Nhiều sai phạm trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội

Thứ Ba, 02/01/2007, 13:46

Kết quả thanh tra của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) năm 2006 cho thấy hầu hết các lĩnh vực được thanh kiểm tra đều phát hiện sai phạm ở mức độ khác nhau. Thông tin này được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra vào dịp đầu năm 2007.

Theo đó, năm 2006 công tác thanh tra được tăng cường với số lượng bằng 1,6 lần ở các doanh nghiệp so với năm trước đặc biệt là trong lĩnh vực thực hiện pháp luật lao động.

Tính ở từng lĩnh vực có thể thấy hành vi vi phạm chủ yếu về một số lĩnh vực như: Ký kết hợp đồng lao động, định mức lao động, thang bảng lương, công tác an toàn vệ sinh lao động, khám sức khỏe định kỳ, trả lương làm thêm giờ, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại…

Đối với việc thực hiện các quy định về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các hành vi thực hiện chưa đúng hoặc chưa thực hiện quy định của pháp luật về XKLĐ như: Không thông báo công khai điều kiện tuyển chọn (đặc biệt là thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc), chất lượng đào tạo, giáo dục, định hướng chưa cao, tay nghề của lao động còn thấp, hợp đồng giữa người người lao động và công ty xuất khẩu lao động chưa đúng mẫu…

Thanh tra về chính sách đối với người có công đã tiến hành tại 6 tỉnh Phú Yên, Sơn La, Nghệ An, Hải Dương, Gia Lai và Cần Thơ. Qua Kiểm tra 473 đối tượng đang hưởng chế độ thương binh và người bị nhiễm chất độc hoá học đã phát hiện 106 đối tượng hưởng chưa đúng quy định, yêu cầu xử lý thu hồi và cắt giảm 65 đối tượng.

Nguyên nhân những sai sót này là do thời điểm xảy ra sự việc quá lâu, quy trình xét duyệt, công nhận người có công được hưởng chế độ phải qua nhiều ngành, nhiều cấp quản lý, trong khi đó văn bản dưới luật về đối tượng người có công rất nhiều và luôn thay đổi, bổ sung dẫn đến tình trạng không hiểu văn bản và vận dụng sai chính sách…

L.P.
.
.
.