Những băn khoăn về việc tu tạo di tích ngục Kon Tum

Thứ Ba, 07/09/2010, 15:00

Ngục Kon Tum được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988. Dấu ấn lịch sử về ngục Kon Tum vẫn còn mãi với thời gian nhưng hiện tại cách quản lý, đầu tư và nâng cấp sửa chữa ở di tích lịch sử này còn nhiều điều gây bức xúc dư luận.

Năm 1930, sau các cuộc biểu tình yêu nước nổi dậy ở Nghệ An, Hà Tĩnh, nhiều chiến sĩ cách mạng đã bị giặc bắt giam đầy cả nhà lao Vinh. Từ đó, giặc Pháp đã đưa các chiến sĩ cách mạng bị bắt đi đày lên Kon Tum và thực hiện nhiều hình phạt, tra tấn, đọa đày hết sức dã tâm.

Ngục tù Kon Tum chính là nơi giam cầm những tù chính trị bị bắt trong cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931). Thực dân Pháp đã bắt giam đầy ải trên 500 lượt tù chính trị và gần một nửa trong số đó đã phải nằm lại tại ngục Kon Tum và dọc con đường 14. Chỉ trong 6 tháng từ tháng 12/1930 đến tháng 6/1931 đã có 170 chiến sĩ cách mạng phải bỏ xác chốn rừng sâu.

Để chống chọi với kẻ thù, nhiều chiến sĩ cách mạng bị giam cầm ở đây đã anh dũng đấu tranh và sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ chính khí kiên trung, bất khuất của người cộng sản. Mặc dù đứng trước sự đàn áp dã man của kẻ thù nhưng cũng không thể dập tắt được tinh thần đấu tranh, lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Chính vì vậy mà di tích ngục Kon Tum được xem là một minh chứng sống động về tội ác của kẻ thù xâm lược và thể hiện sức mạnh lòng yêu nước, ý chí sắt đá của những người chiến sĩ cách mạng Việt Nam một thời đánh giặc, giữ nước.

Câu chuyện về những chiến sĩ cách mạng trong cuộc đấu tranh lưu huyết và đấu tranh tuyệt thực tại ngục Kon Tum năm xưa vẫn còn vọng mãi với thời gian năm tháng. Tháng 9/1930, ngục Kon Tum là địa điểm được lựa chọn để thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum do đồng chí Ngô Đức Đệ làm Bí thư.

Những ngôi mộ tập thể trong khu di tích ngục Kon Tum.

Trong tờ quyết tâm thư còn lưu lại ở ngục Kon Tum ngày ấy ghi rõ, đây là địa điểm quan trọng đánh dấu bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam. Tác giả Lê Văn Hiến, một cựu tù chính trị tại Nhà lao Kon Tum những năm 1931-1932, đã kể cuộc đấu tranh lưu huyết trong cuốn sách "Ngục Kon Tum" diễn ra ngày 12/2/1931 có 8 người chết và 8 người bị thương do bọn cai ngục ở đây bắn giết. Để tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ những hy sinh mất mát của các chiến sĩ cách mạng bị giặc bắn giết trong cuộc đấu tranh lưu huyết lần này, các chiến sĩ còn sống đã viết bài thơ: "Tám nấm, một gò cỏ phủ quanh; chết vì chính nghĩa, chẳng vì danh; từng rêu khó phủ lòng kiên quyết; nấm đất khôn che dạ nhiệt thành…".

Tiếp đó là từ ngày 12 đến 16 tháng Chạp năm 1931 các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm ở đây cũng đã dấy lên cuộc đấu tranh tuyệt thực, mỗi ngày 2 buổi vỗ tay la hét, cơm không ăn, nước không uống… và cũng đã bị giặc bắn giết, tàn sát đẫm máu làm cho 14 người chết và bị thương.

Đến di tích ngục Kon Tum hôm nay chúng ta còn thấy những khu mộ chung của những chiến sĩ cách mạng trong cuộc đấu tranh lưu huyết và đấu tranh tuyệt thực đang nằm lại nơi đây thật đau xót. Di tích lịch sử ngục Kon Tum là một quần thể di tích bao gồm nhà tưởng niệm, nhà truyền thống, cụm tượng đài "Bất khuất" và những ngôi mộ tập thể nằm bên trong di tích.

Sau ngày giải phóng, ngục Kon Tum được xem là địa chỉ đỏ về truyền thống cách mạng. Thế nhưng, hiện công trình đang bị xuống cấp nghiêm trọng do thời gian mưa nắng, lũ lụt và có cả những biến cố do chính con người tạo ra. Dư luận hết sức bức xúc về việc UBND tỉnh Kon Tum đã cho Ban Quản lý các công trình điện (Công ty Điện lực 3) tiến hành khảo sát, xây dựng trong khu di tích một trụ điện 35kV.

Gần đây tỉnh Kon Tum đầu tư hơn 3 tỷ đồng trùng tu nhà trưng bày, nhà đón tiếp khách, khuôn viên cây cảnh, tôn tạo mộ liệt sĩ... Tuy nhiên, việc đầu tư nâng cấp đã không bám sát kiến trúc ban đầu mà đã phá vỡ tính lịch sử của công trình. Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum lại tiếp tục đồng ý cho Chi nhánh Điện cao thế Kon Tum gia cố lại móng trụ cột điện cao thế phá vỡ đi không gian của khu di tích lịch sử

Ngọc Như
.
.
.