Nhiều thực phẩm có acid oxalic gây sỏi thận

Thứ Bảy, 04/01/2014, 11:53
Chất lượng mì tôm sản xuất trong nước rất an toàn

Sau khi có thông tin mì tôm chứa chất acid oxalic có thể gây sỏi thận, ngày 3/1, TS. Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, cho biết: Khi phát hiện acid oxalic có trong một số thực phẩm, Cục  ATTP đã chủ động yêu cầu các Chi cục ATVSTP phối hợp với các đơn vị kỹ thuật tiến hành giám sát acid oxalic trong rau, củ quả tươi; bột mỳ, mỳ gói, mỳ sợi; gạo, bún, bánh phở, bánh canh, bánh hỏi…

Kết quả giám sát trên tổng số 263 mẫu cho thấy 58 mẫu có acid oxalic (chiếm 22,05%), hàm lượng dao động từ 10,7 đến 1.809 mg/kg. Chủ yếu có trong rau quả tươi, bột mỳ và một số sản phẩm chế biến từ bột mỳ (mỳ gói, mỳ sợi). Trong đó, 8 mẫu mỳ gói có hàm lượng acid oxalic từ 31,9 đến 177 mg/kg trong đó 5 mẫu mỳ gói của nước ngoài có hàm lượng từ 31,9 đến 71,3 mg/kg; 1 mẫu bột mỳ nhập ngoại có hàm lượng acid oxalic là 110 mg/kg. Một số mẫu rau củ quả tươi cũng chứa acid oxalic với hàm lượng dao động từ 10,7 - 1.809 mg/kg tùy chủng loại.

Như vậy, có thể thấy rằng acid oxalic sẵn có trong một số loại thực phẩm, rất khó phân biệt giữa acid oxalic tồn tại tự nhiên với acid oxalic chủ động cho vào thực phẩm. Hiện tại, Ủy ban chuyên gia của FAO/WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA) chưa có nghiên cứu toàn diện về ảnh hưởng của acid oxalic cũng như muối oxalate trong thực phẩm đối với sức khỏe con người và đã đưa acid oxalic vào danh mục các chất hỗ trợ chế biến trong thực phẩm. Trên cơ sở danh mục của Codex, một số các quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc… trong đó có Việt Nam đã quy định cho phép sử dụng acid oxalic như một chất hỗ trợ chế biến.

Để bảo đảm ATTP cho người sử dụng, Cục ATTP vẫn yêu cầu người sản xuất, kinh doanh thực phẩm không được sử dụng acid oxalic công nghiệp trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Trong trường hợp phải sử dụng acid oxalic làm chất hỗ trợ chế biến, phải đảm bảo sử dụng ở mức tối thiểu chế phẩm acid oxalic đã được công bố phù hợp quy định ATTP, đồng thời phải công bố việc sử dụng với cơ quan có thẩm quyền.

Cục  ATTP cũng khuyến cáo người tiêu dùng có nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến tạo sỏi trong cơ thể tránh sử dụng các thực phẩm giàu acid oxalic. Khi sử dụng các thực phẩm giàu acid oxalic (muối oxalat), cần chú ý tăng cường uống nước để tăng đào thải. Thực hiện các biện pháp sơ chế, chế biến có tác dụng làm giảm acid oxalic như ngâm, rửa, luộc, rang… phù hợp với đặc tính của từng nguyên liệu thực phẩm cũng như sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao được khuyến cáo.

Riêng về thông tin 100% mì tôm chứa acid oxalic đang gây hoang mang dư luận, TS. Trần Quang Trung khẳng định: Mì tôm của chúng ta từ trước đến nay không chỉ sử dụng trong nước, mà đã được xuất khẩu đi nhiều nước và đã được kiểm nghiệm khắt khe, nên chất lượng rất an toàn, chưa có lô hàng xuất khẩu nào bị trả về

Thanh Hằng
.
.
.