Đưa lao động giúp việc sang Arab Saudi:

Nhiều rủi ro vì thiếu thông tin

Thứ Năm, 01/01/2015, 09:24
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra tình trạng lao động giúp việc gia đình (GVGĐ) Việt Nam sang Arab Saudi phải về nước trước thời hạn. Có những phụ nữ đi làm giúp việc trở về đã phản ánh quãng thời gian làm việc trong gia đình nhà chủ tại Arab Saudi là những ký ức kinh hoàng trong cuộc đời của họ, không hiểu tiếng, bị phục vụ nhiều người, thậm chí còn bị bóc lột tình dục, phục vụ cả bố lẫn con chủ nhà...

Trong khi đó văn hóa đạo Hồi, người đàn ông được phép lấy nhiều vợ, khi xảy ra sự cố, ngay bản thân doanh nghiệp (DN) dịch vụ đưa đi cũng không biết lao động của mình phục vụ ở nhà của người vợ nào, thủ tục sang Arab Saudi giải quyết sự vụ khó khăn; cùng với rất nhiều khó khăn để lao động thích ứng được với văn hóa, phong tục của chủ nhà.

Trước đây, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã từng khẳng định chúng ta không khuyến khích đưa lao động giúp việc đi vì ngay làm việc trong nước đã rất khó để bảo vệ họ. Liệu với việc mới đây Bộ lại ký Thỏa thuận với Arab Saudi về giúp việc gia đình, có khắc phục được những khó khăn đã nêu ở trên hay không? Việc quản lý DN thực hiện và những cam kết đảm bảo để bảo vệ quyền lợi của lao động giúp việc có gì mới, nếu không chặt chẽ thì sẽ để lại nhiều hệ lụy?, là những câu hỏi mà nhiều lao động quan tâm đến thị trường này đặt ra.

Giải thích về vấn đề này, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) cho biết, với những tiềm năng của thị trường tiếp nhận 1,5 triệu lao động GVGĐ như Arab Saudi, mới đây Việt Nam và Arab Saudi đã ký kết thỏa thuận hợp tác về loại hình lao động này, nhằm mục tiêu cao nhất tạo khung pháp lý và ràng buộc trách nhiệm giữa hai nước, giữa các DN và chủ sử dụng, đảm bảo quyền lợi cho lao động.
Cần siết chặt quy trình tuyển chọn, đào tạo lao động giúp việc gia đình để tránh rủi ro.

Đối với các DN làm lao động GVGĐ, Bộ LĐ-TB&XH và Cục QLLĐNN đã đặt ra yêu cầu cao về công tác đào tạo lao động trước khi đi, DN cần có thời gian để lao động hiểu rõ thích nghi với văn hóa, phong tục của đất nước có nền văn hóa đạo Hồi. Đặc biệt ở Arab Saudi, ngoài chênh lệch múi giờ so với Việt Nam 4 tiếng, họ còn sinh hoạt muộn về đêm do ban ngày nắng nóng.

Thời gian vừa qua một số DN không đào tạo kỹ chuyện đó. Khám sức khỏe chỉ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện GTVT ở Hà Nội. Tới đây, khâu tuyển chọn phải kỹ hơn, phải phối hợp với địa phương, với gia đình làm chặt chẽ hơn, tránh rủi ro phát sinh.

Trong Thỏa thuận ký với Arab Saudi, cũng như hợp đồng mẫu, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu phải qua một công ty hoạt động có giấy phép ở Arab Saudi, chủ sử dụng có địa chỉ cụ thể để liên hệ, để khi có sự việc phát sinh có địa chỉ của chủ và môi giới, dễ dàng biết được lao động ở đâu. Về thủ tục xử lý, quy định trách nhiệm của hai bên.

Phía Arab Saudi có cơ quan Tòa án lao động ở địa phương, đương nhiên các cơ quan cấp trên như Bộ Lao động của bạn cũng trực tiếp can thiệp. Phía Việt Nam trong Thỏa thuận quy định các DN đưa lao động sang Arab Saudi nói chung và GVGĐ nói riêng phải có cán bộ quản lý, hỗ trợ giải quyết sự việc phát sinh. “Cục QLLĐNN đã yêu cầu các DN dần hoàn thiện bộ máy quản lý ở Arab Saudi. Đến nay gần 50 DN đưa lao động sang Arab Saudi mới có 12 cán bộ đại diện. Một số DN gần đây đã có sự phối hợp với nhau để quản lý lao động”, ông Phạm Viết Hương cho biết.

Trao đổi với PV Báo CAND, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho hay, trước đây việc đưa lao động giúp việc sang Arab Saudi còn thả nổi, do phía bạn có nhu cầu cao nên cứ ngầm ra điều kiện với DN dịch vụ là cứ 10 lao động ở các ngành nghề khác thì phải cung ứng kèm 1 lao động GVGĐ.

Nhu cầu của bạn là có thật, lao động có nhu cầu đi thật, nên việc ký Thỏa thuận với Arab Saudi về loại hình lao động này, đưa ra những điều kiện để quản lý, bảo hộ tốt hơn quyền của người lao động. Làm cách nào để làm tốt thị trường này, cần phải phổ biến rộng rãi thỏa thuận đã ký giữa hai nước, người lao động cũng phải nắm được, việc đào tạo phải thực chất hơn.

Đối với DN nào có nhiều phản ánh, không biết là đúng hay sai thì tạm thời dừng lại, đồng thời rà soát lại xem các DN thực hiện đến đâu các quy định của  Bộ về đưa lao động sang Arab Saudi.

“Cố gắng sau Tết dương lịch, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức hội nghị, có sự tham gia của Đại sứ Việt Nam tại Arab Saudi, các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp để đánh giá xem tình hình, xem nguyên nhân cùng nhau tìm ra cách xử lý”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho hay.

Được biết, Bộ LĐ-TB&XH đang cho nghiên cứu, trao đổi với phía Arab Saudi thành lập cơ chế Văn phòng tùy viên lao động Việt Nam tại Arab Saudi tạo điều kiện cho đại diện DN sang với tư cách lưu trú lâu dài; học hỏi mô hình Nhà xã hội như một số nước như Philippines, Ấn Độ, để lao động khi gặp rủi ro hoặc quá trình chờ về nước thì có thể tá túc tại đó.

Liên quan đến 20 lao động của tỉnh Bắc Kạn do Công ty Thăng Long đưa sang Arab Saudi, nhiều tháng không có việc làm, nhưng không được giải quyết đưa về nước, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết, đã xử lý quyết liệt, đến chiều 30/12, 13 lao động còn lại đã được đưa về nước.

Trước đó, ngày 28/12, 7 lao động được đưa về. “Đối với 20 lao động này, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị với Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản ưu tiên đưa đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản không mất phí”, ông Hòa cho hay.

Thu Uyên
.
.
.