Thừa Thiên - Huế:

Nhiều tuyến bờ biển đang bị cày nát bởi nạn khai thác cát

Thứ Năm, 17/07/2014, 11:47
Mặc dù đã có quy định nghiêm cấm khai thác cát dọc bờ biển với mọi hình thức nhưng vì sự buông lỏng quản lý của địa phương nên thời gian gần đây, nhiều người dân sống dọc các xã biển của huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) đã đổ xô khai thác cát biển bán cho chủ vựa. Những bãi biển đẹp với bờ cát phẳng lì dần biến mất, thay vào đó là những hố cát loang lổ, sâu hoắm... với nguy cơ sạt lở cao, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần...

Trong một chuyến công tác, chúng tôi tình cờ ghé qua bờ biển thôn 5, xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang) và không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh bờ biển đang bị đào bới vô tội vạ. Nằm cách cánh rừng phi lao do người dân thôn 5 trồng chỉ vài bước chân hướng ra biển, nhiều chiếc xe trâu (xe tự chế có thùng chở cát làm bằng gỗ do trâu kéo-PV) đứng cạnh các miệng hố có độ sâu từ 4-5m để chờ múc đầy cát rồi chở đến điểm tập kết cách đó chừng 1km. Chỉ tay ra những hố cát loang lổ, có nguy cơ bị sập do sóng biển ập vào, bà Nguyễn Thị Hiền (47 tuổi, trú thôn 5, xã Vinh Thanh) bức xúc nói: “Tình trạng khai thác cát trái phép như vậy đã diễn ra hơn 2 tháng nay, nhưng vẫn chưa thấy chính quyền địa phương vào cuộc xử lý. Trong khi đó, cánh rừng phi lao phòng hộ đang đứng trước nguy cơ bị “biển nuốt” do bãi cát bị đào bới hết cả rồi”…

Không chỉ ở thôn 5 mà dọc tuyến bãi biển ở thôn 6 (xã Vinh Thanh), tình trạng bờ biển bị băm nát không thương tiếc cũng đang diễn ra từng ngày với hàng trăm khối cát được người dân đào bới tự do chất lên xe trâu chở đến điểm bán cho các chủ vựa. Tại hiện trường ở bãi biển này, chúng tôi bắt gặp 2 bố con ông Nguyễn Văn Chuẩn (trú thôn 6, xã Vinh Thanh) đang hí húi xúc từng xẻng cát đưa lên xe trâu. Ông Chuẩn cho biết: “Giữa năm 2013, giá cát được các chủ vựa mua với giá cao (50-60 nghìn đồng/xe trâu) nên tui đã sắm chiếc xe này để đi xúc cát bán. Bình quân mỗi ngày tui đào được 18 đến 20 xe cát. Vì địa phương chưa ngăn cấm nên mình cứ làm, khi nào họ cấm thì nghỉ làm!”. Ông Chuẩn cho biết thêm, trước đây nghề xúc cát biển đem bán trong thôn chỉ có vài người làm, nhưng từ đầu năm 2014, do cát biển liên tục “đội giá” nên nhiều người đổ xô mua xe trâu, sắm dụng cụ để ra bờ biển này “làm ăn”. “Nếu tính toàn xã thì có khoảng 60 người đang làm nghề xúc cát dọc bãi biển Vinh Thanh này. Ngoài việc nhập cát cho chủ xe ôtô tải Tâm Thức trong thôn, tui còn bán cát cho các mối khác ở các thôn lân cận. Vì thế mà từ sáng sớm, nhiều người đã ra bãi biển để giành chỗ trước...”, anh Nguyễn Liêm, một trong những thanh niên làm nghề xúc cát ở thôn 6 cho hay.

Dùng xe trâu khai thác cát biển trái phép.

Qua tìm hiểu được biết, nhiều bãi biển ở các xã Vinh Mỹ, Vinh Giang (huyện Phú Lộc); Vinh An (huyện Phú Vang) cũng trong tình cảnh bị đào bới lấy cát vô tội vạ. Trước đó không lâu, tại bãi biển thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), doanh nghiệp Resort Tam Giang đã đưa nhiều xe múc, xe cẩu ra bãi biển này để đào bới hàng trăm khối cát để san lấp mặt bằng. Việc làm này gây mất cảnh quan và phá hoại môi trường sinh thái bờ biển khiến người dân bức xúc. Ngay sau đó, Thanh tra Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lập biên bản và xử phạt hành vi khai thác cát trái phép của doanh nghiệp này…

Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng TNMT huyện Phú Vang khẳng định: “Vùng biển nào không có quy hoạch đều nghiêm cấm khai thác cát dưới mọi hình thức, trừ những trường hợp lấy đất, đá làm vật liệu xây dựng có sự đồng ý của UBND tỉnh. Riêng tình trạng khai thác cát biển ồ ạt ở xã Vinh Thanh, trách nhiệm này thuộc về UBND xã khi đã buông lỏng công tác quản lý. Tới đây đơn vị sẽ kiểm tra và xử lý kiên quyết!”. Mùa mưa bão đang đến gần, việc khai thác cát biển bừa bãi, ồ ạt để đem bán dọc các xã biển huyện Phú Vang một lần nữa cảnh báo công tác quản lý lỏng lẻo, có nhiều kẽ hở của các địa phương đối với loại tài nguyên khoáng sản này. Trên hết, hậu quả để lại là sự mất cân bằng sinh thái, bờ biển xâm thực gây xói mòn, sạt lở... khi các bờ cát ven biển đang bị cày nát từng giờ, từng ngày…

Lê Anh
.
.
.