Thanh, kiểm tra công tác quản lý vận tải tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng:

Nhiều xe khách vi phạm trên 1.000 lần/tháng

Thứ Bảy, 21/09/2013, 07:32
Ngày 20/9, Đoàn thanh tra Bộ GTVT do Thứ trưởng Trương Tấn Viên dẫn đầu đã có buổi thông báo chính thức về kết quả thanh kiểm tra quản lý vận tải và hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Những số liệu cụ thể về vi phạm tốc độ, về việc chủ doanh nghiệp khoán trắng phương tiện cho xã viên tự quản lý điều hành... đã lý giải phần nào thắc mắc của nhiều người: vì sao thời gian qua, tai nạn xe khách nghiêm trọng lại thường xuyên xảy ra tại những khu vực này.
* Kiến nghị thu hồi giấy phép kinh doanh 7 đơn vị vận tải.

Qua kiểm tra tốc độ của các phương tiện trên website của 99 thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) của 19 đơn vị thuộc 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng trong thời gian từ ngày 1/8/2013 đến 31/8/2013 có 85/99 TBGSHT được kiểm tra vi phạm tốc độ (chiếm 86%), tốc độ vượt quá trên 80km/h  là 17.628 lần.

Tại Đắk Lắk có 42/47 TBGSHT lắp trên xe vi phạm tốc độ (chiếm 89,36%) với số lần vi phạm là 9.096 lần; tại Đắk Nông có 20/26 TBGSHT lắp trên xe vi phạm tốc độ (chiếm 76,92%) với số lần vi phạm là 1.477 lần. Tại Lâm Đồng có 23/26 TBGSHT lắp trên xe vi phạm tốc độ (chiếm 88,46%) với số lần vi phạm là 7.055 lần.

Điển hình các xe chạy tốc độ cao, vi phạm như: Xe 47B-004.91 của Công ty VTHK Cao Nguyên  vi phạm 1.007 lần, tốc độ vi phạm cao nhất là 116 km/h; xe BKS 47B-00554 của HTX Vận tải Krông Ana vi phạm 562 lần, tốc độ vi phạm cao nhất là 114km/h; xe 47B-00034 của Công ty CP Xe khách Đắk Lắk vi phạm 417 lần; tốc độ vi phạm cao nhất là 111km/h; xe 49B-002.86 của Công ty TNHH Thiên Khánh vi phạm 789 lần, tốc độ vi phạm cao nhất là 109km/h; xe 49B-000.79 của HTX xe khách Đà Lạt vi phạm 910 lần, tốc độ vi phạm cao nhất là 110km/h; xe BKS 49X-9019 của HTX vận tải ôtô Đức Trọng vi phạm 814 lần; tốc độ vi phạm cao nhất là 107km/h…

Liên quan đến công tác quản lý phương tiện, sau nửa tháng kiểm tra, đoàn thanh tra Bộ cũng phát hiện có 8/15 đơn vị của 3 tỉnh làm dịch vụ vận tải và khoán trắng phương tiện cho xã viên tự quản lý điều hành (chiếm 53,3%); Số phương tiện khoán trắng làm dịch vụ là 147/239, chiếm 61,50%. Tại Đắk Lắk 4/5 đơn vị (chiếm 20%), tổng số phương tiện khoán trắng là 38/76 phương tiện (chiếm 50%); tại Đắk Nông 3/5 đơn vị (chiếm 60%), tổng số phương tiện khoán trắng là 56/73 phương tiện (chiếm 76,71%); tại Lâm Đồng: 1/5 đơn vị (chiếm 20%), tổng số phương tiện khoán trắng là 53/90 phương tiện (chiếm 58,88%).

Thanh tra giao thông kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên xe khách.

Về bản chất, toàn bộ hoạt động của phương tiện do lái xe điều hành, hàng tháng chủ doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải thu một khoản tiền làm dịch vụ để cho phương tiện đó mang thương hiệu của mình (bán thương hiệu), những tồn tại này các hợp tác xã vận tải hiện nay thường mắc phải.

Trước hàng loạt sai phạm của các đơn vị kinh doanh, Đoàn thanh tra Bộ GTVT đã giao cho Thanh tra Sở GTVT Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng xử phạt vi phạm hành chính gần 90 triệu động đối với 6 đơn vị vi phạm về điều kiện kinh doanh với mức phạt 5.000.000 đồng/đơn vị. Đắk Lắk 3 đơn vị, Lâm Đồng 3 đơn vị. Xử phạt 6 xe của 5 đơn vị gắn TBGSHT không đúng quy chuẩn theo quy định với mức phạt 2.500.000 đồng (Đắk Lắk 5 đơn vị, Đắk Nông 1 đơn vị). Đồng thời kiến nghị với Sở GTVT Đắk Lắk, Đắk Nông thu hồi 7 giấy phép kinh doanh vận tải của 7 đơn vị  trong đó: Đắk Lắk 5 đơn vị, Đắk Nông 2 đơn vị; thu hồi sổ nhật trình và phù hiệu xe chạy tuyến cố định của 10 phương tiện của 3 đơn vị...

Lý giải về việc xử phạt nói trên, ông Thạch Như Sỹ cho rằng, chúng ta chưa có quy định cụ thể về việc lấy thông tin từ TBGSHT để xử phạt hành chính nên dù vi phạm tốc độ khá nhiều và khá nghiêm trọng, nhưng doanh nghiệp vẫn không bị xử phạt nặng. Mặt khác, do thiết bị này mới đưa vào vận hành, ngay chính bản thân đơn vị quản lý vận tải như Sở GTVT các tỉnh cũng chưa hiểu hết cách kiểm tra và triết xuất dữ liệu, nên mới có tình trạng thiết bị thì có nhưng giám sát thiết bị thì không nên khó quy trách nhiệm đến cùng.

Để khắc phục bất cập này, Bộ GTVT đã sửa đổi quy định xử phạt, trong đó sẽ quy định rõ việc trích xuất dữ liệu từ TBGSHT làm căn cứ để xử phạt hành chính, ông Sỹ cho hay. Vị này cũng thừa nhận, hiện nay việc xử phạt các doanh nghiệp vi phạm còn nhẹ tay là bởi lẽ, nếu áp đúng quy định DN có trên 20% lượng xe vi phạm sẽ bị rút giấy phép thì phải có tới 80 - 90% số DN vi phạm, như vậy, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận tải của các tỉnh. Do đó, tạm thời, đoàn thanh tra sẽ “linh động” xử phạt DN nào vi phạm quá nhiều, còn lại sẽ để cho Sở GTVT và các DN tự chấn chỉnh. Sau từ 2 - 3 tháng, nếu chưa có biến chuyển, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý, ông Sỹ nhấn mạnh.

Thiết nghĩ, chuyện không làm khó DN, tạo điều kiện cho Sở địa phương có thời gian sửa sai cũng là điều đáng làm. Thế nhưng, lật ngược lại vấn đề, nếu đoàn thanh tra của Bộ không vào cuộc, thì thử hỏi, hàng loạt sai phạm như trên có được địa phương phát hiện. Theo đó, tai nạn giao thông vẫn có thể sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Bởi lẽ đó, muốn TNGT giảm, muốn hoạt động vận tải thật sự có hiệu quả, Thanh tra Bộ GTVT cần có những biện pháp mạnh tay xử phạt các đơn vị cũng như địa phương vi phạm.

Theo thống kê tình hình TNGT trên địa bàn Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng cho thấy: trong 8 tháng đầu năm 2013, chỉ duy nhất tỉnh Đắk Lắk là tăng cả 3 tiêu chí với 211 vụ tai nạn giao thông, làm chết 227 người, làm bị thương 125 người. So với cùng kỳ năm 2012 tăng 72 vụ (tăng 51,8%), tăng 45 người chết (tăng 24,73%), tăng 23 người bị thương (tăng 22,55%). Còn lại tỉnh Đắk Nông, tỉnh Lâm Đồng số vụ tai nạn đều giảm.

Thanh Huyền
.
.
.