Nhiều sai phạm ở các dự án trồng rừng ngập mặn

Thứ Ba, 22/01/2019, 06:48
Theo Thanh tra tỉnh Sóc Trăng, qua thanh tra 2 dự án thí điểm trồng rừng ven biển ở tỉnh Sóc Trăng tại Ban Quản lý dự án lâm nghiệp (BQLDALN) tỉnh Sóc Trăng, đã phát hiện sai phạm trên 500 triệu đồng…


Theo Thanh tra tỉnh Sóc Trăng, 2 dự án: “Thí điểm trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn ven biển tỉnh Sóc Trăng” (viết tắt là Dự án 1012) và “Thí điểm trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc địa bàn ven biển tỉnh Sóc Trăng” (viết tắt là Dự án 1661), với tổng vốn đầu tư trên 95 tỉ đồng.

Trong quá trình thực hiện, 2 dự án này xảy ra một số sai phạm về thu, chi tài chính và xây dựng cơ bản với tổng số tiền gần 530 triệu đồng. Trong đó, sai phạm về thu, chi tài chính trên 31 triệu đồng (thu tiền bán hồ sơ mời thầu không nộp ngân sách và truy thu thuế); sai phạm trong xây dựng cơ bản trên 498 triệu đồng do nghiệm thu thừa khối lượng các đường dân sinh trong diện tích trồng rừng; mật độ cây chưa đúng với thiết kế; dự toán kinh phí trồng rừng không phù hợp; chi phí quản lý dự án…

Về xử lý về trách nhiệm, tập thể Ban Giám đốc BQLDALN; cá nhân ông Hồ Quốc Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, Trưởng BQLDALN (giai đoạn 2015  đến tháng 3-2017); ông Lương Minh Quyết - Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, Trưởng BQLDALN (giai đoạn tháng 3-2017 đến năm 2018); ông Trần Trọng Khiêm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Phó Trưởng BQLDALN, nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo điều hành, đã thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra các sai sót.

Trưởng BQLDALN xem xét trách nhiệm đối với các cá nhân đã tham mưu chưa đúng về tài chính; các cá nhân được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chủ đầu tư; các thành viên Tổ thẩm định hồ sơ yêu cầu và báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất thẩm định hồ sơ để xảy ra sai phạm, thu hồi gần 530 triệu đồng cho ngân sách Nhà nước…

Cùng ngày, Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, đơn vị vừa có báo cáo về các đơn vị không trồng rừng sau khai thác trên địa bàn huyện U Minh. Theo đó, các đơn vị chủ rừng đã vi phạm quy định về trồng rừng sau khai thác tổ chức khai thác rừng hàng năm theo kế hoạch từ năm 2013-2017 nhưng chưa trồng lại rừng với tổng diện tích gần 700ha.

Cụ thể Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ với diện tích 286,1ha (đã khai thác rừng năm 2013-2014) tại các hộ nhận khoán thuộc tiểu khu 11, liên tiểu khu Sông Trẹm (xã Khánh Thuận, huyện U Minh). Sau khi khai thác rừng, các hộ dân nhận khoán tại khu vực này tự phát đưa nước mặn vào để nuôi trồng thủy sản cho đến nay. Công ty Sông Tiền diện tích 13ha khai thác từ năm 2016 nhưng chưa trồng lại rừng và hiện công ty dùng diện tích khai thác để trồng ớt.

Riêng Trại giống Khánh Lâm 2 (Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau) diện tích 46,85ha khai thác năm 2016-2017 nhưng chưa trồng lại rừng. Báo cáo cũng nêu rõ, theo quy định pháp luật về lâm nghiệp hiện hành thì các chủ rừng sau khi khai thác phải trồng lại rừng trong 12 tháng.

Việc không trồng lại rừng mà tổ chức trồng các loại cây nông nghiệp khác, nuôi trồng thủy sản được coi là hành vi chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp không đúng quy định…

Đức Văn
.
.
.