Những bài học sau sự cố cầu Bính

Thứ Sáu, 23/07/2010, 10:18
Trong suốt mấy ngày qua, sự cố 3 tàu biển neo đậu tại Tổng Công ty CNTT Bạch Đằng bị đứt dây neo, trôi dạt, đâm va vào cầu Bính, không chỉ thu hút sự quan tâm của dư luận, mà còn là nỗi lo của những người có trách nhiệm trước công tác bảo vệ các công trình vượt sông và các phương tiện thủy trên địa bàn thành phố.

>>Hải Phòng: Do bão, ba tàu biển đứt dây neo va đập vào cầu Bính

Hải Phòng có hàng chục cây cầu lớn vượt sông như cầu Bính, cầu Kiền, Tiên Cựu, Quý Cao, Đá Bạc, cầu Khuể, cầu Niệm, cầu Rào… kết nối hệ thống giao thông đường bộ của cả khu vực. Song, trong nhiều năm qua, công tác bảo vệ các công trình này  chưa được chú trọng.

Giám đốc cảng vụ Hàng hải Hải Phòng Bùi Văn Minh cho biết: Trước cơn bão số 1, cảng vụ phát hành nhiều công văn thông báo việc triển khai công tác phòng chống bão, chủ động đối phó với thiên tai, yêu cầu các đơn vị quản lý khai thác cảng, chủ tàu, đại lý thuyền trưởng theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, xây dựng phương án tránh bão cho tàu thuyền hiệu quả nhất, phải bố trí đầy đủ thuyền viên trên tàu, tổ chức trực ca nghiêm túc, chằng buộc, gia cố trang thiết bị trên tàu. Trường hợp tàu neo đậu tại cảng, thuyền trưởng phải phối hợp với chủ cảng xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho tàu, cầu cảng và phải có cam kết bảo đảm an toàn.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Nam, Tổng Giám đốc Ban quản lý các dự án cầu Hải Phòng, cho rằng: Sự cố 3 tàu biển neo đậu tại Tổng Công ty CNTT Bạch Đằng bị đứt dây neo, trôi dạt, đâm va vào cầu Bính là chuyện hy hữu trên thế giới từ trước tới nay.

Có một điều kỳ lạ là: Theo quy định của ngành hàng hải, các chủ phương tiện không được neo đậu các phương tiện thủy dàn thành hàng ba trên sông ngay cả khi không có bão to, gió lớn vì như thế gây ảnh hưởng tới hoạt động giao thông thủy. Nhưng, Tổng Công ty CNTT Bạch Đằng bất cẩn đến mức chằng buộc, neo cả ba con tàu lớn với nhau khi cơn bão số 1 đổ về.

Việc làm này vô tình tạo thành "bức tường" chắn gió và điều dễ hiểu, sức gió đã bứt dây neo, đẩy cả ba con tàu  trôi dạt, tiến về phía thượng lưu sông Cấm, nơi cách đó khoảng 500m là cầu Bính - công trình vượt sông quan trọng bậc nhất Hải Phòng trong thời điểm hiện nay.

Rất may, một trong ba con tàu bị trôi dạt đã thả mỏ neo kéo rê suốt khoảng cách từ cầu tàu Bạch Đằng đến cầu Bính, nên đã hạn chế sức công phá khi va đập vào cầu. Nếu cầu Bính thiết kế theo kiểu cầu bê-tông thì không biết chuyện gì đã xảy ra.

Hiện tại, các đơn vị từ Bộ GTVT tới các cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đang tập trung khắc phục hậu quả sự cố, sớm đưa cầu Bính hoạt động trở lại.

Vấn đề đặt ra là từ sự cố đắt giá này, các đơn vị cảng biển, cơ sở sửa chữa đóng mới tàu thủy cần xem lại việc chằng buộc các phương tiện khi có giông bão để không chỉ bảo vệ chính tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng của mình mà còn đảm bảo không đe dọa tới sự an toàn của các công trình vượt sông gần đó.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thuận nêu rõ: Sự cố cầu Bính cho chúng ta bài học về công tác bảo vệ các công trình vượt sông, bởi nếu không chú trọng chằng buộc cẩn thận phương tiện thủy, để chúng đâm va vào cầu không chỉ cắt đứt huyết mạch giao thông đường bộ mà còn làm gián đoạn hoạt động giao thông thủy trên địa bàn thành phố.

Mặt khác, cũng phải xem xét việc mua bảo hiểm công trình, nhất là đối với cầu Bính, bởi mọi việc đều có thể xảy ra, nếu không lường trước, hậu quả sẽ rất lớn.

Bên cạnh đó, đối với hàng chục cây cầu ở Hải Phòng, cơ quan chức năng phải có phương án chống va đập từ xa cho các phương tiện thủy, ngay cả khi đang hoạt động bình thường.

Đây sẽ là những tấm lá chắn bảo vệ an toàn cho các trụ và dầm cầu ngay cả trong điều kiện bình thường và khi có giông bão.

Trên địa bàn Hải Phòng có khoảng 85 chủ tàu với 320 tàu đang hoạt động, 70 doanh nghiệp dịch vụ hàng hải, 30 doanh nghiệp khai thác cảng biển với tổng chiều dài cầu 7km, 17 đơn vị đóng mới sửa chữa tàu biển. Khi có bão nếu các tàu không được neo đậu cẩn thận, bị sóng đánh lao vào cầu, lao vào nhau thiệt hại sẽ khôn lường.

Hải Long
.
.
.