Nhọc nhằn cứu hộ động vật hoang dã

Thứ Hai, 25/08/2008, 14:48

Tết 2008, khi Hải quan Sân bay Nội Bài và Phòng ANKT Công an Hà Nội phát hiện hơn 1 tấn rắn ráo trâu buôn lậu từ Malaysia về Việt Nam, trong đó phần nửa số rắn đã chết, bốc mùi hôi thối, các cán bộ của trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn phải trần mình gần 1 ngày trời mới phân loại, kiểm đếm hết số rắn sống lẫn trong rắn chết để đưa về chăm sóc.

Không ở nơi rừng sâu, núi thẳm nhưng hơn 20 cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn, TP Hà Nội lại có cái may mắn được nghe tiếng chim kêu, vượn hót hàng ngày. Nhưng bên cạnh niềm vui được hưởng không khí trong lành của thiên nhiên giữa cây cỏ, muông thú, công việc chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã lại rất nhọc nhằn và nguy hiểm, phải làm thâu đêm, suốt sáng. Và chỉ sơ sẩy chút thôi, rắn hổ mang chúa có thể cắn chết người; hổ, báo gấm có thể dùng nanh vuốt sắc nhọn táp vào người chăm sóc hay bác sỹ thú y. Chưa kể hết ca chăm sóc, mùi hôi tanh, mùi khét lẹt của các con thú hoang luôn ám vào người, ám ảnh đến cả từng bữa ăn, giấc ngủ.

Vượt qua những nguy hiểm, khó khăn ấy, bằng tinh thần trách nhiệm, tình yêu thiên nhiên, yêu động vật hoang dã, hơn 11 năm qua, các cán bộ, nhân viên trung tâm đã cứu hộ được hơn 400 đợt; 100 loài; 24.227 cá thể và rắn các loại với trọng lượng hơn 10 nghìn kg…

Cứu hộ lúc gà gáy, nửa đêm

Khoảng 20h, trên con đường gập ghềnh nhấp nhô dẫn vào Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn (Trung tâm cứu hộ) thuộc xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) xuất hiện hai chiếc xe con và một chiếc xe trọng tải 6 tấn có đầu kéo rơ moóc.

Đến cổng trung tâm, một cán bộ trên chiếc xe đầu tiên xuống xuất trình giấy tờ, cánh cổng từ từ được bảo vệ mở ra. Hóa ra, đó là đoàn công tác liên ngành: Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an); Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực phía Bắc, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa bắt giữ một vụ mua bán, vận chuyển động vật hoang dã số lượng cực lớn ở Quảng Ninh, đang áp tải về Hà Nội để bàn giao cho trung tâm cứu hộ, chăm sóc, quản lý theo quy định.

Lúc này, hầu hết cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn đã hết ca làm việc. Theo quy định, chỉ còn bộ phận bảo vệ làm nhiệm vụ chính với việc cầm đèn đi rà soát tất cả khu vực trung tâm, kiểm tra các chuồng trại xem có gì biến động không. Tuy nhiên, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Giám đốc trung tâm cứu hộ Nguyễn Bá Oanh đã huy động tối đa quân số trung tâm cứu hộ phải có mặt ngay trụ sở để làm việc.

Dường như đã quen với công việc này, các cán bộ, nhân viên trung tâm vội mặc quần áo bảo hộ lao động, đeo khẩu trang, xỏ găng tay, chân đi ủng để bắt tay ngay vào việc. Sự chuẩn bị chu đáo các vật dụng bảo hộ lao động quả là không thừa, bởi lô hàng này có tới hơn 2.600 con rùa các loại và rắn ráo trâu, trong đó có hai con rắn chúa phì, chúng sẵn sàng mổ vào mắt người đối diện và nọc độc của nó có thể làm mù mắt người.

Ngay sân của trung tâm, khoảng hơn 40 người thuộc các lực lượng Cảnh sát môi trường, Hải quan, Kiểm lâm, Trung tâm cứu hộ đã lần lượt bốc những thùng hàng rùa và những bao tải rắn xuống để phân loại, kiểm đếm. Công việc cứu hộ diễn ra liên tục suốt 8h đồng hồ, đúng nghĩa từ nửa đêm cho đến gà gáy, tức là từ 20h và đến hơn 3h sáng hôm sau, tức ngày 26/7.

Anh Nguyễn Văn Nhung, một trong những kỹ sư chăn nuôi thú y có thâm niên ở trung tâm cứu hộ đã kể cho chúng tôi nghe 1001 câu chuyện cứu hộ động vật hoang dã. Có những lúc, các đơn vị sau khi thu giữ các lô hàng buôn bán, vận chuyển trái phép là động vật hoang dã ở Lạng Sơn, là mọi người lại khăn gói lên đường, mang theo nghề đi cứu hộ, có lúc đi mấy ngày trời.

Chuyện đi cứu hộ, thả khỉ về rừng quốc gia phía Nam, mua chuối cho khỉ ăn mỗi chặng đường cũng là cả một kỳ công mà không phải ai cũng làm được. Hay chuyện thả rắn hổ mang chúa về rừng, suýt bị cắn, cực kỳ nguy hiểm nhưng các cán bộ kỹ thuật vẫn phải vận dụng sự khéo léo, tinh tế của mình để tránh bị thương.

Gian nan một chặng đường cứu hộ động vật hoang dã

Bọn buôn lậu thường chở thú hoang từ rừng về thành phố, xuất đi các nơi. Còn ở trung tâm, họ phải làm nhiệm vụ cứu hộ, trả thú hoang về rừng. Không giống như những gì chúng tôi tưởng tượng, cứu hộ động vật hoang dã và đưa được chúng về với môi trường tự nhiên vốn có là cả một kỳ công. Cách đây hơn 11 năm, khi mới thành lập, cả trung tâm chỉ có 7 cán bộ, khi nào nhiều việc họ phải cắt cử nhau, làm thay việc của nhau mặc dù chưa ai được học qua trường lớp cứu hộ nào. Vào dịp Tết 2008, khi Hải quan Sân bay Nội Bài và Phòng An ninh kinh tế Công an Hà Nội phát hiện hơn 1 tấn rắn ráo trâu được buôn lậu từ Malaysia qua đường hàng không về Việt Nam, trong đó phần nửa số rắn đã chết, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Thế nhưng, không ai khác, chỉ có các cán bộ của trung tâm cứu hộ là phải trần mình chịu đựng gần 1 ngày trời mới phân loại, kiểm đếm hết số rắn sống lẫn trong rắn chết để đưa chúng về chăm sóc. Thậm chí có con yếu quá, họ còn phải tận tay cứu chữa, chăm sóc, cho chúng ăn để chúng khỏe lại.

Cứu hộ động vật hoang dã là công việc hết sức mới mẻ và có tính đặc thù riêng, hiện trên toàn quốc chưa có cơ sở trường lớp nào đào tạo chuyên ngành này. Ngay từ ngày đầu thành lập, trung tâm đã phối hợp với các phòng chức năng của Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội, đồng thời tranh thủ ý kiến của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, các viện nghiên cứu như Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật, Viện Công nghệ sinh học, Viện Thú y quốc gia… soạn thảo nội dung quy chế, quy trình cứu hộ và xây dựng các đề tài chuyên đề về cứu hộ động vật hoang dã.

Đồng chí Ngô Bá Oanh, Giám đốc Trung tâm cho biết: "Trung tâm hiện có 4.000 cá thể, mỗi loài có một đặc tính khác nhau, do môi trường sống, điều kiện khác nhau. Khi được thu gom về đây phân loại, đa số các cá thể đều yếu, bị thương, chúng tôi phải mất rất nhiều công sức và tâm huyết để chữa trị cho chúng lành bệnh. Rất may mắn, Trung tâm đã nhận được sự hợp tác của các tổ chức quốc tế như tổ chức hỗ trợ bảo tồn Frank Furk (Cộng hoà liên bang Đức), Vườn thú Sanchiago (Mỹ)… ".

Theo Giám đốc Ngô Bá Oanh, trung tâm thường xuyên lưu giữ, quản lý số lượng lớn động vật hoang dã quý hiếm, giá trị kinh tế cao. Do đơn vị đóng trên địa bàn rừng núi, hệ thống tường rào đã có nhưng chưa bảo đảm. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo an ninh quốc phòng, do vậy trung tâm rất coi trọng công tác bảo đảm an ninh đi đôi với bảo vệ sản xuất. Trung tâm thành tập tổ bảo vệ túc trực 24/24h.

Do quản lý chặt chẽ, từ khi thành lập, trung tâm không để xảy ra mất mát tài sản, bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên trung tâm, an toàn cho động vật và chuồng trại

Anh Hiếu - Trần Hằng
.
.
.