Nhiều ý kiến trái chiều về hoạt động kiểm định an toàn lao động

Thứ Ba, 31/05/2016, 08:46
Dự thảo Nghị định quy định hoạt động kiểm định kỹ thuật, an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động vừa được Bộ  Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) trình Chính phủ. 

Đáng lưu ý, theo Dự thảo Nghị định này thì Bộ LĐ-TB&XH có thẩm quyền cấp, thu hồi “Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định”. Tuy nhiên, trước đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng Bộ LĐ-TB&XH đang “lấn sân”. 

Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ lần cuối dự thảo Nghị định quy định hoạt động kiểm định kỹ thuật, an toàn lao động (ATLĐ), huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động (có hiệu lực thi hành từ 1-7-2016).

Đáng lưu ý trong đó Điều 6 của dự thảo quy định: “Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan có thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ đối với tổ chức kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động”. 

Một số bộ, ngành phản đối việc Bộ LĐ-TB&XH muốn “lấn sân” kiểm định.

Điều này đồng nghĩa với việc, nếu Nghị định này được thông qua thì Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan cấp phép cho các đơn vị kiểm định (đăng kiểm), kể cả ở các lĩnh vực chuyên ngành do Bộ khác quản lý như: Bộ Xây dựng (máy thi công công trình, hệ thống cốp pha…), Bộ Công Thương (điện lực, hóa chất, máy công nghiệp), Bộ GTVT (thiết bị lắp trên tàu biển, công trình biển)… 

Cụ thể, đơn vị có hoạt động kiểm định khi có nhu cầu phải làm Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ gửi cơ quan chuyên môn của Bộ LĐ-TB&XH với nội dung “Đề nghị quý cơ quan xem xét và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ cho… theo phạm vi đề xuất”. 

Quy định này của Bộ LĐ-TB&XH gặp phải sự phản ứng từ các bộ chuyên ngành. Các Bộ Công Thương, Xây dựng, GTVT đã có văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng xem xét, sửa đổi dự thảo Nghị định này.

Đại diện các bộ cho rằng, đề xuất trên là không phù hợp với Luật An toàn vệ sinh lao động (Khoản 1 Điều 33) và trái với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các luật chuyên ngành như: Điện lực, Hàng hải... Các luật này giao trách nhiệm quản lý các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ là của các bộ, ngành chứ không riêng một bộ nào. 

Theo Bộ GTVT, quy định trên sẽ khiến một số tổ chức kiểm định gặp khó khăn do vừa phải được chỉ định bởi các bộ chuyên ngành, lại phải xin giấy phép của Bộ LĐ-TB&XH. Do vậy, bộ này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi Điều 6 của  dự thảo Nghị định mà Bộ LĐ-TB&XH đã trình.

Trước ý kiến trái chiều của các bộ về dự thảo Nghị định này, sáng 30-5, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì buổi làm việc với các bộ liên quan. Kết luận cuộc họp, đại diện Văn phòng Chính phủ kết luận, Bộ LĐ-TB&XH tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan theo hướng  giao thẩm quyền cho các bộ quản lý ngành thực hiện việc cấp phép, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định như hiện nay. 

Trước đó, dù không nhận được sự đồng tình của một số bộ, ngành nhưng Bộ LĐ- TB&XH vẫn giữ đề xuất trên với lý do quy định như trên phù hợp với khoản 2 Điều 84 Luật An toàn vệ sinh lao động (Bộ LĐ-TB&XH chủ trì việc thực hiện quản lý hoạt động kiểm định các loại thiết bị, máy có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động) và một số Nghị định của luật khác.

Đặng Nhật
.
.
.