Nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam tại Malaysia vẫn tăng

Thứ Tư, 02/10/2013, 13:30
Chiến dịch truy quét người nhập cư và lao động nước ngoài làm việc trái phép tại Malaysia được Chính phủ nước này thực hiện từ ngày 1/9 cho đến hết năm 2013 đang khiến dư luận dấy lên lo ngại về việc lao động Việt Nam bị cảnh sát nước sở tại bắt bớ, truy lùng. Thực tế, cuộc sống của hơn 80 ngàn lao động Việt Nam đang làm ăn sinh sống hợp pháp tại Malaysia bị ảnh hưởng ra sao? Phóng viên Báo CAND đã trao đổi với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia để nắm thông tin chính xác về sự việc này.

Đã có gần 300 người Việt Nam nhập cư và làm việc trái phép bị bắt giữ

Ngày 1/10, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia cho biết, theo số liệu do cơ quan nhập cư Malaysia cung cấp, tính đến ngày 30/9, tức là tròn 1 tháng Chính phủ Malaysia thực hiện chiến dịch truy quét người nhập cư và lao động nước ngoài làm việc trái phép tại Malaysia, đã có 7.500 người nước ngoài bị bắt giữ, trong đó có 298 người Việt Nam. Đây là kết quả của việc thực hiện đồng thời với chiến dịch Op Cantas Khas, bắt đầu từ ngày 17/8, nhằm truy quét và xóa sổ các băng nhóm tội phạm, nhằm mục đích đảm bảo công ăn việc làm cho người bản xứ, đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào du lịch nước ngoài… Rõ ràng 2 chiến dịch này đã có tác động đến cộng đồng người Việt nói chung, người lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia nói riêng, tác động mạnh nhất đối với số lao động đang làm việc “chui” tại Malaysia.

Ông Nguyễn Kim Phương, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia cho biết, chiến dịch truy quét người lao động và cư trú bất hợp pháp của Malaysia chỉ để ngăn chặn các trường hợp lợi dụng visa du lịch để đi lao động, hoặc bị lôi kéo, dụ dỗ theo các công ty môi giới không có giấy phép tuyển lao động hoặc bỏ trốn ngoài hợp đồng… Qua thông tin Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia nhận được hằng ngày và qua kiểm tra thực tế tại một số DN, việc kiểm tra chỉ chủ yếu ảnh hưởng đến người lao động ngoài giờ làm việc. Khi bị kiểm tra, nếu lao động xuất trình bản photo hộ chiếu và chủ sử dụng lao động xuất trình giấy tờ gốc là được thả ngay. Trong tháng qua, Ban nhận được thông báo chỉ duy nhất có 1 trường hợp lao động bị tạm giữ tại đồn cảnh sát một thời gian, Ban đã lập tức liên hệ với chủ sử dụng lao động để can thiệp kịp thời và lao động đã được trả tự do.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH thăm các lao động nữ Việt Nam đang làm việc tại Nhà máy Canon ở Penang (Malaysia).

Theo thông tin từ ĐSQ Việt Nam tại Malaysia, từ đầu tháng 9 đến nay, số lượng công dân đến làm giấy thông hành về nước có tăng và ĐSQ đã tích cực giải quyết để bà con sớm về nước. Điều đáng lưu ý là tình trạng một số công dân sau khi được ĐSQ cấp giấy thông hành vẫn tìm cách tiếp tục ở lại do quan niệm có giấy thông hành là hợp pháp, trong khi giấy thông hành chỉ có giá trị để nhập cảnh vào Việt Nam, còn để ở lại hợp pháp thì phải có hộ chiếu, visa và giấy phép lao động hợp lệ.

Trong thời gian diễn ra chiến dịch, ĐSQ Việt Nam tại đây đã chủ động đưa thông tin rộng rãi trên website của ĐSQ, cổng cơ quan ĐSQ, liên hệ với Cục Lao động, Bộ Nguồn nhân lực Malaysia, một số sở lao động địa phương, đề nghị họ lưu ý tới quyền lợi hợp pháp của lao động Việt Nam; thường trực liên hệ với các công ty môi giới và DN của Malaysia để nắm bắt tình hình và giải quyết khi phát sinh vụ việc. Trong quá trình thẩm định hợp đồng đã kiên quyết loại bỏ các đơn hàng có mức lương cơ bản tối thiểu dưới 900 RM/tháng như quy định của Chính phủ Malaysia. 

Nhu cầu lao động vẫn tiếp tục tăng

Cho dù Chính phủ Malaysia thực hiện chiến dịch truy quét nhập cư và lao động bất hợp pháp để bảo vệ lao động trong nước, nhưng nhu cầu lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động xây dựng, giúp việc gia đình, công nhân làm việc trong nhà máy đang có xu hướng tăng lên. Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia cho biết, bắt đầu xuất hiện trở lại một số đơn hàng lớn về công nhân xây dựng, trong khi nguồn cung từ Indonesia và Campuchia giảm, nhưng việc cung ứng lao động từ Việt Nam vẫn gặp khó khăn. Một phần do công tác tuyển chọn lao động của các DN trong nước vẫn thiếu nguồn, thông tin về thị trường Malaysia chưa thực sự hấp dẫn người lao động. Có đơn hàng phía Malaysia yêu cầu 100 lao động, nhưng trong nước chỉ tuyển được 20 người. Việc tuyển chọn lao động phải thông qua công ty môi giới của Malaysia nên chi phí bị phát sinh thêm.

Vừa trở về sau chuyến sang thẩm định đơn hàng cung ứng lao động của đối tác là một trong 10 nhà thầu lớn tại Malaysia, ông Lâm Xuân Lộc, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát cho biết, các đối tác tại Malaysia liên tục gửi nhu cầu lao động. Tuy nhiên, vấn đề rất nhiều DN cung ứng trong nước đang làm thị trường Malaysia gặp phải là thiếu nguồn lao động. Thông tin xác thực về thị trường này vẫn chưa đến được với lao động ở nhiều địa phương.

Xác định Malaysia là thị trường trọng điểm của DN trong thời gian tới, ông Lộc cho biết, tất cả các hợp đồng cung ứng lao động với các đối tác Malaysia đều được lãnh đạo công ty sang phối hợp với Ban Quản lý lao động thẩm định chắc chắn, đảm bảo điều kiện làm việc, sinh hoạt, đặc biệt là thu nhập cho người lao động. Không kỳ vọng vào sự chuyển biến ngay, mà sẽ làm thật chắc để lao động đã đi rồi, tự quảng bá, tự giới thiệu cho người ở địa phương tiếp tục đi, góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp ở nhiều vùng nông thôn. 

Phía Malaysia vẫn tiếp tục hợp tác tốt với Việt Nam trong vấn đề sử dụng lao động. Tuy nhiên, để lao động Việt Nam có sức hút đối với các chủ sử dụng Malaysia thì lao động Việt Nam cần phải khắc phục hạn chế về ngoại ngữ, tác phong và kỷ luật lao động

Thu Uyên
.
.
.