻ: 15 nghìn đồng/người/ngày. Nếu thuê phòng riêng thì phải 70 nghìn. Người mẹ trẻ vừa ẵm con vừa lùa bát cơm chỉ chực khóc khi chúng tôi hỏi chuyện.

Chị Lê Thị Hằng, quê ở xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho biết: Tháng 8/2012 chị sinh con trai đầu lòng, nhưng vừa chào đời cháu đã gặp bất hạnh khi bị dị tật bẩm sinh: không có hậu môn, dị tật bộ phận sinh dục. Từ Nghệ An, vợ chồng chị đưa con thẳng ra Bệnh viện Nhi TW để mổ cấp cứu. Từ đó đến nay, chị ở luôn tại bệnh viện để trông con. Đứa trẻ vừa tròn 4 tháng tuổi mà đã trải qua 2 lần phẫu thuật đang nằm ngủ thiêm thiếp trên tay mẹ.

Một góc nhà trọ trước cổng Bệnh viện Nhi Trung ương.

Thằng bé càng lớn lại càng kháu khỉnh, khiến vợ chồng chị Hằng như được bù đắp, nguôi ngoai phần nào. Họ đặt tên cho con là Nguyễn Hữu Bảo Long chỉ với hy vọng đứa con lớn lên bình thường, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng mới trải qua bốn tháng cùng con chiến đấu với bệnh tật mà họ đã thấy “sức cùng lực kiệt” bởi con đường chữa bệnh còn rất gian truân.

“Lần đầu bác sĩ mổ làm hậu môn nhân tạo, hai tháng sau lại mổ tạo hình hậu môn và nong hậu môn trong 3 tháng. Bác sĩ bảo tới đây sẽ phẫu thuật một lần nữa để đưa hậu môn nhân tạo xuống, rồi nong tiếp 3 tháng nữa. Thấy người ta về quê hết, em cũng muốn về nhưng không được” - chị Hằng kể.  Mỗi lần nong hậu môn, thằng bé đau khóc ngằn ngặt. Khi ngủ thì thôi, chứ tỉnh là nó lại khóc vì đau. Có sổ hộ nghèo, họ đã vay mấy chục triệu đồng chữa bệnh cho con.

Chồng chị đi làm phụ hồ ở đây, lương được 1,5 triệu đồng/tháng chỉ đủ xoay xở cho gia đình nhỏ ăn ở trong nửa tháng là hết. Chỉ tính riêng tiền ở trọ và tiền nước, mỗi ngày họ đã mất 50 nghìn đồng, 1 lần nong hậu môn 50 nghìn đồng nữa, chưa kể tiền ăn và các loại phụ phí chữa bệnh của con. Ăn cơm bụi tốn kém quá, vợ chồng chị thuê bếp gas của nhà chủ để thổi cơm. Vất vả khiến chị Hằng gầy rộc, xanh xao và không đủ sữa để nuôi con…

10h sáng 29/12, cậu bé Trương A Mã Long (ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) được bà ngoại bế ngồi chơi trên ghế đá trước cổng Bệnh viện Nhi Trung ương. Bà dùng chiếc áo khoác bọc hai chân cháu cho đỡ rét vì nó vừa tè dầm. 11 tháng, cậu bé đã chập chững nhưng bỗng đôi chân không đỡ được cơ thể, cháu không thể đứng lên được.

Bà ngoại từ Lạng Sơn phải bắt xe khách về Bắc Ninh cùng cháu đi viện. Các bác sỹ cho biết, bé Long bị viêm khớp háng có dịch. Ba mẹ con bà cháu đã ở viện mấy ngày nay. Cả nước nghỉ Tết Dương lịch, họ phải ở bệnh viện, xa nhà để điều trị cho cháu. Thấy người lớn nói chuyện, bé Long nhoẻn miệng cười như chẳng biết gì đến nỗi lo lắng của bà, của mẹ.

Mong được sự sẻ chia

Ngày Tết ai chẳng muốn sum họp gia đình, nhưng với người bệnh lại khác, lo chiến đấu bệnh tật đã khiến họ mệt mỏi. Đứa con 20 tháng tuổi bị xoắn đại tràng của chị Sá Thị Xa, ở xóm mới 2, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình khóc suốt. Cả nhà gom góp được 4 triệu đồng mang xuống Hà Nội chữa bệnh cho con, mới ở được hơn 1 tuần, họ đã tiêu hết gần một nửa.

“Không biết bao giờ cháu mới được mổ, càng chờ lâu thì tiền ở trọ, tiền ăn càng tốn kém cô ạ. Có lẽ sang tuần bố cháu phải về bán nốt đàn gà và con lợn để có đủ 5 triệu xuống mổ cho cháu”- lo lắng làm gương mặt người phụ nữ dân tộc thiểu số nhợt nhạt. Khi chúng tôi đang trò chuyện thì cậu bé Sá Việt Bắc chợt lên cơn đau dữ dội. Bé Bắc ưỡn người lên, kêu khóc. Mắt người mẹ lại đỏ hoe, chẳng dỗ con được đành chuyển cho bố.

Anh Sá Văn Đạo (29 tuổi) ôm con đi lại một lúc. Qua cơn đau, bé Bắc trở lại bình thường. Chỉ có làn da xanh mướt và dáng vẻ còi cọc cho biết bé đang mắc bệnh. Cách đây một năm, bé Bắc đã về Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị một thời gian. Và lần này đau quá, họ lại đưa con xuống để phẫu thuật.

Trong căn phòng trọ, bà Đỗ Thị Tuy ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội liên tục nhắc đến từ: “Khổ lắm!”. Bà tâm sự với chúng tôi trong tâm trạng xót xa đủ phía: “Cháu nội tôi khổ quá. Mới sinh ra 5 ngày nó đã phải chuyển vào Bệnh viện Nhi Trung ương do bệnh xoắn đại tràng. Suốt 2 năm liền cháu không tự đi vệ sinh được.

Bác sỹ dặn khi cháu 4 tuổi mới mổ, nhưng cách đây 4 tháng, cháu đau quá, gia đình đưa đến bệnh viện, cháu được mổ ngay. Bác sỹ cắt đoạn đại tràng bị xoắn rồi nối lại. Mổ xong, gia đình phải dùng tay long hậu môn cho cháu để dần dần cháu có thể tự đi vệ sinh được. Từ đó đến nay, cháu liên tục ở bệnh viện, đi kèm theo cháu là hai người phục vụ. Giờ tôi ở đây, mẹ con cháu đang điều trị trong bệnh viện.

Bố mẹ cháu chỉ làm ruộng, chẳng có tiền nên phải bán chiếc xe máy Honda mới, lấy 27 triệu đồng mua một xe máy cũ, dành tiền chữa bệnh cho con”. Rồi bà giàn giụa nước mắt lôi “đồ đạc” ra khoe: Một hộp có tới vài trăm chiếc bao cao su dùng để long hậu môn cho cháu, một hộp cơm nguội nấu từ 4 giờ sáng và hộp muối vừng cho bà và con dâu ăn. Chi phí điều trị tốn kém, bà và cô con dâu thi thoảng mới dám ra quán mua cơm.

Lúc nào cũng vậy, khu nhà trọ cho bệnh nhân nghèo xung quanh Bệnh viện Nhi Trung ương luôn có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương. Những đứa trẻ mắc trọng bệnh, những cặp bố mẹ mang theo bảo hiểm hộ nghèo để xin giảm chi phí điều trị cho con… Ngày nghỉ lễ, Tết, họ không được nghỉ ngơi, những đứa trẻ không được vui chơi, không có tiền để ăn một bữa ăn ngày Tết. Họ cần lắm sự sẻ chia của cộng đồng, của những nhà hảo tâm

Trần Hằng - Việt Hà
.
.
.