Nhiều sai phạm từ một HTX

Thứ Bảy, 08/10/2011, 11:16
Nhiều người dân thuộc xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế phản ánh cán bộ Hợp tác xã (HTX) Đông Sơn đã lợi dụng tín nhiệm nhằm có những khoản thu chi không minh bạch; lợi dụng chức vụ dùng tài sản Nhà nước làm kinh tế thu lợi riêng; tự ý hợp đồng cày xới mở đường khai thác trái phép rừng trồng tại hai đồi Tri Giang và đồi Tranh…

Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi có được thông tin ban đầu gửi đến bạn đọc.

Nói một đằng, làm một nẻo

Theo phản ánh của các xã viên, tại một buổi họp xã viên của HTX ông Đỗ Thế - Chủ nhiệm (CN) HTX nói với dân là sẽ thu tiền làm sổ đỏ tùy vào diện tích đất để thu, cụ thể 3.000.000 đồng/ha thuộc đất ở đồi Tri Giang. Rất nhiều người tham gia nộp tiền ít nhiều tùy vào diện tích của mình. Thời gian lâu sau đó thấy không có sổ đỏ họ đến UBND xã để hỏi thì mới hay đất ở đây không làm được sổ đỏ. Hơn nữa UBND xã không hề hay biết gì đến việc thu tiền của HTX với lý do như nói trên.

Làm việc với CN HTX, ông Đỗ Thế cho biết, đó là tiền giao khoán chứ không phải tiền làm sổ đỏ. Cụ thể trong hợp đồng vào ngày 16/10/2009, HTX có nội dung: "Hợp đồng về việc giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng thông trồng xen cây keo lai cùng hưởng lợi" tại đồi Tri Giang. Trong hợp đồng nêu rõ: "Bên nhận khoán nộp cho HTX 3.000.000 đồng/ha để làm chi phí ban đầu họp hành, đo đạc, phân lô ranh giới, giao thực địa, giám sát kiểm tra…".

Rừng thông tại đồi Tranh nhiều diện tích đã bị khai thác để trồng tràm.

Điều người dân "nhầm một cách tai hại" đó là những người đóng tiền ở đây đã có một diện tích nhất định giờ cơi nới thêm, nghe HTX nói thu tiền để làm tiếp sổ đỏ thì mừng khấp khởi và nộp liền mà không hề do dự. Khi hiểu rõ vấn đề người dân mới biết mình "thiệt đơn thiệt kép"… Ngay cả những người không có đất cũng phải nộp tiền: Anh Bùi Thiên ở thôn Lương Quý Phú nói rằng, bản thân anh không hề có đất ở đồi Tri Giang nhưng cũng phải nộp 1,8 triệu đồng. Tôi thắc mắc thì được ông Đỗ Thế giải thích là nếu không nộp thì sẽ thu hồi đất ở đồi Tranh?...

Số tiền nhận khoán tính đến nay HTX thu hơn 50.000.000 đồng. Theo hợp đồng thì khoản thu này sẽ được dùng làm chi phí họp hành, đo đạc… Khi được hỏi đơn vị nào đo đạc, ông CN HTX cho hay: "Đoàn đo đạc nói trên là thuộc cán bộ HTX chứ không phải đơn vị đo đạc nào khác. Thêm vào đó có thuê thêm hai ông là Trần Hóa và Lê Văn Dũng cùng trú tại thôn 3 tham gia đo đạc và trả công 100.000 đồng/ngày, đo trong 3 ngày…". 9 cán bộ cùng 2 người được thuê để đo trong 3 ngày nhưng chi phí hết 12.000.000 đồng...?

Ông Lê Hùng - Phó trưởng Phòng TN-MT cho biết: "Việc HTX tự cho thu khoản tiền 3.000.000 đồng/ha như hợp đồng giao khoán là không đúng. Lý do HTX muốn có những khoản thu chi và những hợp đồng liên quan tới nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng trước hết phải có đề án gửi trình UBND huyện nếu được thông qua HTX mới có thể thực hiện…

Hơn thế nữa HTX hoàn toàn không có quyền tự ý thu tiền rồi tự ý thuê người đo đạc, việc đo đạc thuộc về các cơ quan chức năng và Phòng TN-MT khi đã có đề án và được UBND huyện phê duyệt. Ngay như trong bản hợp đồng của HTX ở đây cũng không đúng bởi trong hợp đồng không có ghi rõ vị trí cụ thể như: thuộc lô, khoảnh, tiểu khu, tổng số cây trên toàn lô giao khoán… ".

Qua đó để thấy được những việc làm của HTX là hoàn toàn sai lệch với chủ trương chung.

Nhiều dấu hiệu sai phạm

Người dân ở đây cho biết, bản thân họ có nhu cầu trồng rừng và nhiều lần đăng ký nhưng cho đến nay vẫn không được chấp nhận, trong khi người ngoài địa phương và cán bộ HTX lại được giao đất trồng rừng(?). Trao đổi về vấn đề này cùng ông CN HTX và ông Huỳnh Bình - Chủ tịch UBND xã thì được biết hiện nay đồi Tri Giang có diện tích 28ha thì trong đó trừ ra 10ha để UBND xã làm nghĩa địa. Trên thực tế hiện nay trên đồi Tri Giang đã không còn thông thay vào đó là tràm đã mọc lên xanh, kể cả 10ha nói là để làm nghĩa địa xã.

Những hợp đồng HTX ký với xã viên.

Về vấn đề giao đất làm nghĩa trang ông Lê Hùng - Phó trưởng Phòng TN-MT cho biết: Đến nay chưa có đề án chính thức nên trách nhiệm quản lý vẫn thuộc về HTX. HTX phải có trách nhiệm bảo vệ đất đai và hiện trạng của rừng. Việc để cho một các cá nhân trồng cây trên đó rồi cán bộ đổ lỗi qua về như trên là sai, là thiếu trách nhiệm.

Riêng về 20ha ở đồi Tranh, ông Đỗ Thế khẳng định hiện đã có ý kiến của huyện cho tỉa thưa nhưng HTX chưa triển khai. Thế nhưng hiện nay trên đồi nhiều diện tích thông đã bị đốn hạ và trồng tràm. Thêm vào đó HTX chưa hề có đề án trình lên UBND huyện về việc mở đường nhưng một con đường rộng gần 4m, dài hơn 2km đã án ngữ ngay trên đồi. Được biết việc mở đường này là do HTX hợp đồng với ông Văn Viết Lạc mà không hề thông qua xã hay huyện.

Hay ngay cả như đập chứa nước Ông Bề tại thôn Bát Sơn dùng để tưới tiêu cho hơn 15ha cũng được ông CN HTX Đỗ Thế ngăn, dựng nhà nổi để nuôi cá (nguồn kinh phí do Nhà nước hỗ trợ hàng trăm triệu đồng).

Nhận thấy trong khi chính sách của Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề "Tam nông" thì những việc làm nêu trên của HTX Đồng Sơn đang đi ngược trở lại. Những việc làm đó không những vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ trương chung. Qua đây mong rằng các cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc để làm rõ những sai trái của cán bộ HTX qua đó tạo dựng niềm tin của nhân dân vào chính quyền cơ sở

Mạnh Cường
.
.
.