Chuyện người quản lý

Hơn 200 lao động đi làm rồi mãi mãi không trở về

Thứ Ba, 28/07/2015, 14:59
Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cần thiết phải tăng cường xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tuân thủ các quy định dẫn đến hậu quả lớn.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 1.476 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), trong đó có 182 vụ TNLĐ làm chết 222 người.

Một thống kê khác của Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cũng chỉ ra rằng, mỗi năm có khoảng 600 người chết vì TNLĐ, phần lớn liên quan đến xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu được đánh giá là do người sử dụng lao động và người lao động vi phạm các quy định về an toàn lao động. TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng thực sự đáng báo động. Đây là ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia tại buổi tọa đàm “Giải pháp an toàn cho người lao động trong xây dựng” được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 27/7.

Tai nạn lao động liên quan đến lĩnh vực xây dựng đang chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, ngành xảy ra nhiều TNLĐ nhất trong những năm qua là ngành Xây dựng, xây lắp công trình dân dụng và công nghiệp. Chỉ tính riêng trong năm 2014, cả nước đã xảy ra hơn 6.700 vụ TNLĐ, khiến gần 7.000 người bị nạn, trong đó có 592 vụ gây chết người. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2015, hàng loạt vụ TNLĐ nghiêm trong liên quan đến lĩnh vực xây dựng liên tiếp xảy ra. Điển hình như vụ sập giàn giáo tại công trường Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Hà Tĩnh) làm 13 người tử vong.

Mới nhất là vụ sập giàn giáo tại công trình 17 tầng ở quận 7, TP Hồ Chí Minh ngày 10/7, đã làm 2 người tử vong, 3 người bị thương. Tòa nhà cao 17 tầng này nằm trong Khu phức hợp Nam Sài Gòn, mới được khởi công xây dựng trong thời gian gần đây...

Trước các sự việc trên, Bộ Xây dựng lập tức phải có văn bản chỉ đạo kiểm tra các vụ việc, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của chủ thể tham gia trong quá trình xây dựng. Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), hầu hết các vụ TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng đều là do các nhà thầu, đơn vị thi công không đảm bảo các quy định về an toàn lao động.

Theo ông Thắng, Bộ LĐ- TBXH đã tổ chức đi kiểm tra tại Hà Tĩnh và TP Hồ Chí Minh thì có 23 đơn vị không tổ chức tập huấn an toàn lao động cho người lao động. Do vậy tai nạn xảy ra chủ yếu do yếu tố con người. Mất an toàn lao động nguyên nhân đầu tiên ở ý thức của chủ doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm bảo an toàn lao động chưa đạt yêu cầu, chưa có ý thức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động. Do đó, người lao động phải có ý thức tự bảo vệ mình. Khi thấy mất an toàn lao động có quyền từ chối để đảm bảo an toàn và báo với người có thẩm quyền.

Ông Lê Quang, Phó Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) đưa ra một thực tế, hiện nay, các nhà thầu chạy theo tiến độ rất ghê nhưng ý thức đảm bảo an toàn lao động, công tác kiểm tra giám sát an toàn lao động rất kém. Đảm bảo an toàn lao động, trách nhiệm lớn nhất thuộc về các nhà thầu, tuy vậy, hiện các nhà thầu đang bỏ qua nhiều quy trình bảo đảm an toàn lao động, dẫn đến mất nguy cơ mất an toàn lao động. Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Hà, có một vấn đề đặt ra hiện nay là công tác giám sát chưa được chặt chẽ, do không đủ nguồn nhân lực, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Đồng quan điểm này, ông Hà Tất Thắng cũng cho rằng, hiện lực lượng thanh tra rất mỏng, cả nước hiện chưa có đến 100 người. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất là ý thức sử dụng lao động của nhà thầu, chủ đầu tư...

Theo ông Thắng, pháp luật hiện nay quy định rất rõ về quyền lợi của người lao động. Các quy định cụ thể đến từng chi tiết nhưng do thực thi không tốt nên hậu quả lớn. Do vậy cần thiết phải tăng cường xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tuân thủ các quy định dẫn đến hậu quả lớn. “Mỗi năm có khoảng 600 người chết vì TNLĐ, nhưng chủ yếu vẫn là xử phạt hành chính, có khoảng 3-4% số vụ đề nghị khởi tố nhưng con số khởi tố là rất ít. Hình thức xử phạt hành chính là chưa đủ”, ông Thắng nói.

Phan Hoạt
.
.
.