Nhọc nhằn gieo chữ miền biên ải

Thứ Hai, 16/11/2009, 15:50
Mặc cho cuộc sống của đồng bào nơi đây đang còn gặp nhiều khó khăn, cái ăn chưa đủ no, cái mặc chưa đủ ấm, nhưng ngày ngày nơi miền biên ải này vẫn vang lên tiếng trẻ thơ học bài. Bài ca về những người giáo viên thầm lặng hy sinh cả tuổi xuân của mình vì sự nghiệp giáo dục vùng cao đang ngân lên giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Vừa đi học, vừa tự kiếm lương thực

Xã Mai Sơn (Tương Dương, Nghệ An) có 10 bản làng nằm dọc chân dãy Trường Sơn, giáp ranh với nước bạn Lào. Cả xã có ba trường ở ba cấp học, với trên 600 em học sinh. Trong đó, mầm non là 115 em, bậc tiểu học 303 em và THCS Mai Sơn 227 em. Xã Mai Sơn cũng đã vinh dự có một người đỗ vào trường đại học và ba người đỗ vào cao đẳng.

Hầu hết các em học sinh ở đây đều con em dân tộc Thái, Mông và Khơ Mú. Việc đi lại rất khó khăn, từ các bản làng về trung tâm xã phải mất ngày đường đi bộ, đó là chưa kể đến những ngày mưa gió, nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến giao thông ở đây gần như bị tê liệt hoàn toàn, việc học của các em cũng vì thế mà bị gián đoạn. Do vậy, phần lớn các em học sinh khối THCS buộc phải dựng lều hoặc thuê nhà ở trọ ngay tại bản trung tâm Huồi Xá.

Từ cửa ngõ của Mai Sơn là bản Piêng Mựn, mất gần nửa ngày đi bộ mới vào đến thung lũng Huồi Xá. Xa xa, thấp thoáng những túp lều tranh, tre, nứa lá được dựng lên để các em học trò khắp các bản làng của Mai Sơn về đây tá túc học chữ. Khi chúng tôi có mặt, đúng lúc các em chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Nhìn túp lều nhếch nhác, một vài em học sinh mặt mũi nhem nhuốc khói than, thấy khách lạ bẽn lẽn nép mình vào góc lều.

Chuẩn bị bữa ăn của các thầy giáo Trường THCS Mai Sơn.

Thầy giáo Lô Văn Hồng cho hay, các em học sinh ở đây phần lớn đều không biết tiếng phổ thông. Qua thầy Hồng, chúng tôi được biết, hai em trọ học chung lều mà chúng tôi vừa gặp tên là Và Bá Cam và Và Bá Giống, cả hai đều mới 12 tuổi, con em đồng bào dân tộc Mông, trú ở bản Piêng Cọc, năm nay học lớp 6. Bố mẹ các em làm nương rẫy, nhà có tới 9 anh chị em, hầu hết đều thất học. Các em ở đây với 14 bạn khác, lập thành nhóm. Hằng ngày các em nấu ăn chung, ngủ chung.

Thầy giáo Lô Văn Hồng kể với chúng tôi rằng: ở thung lũng này mùa hè nóng như thiêu như đốt; mùa đông thì lạnh thấu xương, trong khi phần lớn các em đều thiếu áo ấm. Nhìn các em học trò nghèo, thầy cô ai cũng động lòng xót thương, nhưng cuộc sống nơi miền biên ải này chính các thầy cô cũng nghèo như các em, nên dẫu thương cũng khó lòng giúp gì được nhiều cho các em.

Miệt mài gieo chữ, quên cả hạnh phúc riêng tư

Cuộc sống khó khăn, cộng thêm tập quán dựng vợ, gả chồng sớm nên ở Mai Sơn, năm nào cũng có học sinh bỏ học. Để vận động các em trở lại trường, các thầy cô lại ngày ngày vác ba lô trèo đèo, lội suối vào tận từng nhà trong từng bản làng để vận động con em đồng bào tiếp tục theo học. Hầu hết phụ huynh ở đây chỉ có tư tưởng muốn con em mình lớn lên là lên nương, lên rẫy, vào rừng kiếm kế sinh nhai. Bởi thế, ở xã Mai Sơn công tác vận động học sinh bỏ học trở lại trường gặp không ít khó khăn.

Thầy giáo Trần Trọng Nghĩa, quê ở xã miền biển Nghi Phương, Nghi Lộc (Nghệ An), sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tây Nguyên thì xung phong lên biên giới dạy học, đến nay đã ngót nghét sáu năm trời. Mức thu nhập của người giáo viên miền biên ải còn rất eo hẹp, khó khăn, nhiều khi thầy cô ở đây còn phải bỏ tiền túi ra mua mì tôm cho các em học sinh nghèo cầm bữa. Dù đã có gia đình nhưng một năm thầy chỉ về xuôi được hai lần vào dịp hè và Tết. Còn một số giáo viên khác đã gắn bó ở Mai Sơn cả chục năm trời mà vẫn phải chịu cảnh độc thân.

Thầy Ngân Quý Mạnh, quê ở huyện Tương Dương, nhưng từ Mai Sơn đi về xã Tam Thái quê thầy cũng phải mất gần hai ngày đường. Thầy Mạnh là con trai đầu trong một gia đình người dân tộc Thái. Sau khi tốt nghiệp Trường CĐSP Nghệ An, thầy Mạnh được phân vào Mai Sơn dạy học, bao năm rồi miệt mài gieo chữ nơi đây mà chưa tìm được mảnh tình vắt vai.

Còn cô Vi Thị Thùy, người ở xã Tam Hợp, nay đã gần ba mươi tuổi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cô Thuỳ tâm sự: Chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc vì xung quanh còn có các em học sinh thân yêu, các em là niềm vui, niềm an ủi giữa chốn thâm sơn cùng cốc này

Nguyễn Thiên Thảo
.
.
.